Khó khăn trong công tác chống ngập

TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ giải quyết được ngập do mưa và triều cường. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc chống ngập còn nhiều khó khăn, mặc dù thành phố đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cho các dự án chống ngập. Bao giờ thành phố hết ngập là câu hỏi bức xúc của người dân dành cho các cấp, các ngành liên quan.

Khu vực Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) thường xuyên bị ngập nặng sau cơn mưa.
Khu vực Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) thường xuyên bị ngập nặng sau cơn mưa.

Chỉ mới vài cơn mưa đầu mùa với lượng mưa đo được từ 16 đến 61,3 mm tùy khu vực nhưng đã khiến nhiều tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh ngập nặng. Cơn mưa ngày 19-5 đã khiến hàng chục tuyến đường tại các quận 2, 12, Thủ Đức, Bình Thạnh… ngập sâu, xe chết máy, người dân bì bõm lội tìm đường đi. Tại đường Nguyễn Văn Quá (quận 12), dù người dân đã xây gờ chắn, kê thêm ván gỗ trước cửa nhưng vẫn không ngăn được nước tràn vào nhà. Nhiều người dân mệt mỏi vì cứ thấy trời đổ mưa là họ phải chạy vội về nhà để canh nước. Ba năm trước, tuyến đường này đã được đầu tư dự án xây cống hộp để giảm ngập. Thế nhưng, khi dự án hoàn thành, chẳng những không hết ngập mà ngược lại, nước còn từ dưới cống trào lên, gây ngập nặng hơn.

Tương tự, tại đường Phan Huy Ích, Cây Trâm, Lê Đức Thọ (Gò Vấp), Nguyễn Xí (Bình Thạnh), Lê Văn Việt, Dương Đình Hội (quận 9)… Cứ có mưa to kéo dài là nước chảy cuồn cuộn khiến giao thông mất kiểm soát, tê liệt. Dòng nước cuồn cuộn chảy gần như muốn nhấn chìm hai hầm chui cầu Khánh Hội (quận 1) và cầu Bình Triệu (quận Bình Thạnh). Tại hầm chui cầu Khánh Hội, nước ngập gần 0,5 m khiến dòng xe từ đường Tôn Đức Thắng và Võ Văn Kiệt không thể lưu thông. Hầm chui cầu Bình Triệu dù mới được đưa vào sử dụng ngày 20-4-2018 cũng chẳng khá hơn khi không chịu nổi cơn mưa đầu mùa. Nguyên nhân gây ngập tại hầm chui Khánh Hội được cơ quan chức năng thành phố lý giải là do hệ thống điện phục vụ máy bơm được trang bị sẵn tại đây bị phá hoại, không hoạt động được.

Như thường lệ, mỗi khi ngập, các cơ quan hữu quan của thành phố đều có cách lý giải về nguyên nhân. Lần này, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước (Trung tâm Chống ngập) TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho rằng, ngập úng tái diễn ở nhiều khu vực là do thành phố thiếu vốn thực hiện các quy hoạch chống ngập. Theo ông Dũng, thành phố đang thực hiện hai quy hoạch, gồm Quy hoạch tổng thể thoát nước đến năm 2020 (Quy hoạch 752) và Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP Hồ Chí Minh (Quy hoạch 1.547). Nguồn lực để thực hiện hai quy hoạch này lên tới 96.329 tỷ đồng. Giai đoạn trước năm 2016 đã có ba dự án triển khai với tổng số vốn 22.948 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020 cần 73.379 tỷ đồng. Tổng số vốn còn thiếu để thực hiện hoàn chỉnh hai quy hoạch nêu trên lên tới 46.527 tỷ đồng.

Một nguyên nhân không mới cũng được ông Dũng lý giải là do công tác dự báo không lường hết những diễn biến của tình trạng biến đổi khí hậu. Cụ thể, Quy hoạch 752 chỉ tính lượng mưa trong ba giờ, đạt vũ lượng tối đa 95,91 mm và đỉnh triều 1,32 m. Tuy nhiên, trong hai năm qua, thành phố đã xuất hiện 17 trận mưa với vũ lượng hơn 100 mm, thậm chí lên tới 206,2 mm vào năm 2017 khiến hệ thống thoát nước trở nên lạc hậu.

Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm Chống ngập Đỗ Tấn Long cũng nêu lý do, việc triển khai quy hoạch chống ngập quá chậm, hệ thống cống thoát nước đầu tư chưa đạt yêu cầu. Quy hoạch xác định xây dựng 140 hồ điều tiết hỗ trợ thoát nước nhưng đến nay chưa có hồ điều tiết nào hoàn thành. Việc nạo vét kênh, rạch cũng chỉ đạt được 1% so với kế hoạch đặt ra. TP Hồ Chí Minh cũng xác định triển khai 10 cống kiểm soát triều, đến nay chỉ mới đưa vào vận hành cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè, các cống còn lại đang triển khai dang dở. Đó là chưa kể hầu hết hệ thống cống thoát nước của thành phố được xây dựng từ thời thực dân Pháp, chỉ đáp ứng cho quy mô dân số khoảng hai triệu người nhưng hiện nay dân số đã tăng lên gấp năm lần…

Còn dài nữa những nguyên nhân gây ngập. Trong cuộc họp gần nhất với các quận, huyện, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã thẳng thắn nhìn nhận: Chống ngập không đơn giản là vốn và quy hoạch, mà cần một "nhạc trưởng" đóng vai trò kết nối để làm sao đem lại hiệu quả thật sự.

Các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị cũng khẳng định việc chống ngập của thành phố hiện chỉ mang tính chất đối phó chứ chưa có một chiến lược chống ngập bền vững. Đơn cử, trong hợp đồng mà thành phố thuê dịch vụ máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh của Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung chỉ chống ngập đến số nhà 182. Trên cùng tuyến đường, những đoạn ngoài phạm vi hợp đồng, người dân vẫn chịu cảnh bì bõm lội nước dắt xe khi trời mưa lớn, kéo dài.