Khi đại dịch Covid-19 vào tác phẩm nghệ thuật

Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ, tác giả đã chọn đề tài đại dịch Covid-19 cho những sáng tác mới của mình. Dù được thể hiện ở thể loại nào, những tác phẩm đề cập về dịch bệnh đang là nỗi ám ảnh của toàn thế giới vẫn có sức hấp dẫn riêng đối với công chúng, độc giả.

Công chúng xem triển lãm ảnh "Sài Gòn Covid-19" của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong.
Công chúng xem triển lãm ảnh "Sài Gòn Covid-19" của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong.

Trung tuần tháng 9 vừa qua, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á đã thực hiện cuộc triển lãm ảnh mới của mình, đồng thời ra mắt bộ sách ảnh “Tinh thần Việt và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19” (Nhà xuất bản Thông tấn).

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á đã giới thiệu đến công chúng 400 tấm ảnh chọn lọc về sự hy sinh thầm lặng của những “chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu đang dốc sức ngăn chặn đại dịch Covid-19. Những bức ảnh chân thực đã cho người xem cái nhìn tổng quát về “trận chiến” phòng, chống đại dịch ở những “điểm nóng” trên cả nước. Người xem còn bắt gặp hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang quên mình giúp đỡ người dân trong các khu cách ly; hình ảnh cảm động về tình người trong đại dịch thể hiện qua các hoạt động đầy ý nghĩa của đồng bào ta như cây ATM gạo, cửa hàng 0 đồng trên phố, các hoạt động từ thiện… Với triển lãm này, Nghệ sĩ Nguyễn Á một lần nữa mang đến cho công chúng những cảm xúc đẹp về tinh thần của người Việt Nam trong những ngày gian khó phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó, người xem cũng thấy được tình yêu nghề mãnh liệt của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á đối với nghệ thuật nhiếp ảnh mà anh theo đuổi lâu nay.

Cũng là triển lãm về chủ đề Covid-19, nhưng cuộc triển lãm và ra mắt sách ảnh “Sài Gòn mùa Covid-19” (Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ) của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong lại đưa người xem đến một không gian khác, một cảm xúc khác trầm lắng hơn, nhẹ nhàng hơn. Đây là cuộc triển lãm ảnh lần thứ 14 và là tập sách ảnh thứ 9 của tác giả. Trái ngược hoàn toàn tập sách ảnh "Nhịp sống Sài Gòn” được xuất bản năm 2019 là không gian phố xá sầm uất giữa dòng người vội vã, “Sài Gòn Covid-19” phản ánh một thành phố năng động, nghĩa tình bỗng dưng trầm lắng; những ngày nhìn và lắng nghe sự im lặng đến nao lòng nhưng cũng mạnh mẽ, ấm áp và chở che. 

Bằng tất cả tâm huyết của một người yêu nghề, với 101 tác phẩm nhiếp ảnh được chọn lọc từ hơn 2.000 file ảnh để đưa vào tập sách ảnh “Sài Gòn Covid-19”, Trần Thế Phong mong muốn gửi đến bạn đọc những hình ảnh của một thành phố thanh vắng, đáng yêu và nghĩa tình. Từ tháng 1-2020, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong bắt đầu ghi lại cuộc sống của người dân TP Hồ Chí Minh và đỉnh điểm là đợt giãn cách xã hội 22 ngày vừa qua. Trong 22 ngày thành phố “vắng lạ” đến không ngờ, anh tranh thủ ghi lại hình ảnh từ tờ mờ sáng đến tận tối... Thời gian còn lại trong ngày, anh cùng những người bạn đi phát gạo, thức ăn, quà bánh dành cho những mảnh đời khó khăn trên đường phố. Trước những hình ảnh xúc động, đầy tình người trong lúc dịch bệnh, tác giả Trần Thế Phong ghi trọn những khoảnh khắc đẹp giữa đời thường ấy vào trong ống kính bằng trái tim nhạy cảm của người nghệ sĩ.

Chủ đề Covid-19 còn được nhiều tác giả trẻ thể hiện bằng những tác phẩm văn học mang nhiều điều thú vị, mới lạ. Trong hai tuần giãn cách xã hội, tác giả trẻ Dy Khoa đã hoàn thành cuốn sách “Đi qua hai mùa dịch” (Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ). “Đi qua hai mùa dịch” được chia thành hai phần. Phần một, Dy Khoa kể về câu chuyện của chính mình 11 năm trước khi tác giả từng là một người bệnh dương tính với vi-rút cúm A/H1N1. Phần này được kể khá chi tiết từ khi anh có biểu hiện sốt đến khi được xuất viện. Chung quanh đó là những tình cảm đáng quý giữa những người bệnh với nhau và với các nhân viên y tế. Tác giả nhấn mạnh về sự may mắn khi nhận được yêu thương, giúp đỡ từ mọi người, nhất là mẹ của mình. Trong phần hai, tác giả trong vai một người quan sát và lắng nghe tâm sự từ mọi người về những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến cộng đồng. Có những người bạn hàng rơi nước mắt, có những người bạn bị mất thu nhập… Và còn có vô số cảm xúc khác nhau trong cuộc chiến chống lại vi-rút SARS-CoV-2. Nhưng, mọi chuyện rồi sẽ ổn, mọi người sẽ vượt qua những khó khăn mà mình gặp phải.

“Cuốn sách kể về hai lần dịch bệnh làm cả thế giới chao đảo từ góc độ cá nhân. Cái nhìn về dịch bệnh của 11 năm trước và 11 năm sau của tôi cũng đã có nhiều khác biệt do sự trưởng thành hơn trong suy nghĩ, biết quan tâm hơn đến mọi người. "Đi qua hai mùa dịch" cũng là lời cảm ơn đặc biệt của tôi đến với mẹ của mình, cũng như đội ngũ nhân viên y tế, họ là những chiến sĩ tuyến đầu bảo vệ sức khỏe nhân dân. Họ cũng có những điều trăn trở của mình. Vậy nên chọn yêu thương để đối xử với nhau sẽ tốt hơn”, Dy Khoa chia sẻ.

Mới đây, Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh cho ra mắt cuốn sách “Mắc kẹt” của tác giả Phương Thu Thủy. Cô gái trẻ 8X này lẽ ra đã có một chuyến du lịch tới xứ sở cờ hoa một cách trọn vẹn, thì lại có một hành trình đáng nhớ theo cái cách mà có nằm mơ cô cũng không thể hình dung ra. Đã chín tháng bị “mắc kẹt” tại Mỹ, đến nay Phương Thu Thủy vẫn chưa thể về Việt Nam. Cuốn sách mới nhất của tác giả Phương Thu Thủy viết về những trải nghiệm của chính mình trên nước Mỹ trong khoảng thời gian khó khăn khi mà cả thế giới đương đầu với mối nguy hiểm vô hình, dịch Covid-19. Những góc nhìn của tác giả sẽ dẫn lối cho người đọc khám phá một cách sâu sắc bên trong một quốc gia, nơi vẫn còn đang vất vả chống chọi với đại dịch toàn cầu.

Các tác phẩm về Covid-19 sẽ còn được nhiều tác giả khai thác với những góc nhìn khác nhau. Hy vọng, nhiều tác phẩm giá trị về chủ đề “thời sự” này sẽ tiếp tục được ra đời, mang đến cho công chúng, độc giả những cảm xúc đẹp, những câu chuyện nhân văn, để mỗi người có thêm niềm tin, nghị lực trong cuộc sống.