Khẩn trương hỗ trợ người lao động gặp khó khăn

Thực hiện Nghị quyết của HĐND TP Hồ Chí Minh, UBND thành phố giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) tham mưu xây dựng cụ thể chính sách, đẩy nhanh việc rà soát, phối hợp cùng các sở, ngành chức năng, chính quyền địa phương triển khai gói hỗ trợ cho khoảng 600.000 người lao động (NLĐ) bị ngừng việc, mất việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ngay trong tháng 4 này…

Đại diện Liên đoàn Lao động quận 8 trao suất hỗ trợ trị giá 1,2 triệu đồng/người cho giáo viên mầm non các trường ngoài công lập có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Đại diện Liên đoàn Lao động quận 8 trao suất hỗ trợ trị giá 1,2 triệu đồng/người cho giáo viên mầm non các trường ngoài công lập có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Các đối tượng nằm trong diện hỗ trợ là NLÐ bị ngừng việc, mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp vì chưa chấm dứt hợp đồng lao động. Giám đốc Sở LÐ-TB và XH TP Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho biết, có sáu nhóm đối tượng chính thuộc diện hỗ trợ là giáo viên mầm non và NLÐ làm việc các ngành, nghề: Giao thông - vận tải; khách sạn - lưu trú; cơ khí; dệt may; da giày. Mức hỗ trợ là một triệu đồng/người/tháng, áp dụng trong ba tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 1.800 tỷ đồng.

Theo đó, các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện chịu trách nhiệm rà soát, tổng hợp danh sách giáo viên, nhân viên các trường tư thục trên địa bàn. Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN), khu công nghệ cao rà soát các công ty gặp khó khăn trong sản xuất; xác định những lao động bị ngừng việc và mất việc, báo cáo số liệu cho Sở LÐ-TB và XH. Những đối tượng này phải có tên trong danh sách nhận lương của các công ty đến thời điểm ngưng việc để tránh tình trạng lợi dụng chính sách. Ðối với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn các địa phương, các phòng LÐ-TB và XH quận, huyện có trách nhiệm rà soát và báo cáo số liệu về Sở LÐ-TB và XH thành phố.

Theo thông tin từ Sở LÐ-TB và XH TP Hồ Chí Minh, số liệu khảo sát ban đầu cho thấy, toàn thành phố có khoảng 32.000 NLÐ là giáo viên thuộc nhóm trẻ mầm non, mẫu giáo tư thục đang cần sự hỗ trợ, vì từ tháng 2 đến nay bị ngưng việc. Chị Huỳnh Thị Thạch Oanh, giáo viên Trường mầm non Hoàng Yến (phường Thạnh Xuân, quận 12) cho hay: "Hơn 50 giáo viên, nhân viên của nhà trường phải tạm nghỉ từ tháng 2 đến nay theo quy định chung mà không có thu nhập vì là trường tư thục. Tôi đang mang thai con đầu lòng chỉ còn trông chờ vào thu nhập ít ỏi của chồng làm nghề bảo vệ. Nếu thành phố có chính sách hỗ trợ giáo viên ngoài công lập sẽ tiếp sức để chúng tôi vượt qua hoàn cảnh khó khăn này".

Một công nhân đang làm việc tại một công ty đóng tại Khu công nghệ cao (quận 9) tỏ ra lo lắng khi nửa tháng qua, công nhân diện hợp đồng chỉ nhận 70% lương cơ bản vì giảm việc và khả năng sắp tới công nhân diện thời vụ cũng như vậy. "Nếu thành phố có chính sách hỗ trợ lao động thời vụ bị ngưng việc thì công nhân thời vụ như tôi còn có chỗ bám víu…", người công nhân này chia sẻ.

Ðại diện Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) quận 12 cho biết, trên địa bàn quận hiện có hơn 210 nhân viên và giáo viên mầm non thuộc cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ, hầu hết đều bị mất thu nhập trong gần hai tháng qua. Chủ tịch LÐLÐ quận Bình Tân Nguyễn Văn Hải cũng cho biết, toàn quận có khoảng 200 nhân viên, giáo viên mầm non làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập thuộc 110 trường công lập và tư thục. Quận đã lập danh sách NLÐ là giáo viên có hoàn cảnh khó khăn trong số 300 NLÐ cần được hỗ trợ để LÐLÐ thành phố thực hiện chính sách hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên công đoàn.

Còn đại diện Công đoàn các KCX, KCN TP Hồ Chí Minh cho biết, đến đầu tháng 4, đã có 33 doanh nghiệp đóng trong các KCX, KCN trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với 6.123 lao động tạm ngừng việc (hưởng lương cơ bản) và gần 1.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên nhân chính do giảm đơn hàng. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất là ngành may mặc. Ban Quản lý các KCX, KCN thành phố sẽ báo cáo cụ thể tình hình này đến Sở LÐ-TB và XH để NLÐ được xem xét hưởng chính sách hỗ trợ của thành phố…

Giám đốc Sở LÐ-TB và XH TP Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho biết, Sở đang khẩn trương tập hợp số lượng NLÐ thuộc diện nhận hỗ trợ, qua đó tham mưu UBND thành phố sử dụng kinh phí chuyển về các quận, huyện để sớm hỗ trợ NLÐ kịp thời, đúng đối tượng, tránh thủ tục phiền hà. Thời gian giải quyết chậm nhất là cuối tháng 4 này.

Ông Lê Minh Tấn cho biết thêm, UBND thành phố vừa chấp thuận đề nghị của Sở LÐ-TB và XH hỗ trợ cho người bán vé số lưu động đang sinh sống trên địa bàn thành phố gặp khó khăn do tạm dừng phát hành xổ số kiến thiết với mức hỗ trợ 50 nghìn đồng/người/ngày trong thời gian từ ngày 1 đến 15-4. Kinh phí này trích từ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố. Như vậy, đợt này, mỗi người bán vé số lưu động được hỗ trợ 750 nghìn đồng. Thống kê trên địa bàn thành phố có 11.947 người bán vé số cư trú trên địa bàn (thường trú và tạm trú), tổng số tiền mà thành phố chi hỗ trợ gần chín tỷ đồng...

Tính đến cuối tháng 3, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh đã thực hiện hỗ trợ cho gần 4.700 đoàn viên thuộc các nghiệp đoàn giáo viên mầm non có hoàn cảnh khó khăn làm việc ở các cơ sở mầm non tư thục, dân lập trên địa bàn thành phố tạm thời ngừng việc do bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Mỗi phần hỗ trợ là 1,2 triệu đồng. Thời gian tới, LĐLĐ thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các LĐLD quận, huyện để trao các suất hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch Covid-19...