Hướng tới sự phát triển kinh tế bền vững

Sau Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là địa phương thứ hai của cả nước khởi động Dự án “Thương mại vì sự phát triển bền vững”. Chương trình do Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) thuộc Bộ Công thương và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) phối hợp triển khai.

Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên (Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh) - đơn vị tiên phong áp dụng dây chuyền sản xuất tiên tiến thân thiện với môi trường.
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên (Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh) - đơn vị tiên phong áp dụng dây chuyền sản xuất tiên tiến thân thiện với môi trường.

Theo Phó Cục trưởng Cục XTTM Bùi Thị Thanh An, mục tiêu của dự án là nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX)… của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị quốc tế thông qua việc nắm bắt và tích hợp các chiến lược kinh doanh bền vững, đặc biệt là hỗ trợ kỹ thuật để tiếp cận các tiêu chuẩn “xanh” và nguồn tài chính “xanh”. Dự án chính thức được khởi động tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 3-2019, kéo dài trong hai năm (2019 - 2020) và ITC sẽ cân nhắc gia hạn dựa trên hiệu quả hoạt động thực tế. Đối tượng hưởng lợi chính của dự án là các đơn vị hỗ trợ thương mại, XTTM và DN. “Có ba hợp phần chính: hỗ trợ kỹ thuật cho DN, trong đó tập trung vào cung cấp các giải pháp bền vững thông qua các công cụ được thiết kế bài bản của ITC; hỗ trợ DN tìm kiếm, xác định, kết nối và hướng dẫn các DN, đơn vị tiếp cận được nguồn tài chính xanh để triển khai các hoạt động phát triển bền vững; trên cơ sở đó sẽ hỗ trợ các DN, đơn vị tiếp cận thị trường cũng như định vị sản phẩm trên thị trường quốc tế”, Phó Cục trưởng Bùi Thị Thanh An cho biết. Với ba hợp phần này, các tổ chức XTTM và DN hy vọng sẽ dần tiếp cận, lĩnh hội các kiến thức và hướng dẫn cụ thể từ các chuyên gia của thế giới. Cục XTTM cũng sẽ luôn đồng hành với ITC và các đối tượng thụ hưởng quyết tâm triển khai thành công, cũng như tối ưu hóa các kết quả của dự án để đông đảo DN có thể được tiếp cận, hưởng lợi cũng như áp dụng vào quy trình kinh doanh của mình.

Các chuyên gia nhận định, phần lớn DN hiện nay, nhất là các DN nhỏ và vừa, các HTX sản xuất nông nghiệp vẫn thiếu năng lực và kiến thức để phát triển các hoạt động kinh doanh bền vững. Dù còn nhiều thách thức về đầu tư ban đầu, nhưng những đơn vị áp dụng công nghệ xanh sẽ có cơ hội lớn trong thu hút từ các nhà đầu tư nước ngoài, gia tăng lượng khách hàng và từ đó gia tăng giá trị của DN. Đại diện lãnh đạo Phòng Doanh nghiệp và Tổ chức thuộc ITC cho biết, việc thực hiện dự án là nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao giá trị sản xuất và mang lại lợi ích cho nhiều người. Hiện, với sự phát triển về kinh tế, ngày càng có nhiều người tiêu dùng đòi hỏi các sản phẩm đạt được tiêu chí bền vững. Do đó, đòi hỏi thực tiễn hiện nay là phải thuyết phục các DN tham gia vào chuỗi sản xuất xanh, vì môi trường. Dự án sẽ hỗ trợ các DN trong việc giảm thiểu rủi ro môi trường và khí hậu, tăng hiệu quả tài nguyên và tính toàn diện của các mô hình kinh doanh để tham gia vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Cũng theo các chuyên gia, đối với các DN nhỏ và vừa, dự án hỗ trợ việc xây dựng năng lực và kiến thức, từ đó giúp DN thực hiện các hoạt động kinh doanh bền vững. Các DN thuộc dự án sẽ được tham gia chương trình huấn luyện và các lớp học quốc tế nâng cao. Các lớp học này được xây dựng bởi các trường đại học uy tín của thế giới. Để các DN thực hiện thành công, vốn đầu tư kinh doanh là một trong các yếu tố gây khó, bởi DN cần số vốn lớn thay đổi dây chuyền sản xuất theo hướng tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, cho nên hỗ trợ DN tiếp cận nguồn tài chính xanh là mấu chốt quan trọng để DN chuyển đổi thành công từ chưa bền vững sang bền vững. Nguồn vốn thì dự án không cung cấp mà chỉ tạo điều kiện cho DN tiếp cận được nguồn vốn nếu các DN muốn chuyển đổi. Ông Đặng Đức Tuấn, chuyên viên phân tích thị trường ITC khẳng định: Tiêu chuẩn bền vững là rất quan trọng vì sẽ giúp DN có lợi thế cạnh tranh cao hơn trong xu hướng người tiêu dùng đang hướng đến sản phẩm bền vững. Nguồn đầu tư này mang lại lợi ích lâu dài cho DN, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, tiếp cận các thị thường khó tính trên thế giới. Do đó, DN cần trang bị kiến thức, thông tin về tiêu chuẩn sản phẩm bền vững và xây dựng lộ trình phát triển hướng đến sản phẩm bền vững ngay từ bây giờ.

Phát triển bền vững là mục tiêu mà nước ta đang hướng đến, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra theo kịch bản tiêu cực. Song song đó, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng phát triển thiếu bền vững, còn dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên; công nghệ sản xuất còn lạc hậu; môi trường, sinh thái tại nhiều nơi bị ô nhiễm và suy thoái… Dự án “Thương mại vì sự phát triển bền vững” nếu thực hiện thành công, sẽ là bước đệm quan trọng để hiện thực hóa con đường phát triển kinh tế một cách bền vững.