Giải quyết thủ tục hành chính

Hướng đến sự hài lòng thực chất

TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung cấp dịch vụ công đến người dân và doanh nghiệp (DN) với thủ tục hành chính (TTHC) được đơn giản hóa, minh bạch hơn. Tuy nhiên, nhiều vấn đề từ thực tiễn đặt ra đòi hỏi các cơ quan chức năng cần khắc phục, nỗ lực nhiều hơn nữa để người dân, DN ngày càng hài lòng…

Người dân đánh giá mức độ hài lòng sau khi thực hiện thủ tục hành chính tại trụ sở UBND phường Ðông Hưng Thuận, quận 12.
Người dân đánh giá mức độ hài lòng sau khi thực hiện thủ tục hành chính tại trụ sở UBND phường Ðông Hưng Thuận, quận 12.

Trong năm 2019, lần thứ hai Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh phối hợp các cơ quan chức năng, DN thực hiện các cuộc khảo sát người dân và DN về mức độ hài lòng của họ đối với công tác cung ứng dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp ở thành phố. Lần này, đối tượng khảo sát được mở rộng về quy mô và số lượng. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố chọn 16 sở, ngành của thành phố; UBND 24 quận, huyện và UBND 105 phường, xã, thị trấn để tiến hành khảo sát.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Vũ Thanh Lưu, đối với các sở, ngành và UBND quận, huyện thực hiện khảo sát năm tiêu chí: Thái độ của công chức trong quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công; chất lượng việc hướng dẫn công dân làm TTHC; tổng số lần người dân và DN đi lại để hoàn thành TTHC; minh bạch về tài chính và chỉ số hài lòng chung về lần làm TTHC. Ðối với 105 UBND phường, xã, thị trấn, thực hiện khảo sát bốn tiêu chí: Thái độ của công chức trong quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công; chất lượng việc hướng dẫn công dân làm TTHC; tổng số lần người dân và DN đi lại để hoàn thành TTHC và chỉ số hài lòng chung về lần làm TTHC.

Kết quả khảo sát (phỏng vấn trực tiếp và gọi điện) sau gần một năm thực hiện cho thấy, có đến hơn 80% người dân được hỏi tỏ thái độ hài lòng. Về chất lượng hướng dẫn công dân làm TTHC công có hơn 80% người dân được hỏi hài lòng. Số lần người dân và DN đi lại để hoàn thành TTHC thấp nhất là tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tư pháp với 1,8 lần; cao nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường với 2,9 lần. Về minh bạch tài chính, có 14 trong tổng số 16 sở, ngành có từ một đến năm trường hợp người dân và DN nộp tiền nhưng không có biên lai thu tiền…

Một thống kê sau khảo sát khiến nhiều người không khỏi “giật mình” là tổng số lần đi lại để hoàn thành TTHC tại hai phường (phường 8, quận 3 và phường 3, quận 11) lần lượt là 6,55 và 7 lần. Nhiều ý kiến của người dân cũng thẳng thắn phản ánh về tác phong làm việc và thái độ giao tiếp của công chức; về nâng cao năng lực giải quyết công việc của công chức; bảo đảm thời gian trả kết quả đúng hẹn; các hình thức để người dân dễ tiếp cận dịch vụ hành chính công; thời gian giải quyết TTHC;…

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Vũ Thanh Lưu cho biết thêm, trong quá trình thực hiện khảo sát, do gặp một số khó khăn cho nên cũng đã ảnh hưởng đến kết quả. Chẳng hạn, tại các phường, xã vẫn còn tình trạng dữ liệu cập nhật, quản lý không thống nhất, không giống nhau dẫn đến việc khi đề nghị các đơn vị cung cấp dữ liệu phục vụ cho công tác khảo sát (trong thời gian 15 ngày) thì có đơn vị cung cấp nhanh, nhiều, đa dạng ở các lĩnh vực, nhưng cũng có đơn vị phải nhập dữ liệu bằng tay, cung cấp ít hoặc chỉ cung cấp ở một lĩnh vực…

Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Tô Thị Bích Châu cho biết, kết quả khảo sát lần này đã đánh giá khá toàn diện, sát thực về mức độ hài lòng của người dân và DN đối với TTHC trên các lĩnh vực. Tuy vậy, những điểm mà người dân chưa hài lòng trong quá trình giao dịch tại các cơ quan chính quyền cũng rất đa dạng; nhiều nguyên nhân, hạn chế được chỉ ra. Năm 2020, Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với công tác cải cách hành chính gắn với chủ đề năm là đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị và những vấn đề mà người dân bức xúc. Ðây sẽ là cơ sở để thành phố đề ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn nhằm thực hiện có hiệu quả hơn công tác cải cách hành chính, nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành của lãnh đạo thành phố trong thực thi các chính sách phát triển…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Trần Lưu Quang đánh giá, còn nhiều khác biệt giữa con số thống kê của Ủy ban MTTQ thành phố về mức độ hài lòng của người dân khi thực hiện TTHC so với đánh giá của các cơ quan, đơn vị khác. Thực tế cũng cho thấy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy, tự đặt ra các TTHC ngoài quy định gây khó cho người dân.

Đồng chí Trần Lưu Quang yêu cầu các đơn vị, địa phương tham gia khảo sát cần “xem lại” các con số thực tế qua khảo sát lần này… Các đơn vị, địa phương cần đánh giá lại một số nội dung khảo sát người dân hài lòng và chưa hài lòng xem việc khắc phục của các cơ quan hành chính tới đâu; chọn tìm cách tham khảo, hỏi ý kiến người dân về các TTHC được cải cách đến đâu, còn điều gì chưa hài lòng; phản hồi kết quả giải quyết những vướng mắc, phản ánh của người dân về TTHC và phổ biến, nhân rộng cách làm về cải cách TTHC mà người dân hài lòng. Bởi lẽ, sự hài lòng của người dân và DN về TTHC sẽ là một trong những tiền đề thuận lợi để thành phố thực hiện các mục tiêu phát triển của mình...