Hỗ trợ thương nhân vượt khó

Cùng với các chế độ chính sách hỗ trợ, miễn giảm các loại thuế, phí, chính quyền, các ngành chức năng TP Hồ Chí Minh và quận 5 đã, đang hỗ trợ hàng nghìn thương nhân ở Trung tâm Thương mại - Dịch vụ An Đông (chợ An Đông) vượt qua các khó khăn nhất thời; hướng đến xây dựng thương hiệu cho trung tâm phân phối hàng hóa quy mô hàng đầu khu vực phía nam.

Dự án cải tạo bốn mặt tiền Trung tâm Thương mại - Dịch vụ An Đông đang gấp rút hoàn thành.
Dự án cải tạo bốn mặt tiền Trung tâm Thương mại - Dịch vụ An Đông đang gấp rút hoàn thành.

Sát cánh cùng thương nhân 

Năm 2013, Ban Quản lý chợ An Đông ký hợp đồng cho thuê 2.300 sạp. Sau khi trừ các khoản chi phí thì số tiền cho thuê (2012 - 2016) đã nộp ngân sách là 217 tỷ đồng (làm tròn). Số tiền này đang được sử dụng vào công tác tái đầu tư, nâng cấp, sửa chữa tại chợ theo hướng phát triển chợ thành trung tâm phân phối hàng hóa quy mô hàng đầu khu vực phía nam. Về việc minh bạch, công khai tài chính đầu tư nâng cấp chợ An Đông, UBND quận 5 cho biết, đã tổ chức thực hiện các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp nhiều hạng mục: Dự án cải tạo hệ thống phòng cháy chữa cháy, ô giếng trời nội ngoại thất, lắp đặt thang máy, thang nâng hàng; Dự án hệ thống điều hòa không khí, lát gạch nền, lắp đặt trần; Dự án cải tạo bốn mặt tiền; Dự án ốp đá cầu thang bộ và tay vịn cầu thang; Dự án chiếu sáng bốn mặt tiền; Lắp mới trạm biến áp... Đồng thời, UBND quận cũng bố trí kinh phí cho Ban Quản lý Trung tâm Thương mại - Dịch vụ An Đông thực hiện mua sắm, lắp đặt một số trang thiết bị như: đồng hồ điện bên trong quầy sạp; hệ thống ca-mê-ra bên trong, bên ngoài trung tâm; máy phát điện dự phòng (1.250 KVA). Tổng mức đầu tư của các dự án là 181 tỷ đồng. Nhằm bảo đảm công khai, minh bạch và khách quan, UBND quận kiến nghị UBND thành phố đề nghị Kiểm toán Nhà nước khu vực IV thực hiện kiểm toán sau khi các công trình đưa vào sử dụng. 

Trong xu hướng chợ truyền thống dần yếu thế so siêu thị, nhiều năm qua, UBND quận 5 đã đề nghị Chi cục Thuế quận không điều tiết tỷ lệ tăng dự toán đối với thương nhân (từ năm 2017 đến nay) nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho thương nhân kinh doanh ổn định. Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, Chi cục Thuế quận cũng đã kịp thời xin ý kiến và thực hiện chính sách miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ các hộ kinh doanh tại chợ từ tháng 2 đến tháng 6-2020. Cụ thể, các hộ tạm ngừng kinh doanh trọn tháng, Chi cục Thuế ban hành 859 quyết định miễn giảm số tiền thuế là hơn ba tỷ đồng. Với hộ tạm ngừng kinh doanh không trọn tháng, cơ quan thuế đã hỗ trợ giải quyết, ban hành 344 quyết định miễn giảm số tiền thuế là hơn 770 triệu đồng. Trưởng Ban Quản lý chợ An Đông Đinh Hồ Duy Ngọc nói: “Mặc dù với số lượng 35% thương nhân chưa đóng tiền sử dụng diện tích bán hàng và thêm tác động của dịch Covid-19 gây khó khăn cho nguồn thu nhưng Ban Quản lý đã tiết giảm nhiều chi phí, kịp thời chia sẻ cùng thương nhân như: miễn thu tiền sử dụng dịch vụ diện tích bán hàng trong thời gian ba tháng (từ tháng 4 đến tháng 6-2020), với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng (483 triệu đồng/tháng). Riêng trong tháng 4-2020, đã giảm 100% tiền sử dụng điện máy lạnh, số tiền là 183 triệu đồng; giảm 50% tiền vệ sinh quét rác, số tiền là 147 triệu đồng; miễn 100% tiền sử dụng nhà vệ sinh, số tiền là 110 triệu đồng; miễn 100% tiền xử lý chất thải rắn sinh hoạt, số tiền là 60 triệu đồng”.

Cần tuân thủ quy định pháp luật

Năm 1981, UBND thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định số 244/QĐ-UB, trong đó quy định tại Điều 4 ghi rõ: “UBND các quận, huyện được phân cấp trực tiếp quản lý các loại nhà cửa thuộc sở hữu nhà nước được thành phố xét phân phối cho quận, huyện”. Trên cơ sở này, năm 1990, UBND quận 5 giao Công ty Phát triển nhà ở quận 5 làm chủ đầu tư (Bên A), đại diện cho Nhà nước ký kết hợp đồng với Công ty Việt Hoa (Bên B) về việc hợp tác đầu tư xây dựng và khai thác công trình chợ An Đông. Hợp đồng ghi rõ: “Bên B chịu trách nhiệm đầu tư vốn 100%; sang nhượng toàn bộ 100% quầy sạp (thời gian 20 năm); sau khi tổ chức sang nhượng xong thì Bên B giao quyền quản lý lại cho Nhà nước”. Đến năm 2011, thời hạn hợp đồng nêu trên (số 014/HĐKT-PTN ngày 27-11-1990) kết thúc. Như vậy, tài sản tòa nhà chợ An Đông là tài sản công do Nhà nước quản lý.

Được biết tại chợ An Đông, hiện giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng đang ở mức thu không quá 200.000 đồng/sạp/tháng (áp dụng mức thu phí từ năm 2007) và giá này chưa bao gồm tiền thuê đất phải nộp (nếu có). Số tiền thu được đầy đủ của các hộ kinh doanh tại chợ chỉ đủ bảo đảm chi phí quản lý, chưa cân đối được các khoản chi phí như bảo dưỡng, duy tu thường xuyên các hạng mục và khấu hao tài sản cố định. Thực tế hiện nay, mức thu tại đây cao nhất không quá 200.000 đồng/sạp (2,1 m2)/tháng (tương đương 95.000 đồng/m2/tháng) nhưng vẫn còn 35% thương nhân vẫn kinh doanh nhưng không thanh toán gây khó khăn rất lớn đến hoạt động chung. Phó Chủ tịch UBND quận 5 Trương Minh Kiều cho biết: “Theo quy định của pháp luật hiện hành, không có quy định nào về việc thương nhân có quyền sở hữu điểm kinh doanh tại chợ. Và theo Thông báo số 86/TB-VP của Văn phòng UBND thành phố về kết luận của Chủ tịch UBND thành phố về thời điểm cho thuê điểm kinh doanh tại chợ An Đông, trong đó chấp thuận thời hạn cho thuê là 10 năm; hiện nay có hai loại hợp đồng có hiệu lực: Hợp đồng cho thuê điểm kinh doanh có thời hạn (2012 - 2021); Hợp đồng quyền sử dụng điểm kinh doanh thời hạn (2019 - 2028). Vì vậy, thương nhân kinh doanh tại đây phải ký hợp đồng thuê/sử dụng điểm kinh doanh có thời hạn và cần thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ trong hợp đồng cũng như thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”.