Hỗ trợ kinh doanh trong dịch Covid-19

Từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tình trạng buôn bán, kinh doanh của người dân tại TP Hồ Chí Minh hết sức khó khăn. Nhiều cửa hàng phải đóng cửa, trả mặt bằng; các nhà hàng, quán ăn vắng lặng...

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh đều trả lại mặt bằng, do kinh doanh không hiệu quả. Trong ảnh: Một điểm kinh doanh ăn uống, giải khát tại phường 2, quận 3 đã đóng cửa gần hai tuần nay.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh đều trả lại mặt bằng, do kinh doanh không hiệu quả. Trong ảnh: Một điểm kinh doanh ăn uống, giải khát tại phường 2, quận 3 đã đóng cửa gần hai tuần nay.

Kinh doanh ế ẩm

Chủ một cửa hàng kinh doanh ăn uống tại Trung tâm thương mại Vivo City (quận 7) cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay lượng khách giảm khoảng 50%. Những ngày trong tuần, thậm chí không có khách, cuối tuần vớt vát lại chút xíu nhưng cũng không đáng kể. Anh Hiền Nguyễn (phường Tân Phong, quận 7) cho biết: Trước Tết, anh dồn hết vốn liếng để đầu tư một cửa hàng sản xuất bánh mì và một tiệm cơm gà với số tiền khoảng 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau Tết đến nay, quán gần như không một bóng khách cho nên anh đã quyết định đóng cửa, sang nhượng lại quán. Tương tự, đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) được gọi là phố ăn uống của giới trẻ Sài thành nay cũng vắng lặng. Trên đường phố xuất hiện ngày càng nhiều biển sang nhượng lại quán, cho thuê mặt bằng mà những địa chỉ này trước đây là những nhà hàng, quán cà-phê sầm uất, nhộn nhịp khách ra vào. Theo tìm hiểu, ngoài việc kinh doanh ế ẩm thì gánh nặng chi phí thuê cao cũng khiến các đơn vị không thể “gồng” được lâu. Anh Xuân, chủ một quán cà-phê có tên tuổi chấp nhận mất cọc hơn 200 triệu đồng (đặt cọc ba tháng tiền thuê) để trả lại mặt bằng trên đường Phan Xích Long. Ðược biết, mặt bằng này có giá thuê mỗi tháng là 90 triệu đồng. Hợp đồng thuê 5 năm, nếu trả mặt bằng trước thời hạn khách phải chấp nhận mất cọc.

Tình cảnh kinh doanh ế ẩm cũng diễn ra tại các cung đường đắt đỏ, sầm uất bậc nhất tại TP Hồ Chí Minh như: Nguyễn Huệ, Ðồng Khởi, Lê Thánh Tôn, Hai Bà Trưng, Phạm Ngọc Thạch, Nam Kỳ Khởi Nghĩa... Ðâu đâu cũng thấy các cửa hàng, cửa hiệu trưng biển ngừng kinh doanh, cho thuê mặt bằng; có những mặt bằng treo biển trong nhiều tháng vẫn không có khách thuê. Tại chợ Bến Thành, hoạt động mua bán cũng không còn nhộn nhịp như trước. Bà Hà, tiểu thương tại chợ Bến Thành cho biết đã nhiều ngày qua kinh doanh ế ẩm. Lượng quần áo may sẵn bán được hiện chỉ bằng 1/10 thời điểm chưa có dịch Covid-19. Bà có vài người thân cũng hoạt động buôn bán tại đây và không mấy khả quan. Chợ An Ðông hiện có hơn 4.000 tiểu thương đang kinh doanh trong 2.702 quầy, sạp với doanh số luân chuyển hàng hóa khoảng 1.500 tỷ đồng/năm. Thế nhưng, theo phản ánh của hầu hết các tiểu thương, do ảnh hưởng dịch Covid-19, từ sau Tết Nguyên đán đến nay hoạt động kinh doanh “tê liệt”, hàng hóa ế ẩm chưa từng có. Chị Ngân, chủ cửa hàng giày dép chia sẻ, trước đây từ 10 giờ và 16 giờ là khoảng thời gian chợ An Ðông đón nhiều lượt khách đến mua sắm nhất. Nhưng từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, không khí mua sắm tại đây khá vắng vẻ, khách du lịch trong nước và nước ngoài đều thưa thớt, những cửa hàng ăn uống ghế trống xếp dài nối đuôi nhau. Hiện tập thể tiểu thương chợ An Ðông I, II đã làm đơn xin được giảm 50% thuế cho toàn bộ tiểu thương ở chợ.

Hỗ trợ khách hàng

Theo ông Ngô Ðức Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty DRH Holdings, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề, toàn diện lên các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, trung tâm mua sắm... Với tình hình khó khăn như hiện nay thì giá cho thuê mặt bằng có thể tiếp tục phải giảm khoảng từ 15% - 20% trong năm nay và kéo dài tới năm sau. Xu hướng chủ nhà phải hợp tác với khách thuê để san sẻ khó khăn, cùng có lợi là cần thiết trong thời điểm này. Trước tình hình nêu trên, nhiều doanh nghiệp (DN) sở hữu bất động sản cho thuê đã chủ động giảm giá mặt bằng. Ðơn cử, Tập đoàn Hưng Thịnh giảm giá thuê mặt bằng cho đến tháng 4, áp dụng tại hai Trung tâm thương mại tại TP Hồ Chí Minh gồm Moonlight Plaza (Thủ Ðức), Saigon Mia (Bình Chánh) và một địa điểm là Vung Tau Melody tại TP Vũng Tàu. Mức giảm tùy từng đối tượng, dao động khoảng từ 20% - 40%. Công ty cổ phần Vincom Retail dành 300 tỷ đồng hỗ trợ các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại trên toàn hệ thống. Gói hỗ trợ sẽ được dành cho việc giảm giá tiền thuê mặt bằng cho đối tác, một phần dành cho việc phát hành các voucher ưu đãi, khuyến mãi cho khách hàng tới mua sắm tại Vincom.

Bên cạnh sự vào cuộc của các DN, mới đây Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu 24 Chi cục thuế quận, huyện trên địa bàn rà soát, nắm lại các hoạt động kinh doanh của các hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán để có chính sách miễn giảm hoặc cho DN chậm nộp thuế. Tương tự, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã có các chính sách hỗ trợ cho các DN bị ảnh hưởng dịch bệnh như: hỗ trợ vốn vay, hạ lãi suất, cơ cấu lại nợ cho nhiều DN, nới lỏng các điều khoản trả nợ và đẩy nhanh quá trình vay vốn... Nhiều ngân hàng thương mại đã vào cuộc để hỗ trợ cho các DN. Ðại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết: Từ đầu tháng 2, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách chủ yếu tập trung tháo gỡ vốn vay cho DN, đồng thời đánh giá các tác động tiêu cực của dịch bệnh để từ đó có những giải pháp phù hợp nhất hỗ trợ cho DN vượt qua khó khăn, nhanh chóng hồi phục sản xuất.