Hiệu quả chợ phiên nông sản an toàn

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) TP Hồ Chí Minh tổ chức nhiều chợ phiên nông sản an toàn, thu hút đông đảo người dân đến mua sắm. Ðây là một trong những kênh phân phối hiệu quả cho người tiêu dùng ở thành phố, đồng thời là nơi kết nối cung cầu, quảng bá thương hiệu cho nông sản sạch, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Chợ phiên Nông sản an toàn được tổ chức tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh.
Chợ phiên Nông sản an toàn được tổ chức tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh.

Theo thống kê của Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp (TV-HTNN) thuộc Sở NN và PTNT thành phố, tính riêng nhu cầu tiêu dùng, mỗi năm thành phố cần hơn 200 nghìn tấn thịt heo, 130 nghìn tấn thịt gia cầm, hơn một tỷ quả trứng gà, một triệu tấn rau củ quả, 132 nghìn tấn thủy sản. Trong đó, lượng hàng hóa nhập về ba chợ đầu mối trên địa bàn thành phố, gồm Bình Ðiền, Thủ Ðức, Hóc Môn, bình quân là khoảng 8 đến 10 nghìn tấn nông sản/ngày. Qua đó, cho thấy nhu cầu tiêu thụ nông sản tại thành phố là rất lớn. Ngoài ra, thành phố còn là đầu mối tập trung phân phối hàng nông sản đi các tỉnh, cũng như xuất khẩu đi các nước.

Ðể quản lý nông sản bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thành phố đã ban hành nhiều chính sách, tăng cường công tác quản lý và tổ chức nhiều chương trình đưa nông sản sạch đến với người tiêu dùng. Trong đó, Sở NN và PTNT tổ chức nhiều chợ phiên nông sản an toàn trên địa bàn thành phố vào dịp cuối tuần đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Chị Nguyễn Thị Hằng (phường Ða Kao, quận 1) thường đến chợ phiên nông sản được tổ chức tại Sở NN và PTNT thành phố (số 176, Hai Bà Trưng, quận 1) mua rau quả về dùng vào dịp cuối tuần. Chị cho biết: “Ðến chợ phiên nông sản an toàn mình thấy yên tâm. Bởi tại đây, nông sản được kiểm tra đầy đủ, bảo đảm an toàn thực phẩm”. Tương tự, chị Phan Thị Nga (phường 3, quận 3) cũng cho rằng: “Tôi cũng hay đến chợ phiên nông sản an toàn tại đây để mua rau quả, trái cây cho gia đình mình. Các nông sản bày bán có giấy chứng nhận an toàn, nhận diện nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên mình rất tin tưởng. Mình đã mua ở đây rất nhiều lần, chất lượng nông sản rất bảo đảm”.

Ðại diện Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Hải Nông (ấp 3, xã Phước Vĩnh An, Củ Chi cho biết: “Ðể đưa các mặt hàng rau quả vào chợ phiên nông sản an toàn thì phải đạt chứng nhận VietGAP, đồng thời phải được các cơ quan chức năng kiểm tra, test mẫu, nếu bảo đảm mới được bán tại đây. HTX đăng ký hai gian hàng bán ở chợ phiên nông sản này, nhìn chung người dân đến mua đông và rất tin tưởng”. Giám đốc Trung tâm TV-HTNN Bùi Văn My cho biết: “Qua khảo sát, điều tra hằng năm, có hơn 60% số người được hỏi (gồm: người tiêu dùng, cũng như các nhà phân phối) sẵn sàng trả chi phí cao hơn từ 10 đến 50% để có được những thực phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe. Các mặt hàng nông sản vào chợ phiên phải có giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và tham gia chuỗi thực phẩm an toàn TP Hồ Chí Minh. Các sản phẩm tại chợ đều được Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố kiểm tra thường xuyên và được tổ chức test mẫu sản phẩm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)”. Cũng theo Giám đốc Bùi Văn My, chợ phiên nông sản an toàn hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn (có chứng nhận) tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng. Ðồng thời, tạo cầu nối, thói quen người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và tiêu chuẩn an toàn có các loại giấy chứng nhận khác… Ngoài ra, Trung tâm TV-HTNN còn cử cán bộ đến chợ phiên tư vấn và giải đáp thắc mắc của người tiêu dùng, cũng như người sản xuất, nhà phân phối về các loại sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng VietGAP, quy trình sản xuất theo VietGAP…, tạo niềm tin với người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm.

Chợ phiên nông sản an toàn được triển khai từ tháng 8-2016, đến nay đã có hơn 300 chợ phiên được tổ chức. Số đơn vị tham gia tại mỗi chợ phiên đạt 22 đơn vị với 25 gian hàng. Lũy tiến đến thời điểm này có 7.500 gian hàng, 100 đơn vị tham gia, doanh số bình quân từ 200 đến 250 triệu đồng/chợ phiên. Bình quân một tuần tổ chức được 10 điểm, doanh số thu về gần 2,3 tỷ đồng, bình quân một tháng thu về chín tỷ đồng. Nếu tính doanh số bán hàng nông sản tại các chợ phiên và các hợp đồng được ký kết, đặt hàng của các đơn vị thông qua chợ phiên thì doanh thu đạt 31,5 tỷ đồng/tháng, một năm thu về 378 tỷ đồng.

Ðối với các đơn vị tham gia chợ phiên nông sản an toàn, nếu vi phạm về an toàn thực phẩm, sẽ tạm dừng tham gia chợ phiên, thông báo về địa phương. Các đơn vị này muốn tham gia kỳ tiếp theo phải tự kiểm tra và nộp hồ sơ tại ban tổ chức để ban tổ chức chợ phiên nông sản an toàn tiếp tục kiểm tra, nếu hợp lệ sẽ cho phép tham gia. Chính do quy trình kiểm soát an toàn thực phẩm chặt chẽ, qua số liệu test mẫu hai năm (năm 2017, 2018) cho thấy mức độ nhiễm dư lượng thuốc BVTV giảm rõ rệt. Cụ thể, năm 2017, tỷ lệ số mẫu nhiễm thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép là 2,2%, đến năm 2018 còn 0,12%, giảm 2,08%. Ðối với mẫu nhiễm dư lượng thuốc BVTV nhưng trong ngưỡng an toàn, năm 2017 là 5,4%, đến năm 2018 còn 0,5%, giảm 4,9%.

Nói về hiệu quả lan tỏa của chợ phiên nông sản an toàn, Giám đốc Bùi Văn My cho rằng: “Công tác tổ chức chợ phiên đã gắn liền việc tuyên truyền cho người sản xuất, cũng như người tiêu dùng. Qua đó, có sự chuyển biến tốt trong việc lựa chọn sản phẩm nông sản an toàn của người tiêu dùng, từ đó làm cho sản phẩm không an toàn giảm đi. Ðây là tiền đề quan trọng để các đơn vị, HTX… tổ chức mở rộng diện tích sản xuất các sản phẩm an toàn. Cụ thể, qua hai năm triển khai chợ phiên nông sản an toàn, các đơn vị, HTX đã tăng 130 ha với sản lượng nông sản an toàn tăng thêm tương ứng khoảng 20 nghìn tấn/năm. Trong năm 2019, Sở NN và PTNT thành phố dự kiến tổ chức thêm 5 chợ phiên nông sản an toàn để hướng đến phủ khắp các quận, huyện trên địa bàn trong thời gian tới”.