Giúp hộ nghèo vượt khó vươn lên

Thời gian qua, nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương ở TP Hồ Chí Minh đã cùng chung sức, đồng hành giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo. Những việc làm ý nghĩa ấy đã góp phần tích cực trong việc thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố…
Chị Nguyễn Thị Hoa (áo vàng) bên chiếc máy may được các đơn vị trao tặng làm phương tiện sinh kế.
Chị Nguyễn Thị Hoa (áo vàng) bên chiếc máy may được các đơn vị trao tặng làm phương tiện sinh kế.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, giai đoạn 2016-2020, với việc triển khai nhiều chương trình đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố đã giảm so với mục tiêu đề ra. Theo đó, đến hết năm 2018, chỉ còn 3.767 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,19% tổng hộ dân của thành phố; hộ cận nghèo là 22.882 hộ, chiếm tỷ lệ 1,15% số hộ dân toàn thành phố. Thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo chung của quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Để giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, trong giai đoạn này, thành phố đã triển khai nhiều chương trình hiệu quả, tạo sự lan tỏa rộng lớn. Điển hình như việc triển khai cho vay từ các nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến các đối tượng có nhu cầu. Trong đó, Quỹ Xóa đói, giảm nghèo đã cho 33.659 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vượt chuẩn nghèo được vay vốn; Quỹ quốc gia giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ cho vay hơn 1.061 tỷ đồng,… đã giúp hàng trăm nghìn hộ dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để vươn lên thoát nghèo.

Nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện nhiều chương trình thiết thực khác, như đào tạo nghề ngắn hạn cho gần 15 nghìn lao động thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 36 nghìn lao động. Thực hiện miễn, giảm học phí cho 115.476 lượt học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Cấp phát 782.733 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ vượt chuẩn cận nghèo. Tổ chức khám, chữa bệnh cho gần 640 nghìn lượt bệnh nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Triển khai xây dựng 1.290 căn nhà tình thương, sửa chữa chống dột 1.865 căn, xây mới và sửa chữa 432 căn nhà tình nghĩa. Hỗ trợ tiền điện cho gần 350 nghìn lượt hộ nghèo với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 50 tỷ đồng. Vào dịp lễ, Tết, thành phố cũng đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho gần 300 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ vừa vượt chuẩn nghèo từ năm 2016 đến 2018 với tổng số tiền gần 258 tỷ đồng…

Tặng sinh kế để người nghèo mưu sinh, có thu nhập ổn định là một cách làm hay trong công tác giảm nghèo của thành phố. Mới đây, tại buổi lễ phát động “Chung tay vì người nghèo” năm 2019, thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, nhiều tổ chức, đơn vị đã trao tặng kinh phí xây dựng 20 nhà tình thương và 92 phương tiện sinh kế hỗ trợ các gia đình chính sách khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố với tổng số tiền 2,3 tỷ đồng. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu cho biết thêm, trong Tháng cao điểm vì người nghèo năm nay, thành phố sẽ tạo nguồn quỹ thông qua các nguồn lực để hỗ trợ, xây dựng, sửa chữa hơn 300 căn nhà tình thương; trao tặng 152 phương tiện sinh kế; hỗ trợ xe lăn, sổ tiết kiệm, học bổng, cho các hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Với truyền thống, đạo lý tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam ta, những việc làm thiết thực giúp người nghèo vươn lên đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa yêu thương trong cộng đồng dân cư; hình thành nét văn hóa, thắm đượm tình dân tộc, nghĩa đồng bào trong cuộc sống sôi động của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020… Thời gian tới, thành phố phấn đấu thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,7%/năm và giảm tỷ lệ hộ cận nghèo bình quân 0,9%/năm. Đến cuối năm 2020, hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn thành phố giai đoạn 2019-2020 và thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng gấp 3,5 lần so với năm 2011…

Giai đoạn 2019-2020, chuẩn hộ nghèo của TP Hồ Chí Minh được xác định có thu nhập từ 28 triệu đồng/người/năm trở xuống (chuẩn cũ là 21 triệu đồng/người/năm trở xuống); chuẩn hộ cận nghèo có thu nhập từ hơn 28 triệu đồng/người/năm đến 36 triệu đồng/người/năm (chuẩn cũ là từ 21 đến 28 triệu đồng/người/năm).