Để tham gia giám sát bếp ăn nhà trường hiệu quả

Hiện nay, quy trình thực phẩm đưa vào bếp ăn các trường học thường được quy định theo các bước: các trường ký cam kết về bảo đảm ATTP với các công ty cung cấp. Muốn vậy, phải chọn nhà cung cấp uy tín, bảo đảm chất lượng. Tiếp đến là khâu nhận thực phẩm hằng ngày cần được chú trọng.

Các trường cần tạo điều kiện để phụ huynh tham gia giám sát bếp ăn nhà trường.
Các trường cần tạo điều kiện để phụ huynh tham gia giám sát bếp ăn nhà trường.

Nhà trường phải mời phụ huynh tham gia kiểm tra thực phẩm hằng ngày. Cùng với thực đơn đã gửi thì phụ huynh đều có thể đến kiểm tra thực phẩm vào bất cứ lúc nào. Trên thực tế, sự tham gia của phụ huynh vào ban giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm đưa vào bếp ăn các trường không được đều đặn. Muốn tăng cường quản lý nguồn gốc thực phẩm đưa vào bữa ăn cho các em, không thể hoàn toàn tin tưởng vào nhà cung cấp, ban giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó đại diện cha mẹ học sinh phải thường xuyên chú ý, không lơ là; phải ghi chép, lưu trữ đầy đủ hồ sơ đối với các nguyên liệu chế biến bữa ăn trong trường… như thế mới hạn chế được nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ bữa ăn của các em.

Ban Quản lý ATTP thành phố cho biết, với mục tiêu không chỉ bảo đảm an toàn cho bữa ăn của học sinh ngay từ lúc sơ chế, chế biến mà còn có thể truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm đưa vào trường học, Ban đã cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố thực hiện ký kết Kế hoạch liên tịch về việc bảo đảm ATTP tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố từ năm 2017 đến hết năm 2019. Sau khi ký kết, trong năm 2018 Ban Quản lý ATTP và Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã tổ chức khoảng 20 lớp tập huấn cho cán bộ cấp dưỡng, nhân viên y tế, hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS có bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp về các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP. UBND thành phố cũng đã chỉ đạo yêu cầu các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống phải từng bước xây dựng lộ trình sử dụng các thực phẩm tươi sống, bảo đảm an toàn như: sản phẩm VietGAP, GlobalGAP, chuỗi thực phẩm an toàn. Đối với các thực phẩm chế biến, khuyến khích sử dụng các sản phẩm từ các cơ sở đã được chứng nhận HACCP, ISO 22000. Đối với các bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến trong trường học tại sáu quận thí điểm (các quận 3, 5, 8, 11, Tân Bình và Bình Thạnh), UBND các quận có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm việc tiếp nhận các sản phẩm ATTP ngay trong năm học 2018 - 2019. Đối với các quận, huyện chưa thực hiện thí điểm, các trường học có tổ chức bếp ăn tập thể, căng-tin vẫn phải bảo đảm các điều kiện về ATTP và nguồn thực phẩm đầu vào phải được lấy từ các cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP theo quy định. Sau năm học 2018 - 2019, tất cả các bếp ăn tập thể, căng-tin trường học của 24 quận, huyện đều sẽ sử dụng nguồn nguyên liệu, thực phẩm đạt chuẩn sau khi đã thực hiện thí điểm. Nhằm tăng cường công tác bảo đảm ATTP trong trường học, ngay từ đầu năm 2019, Thanh tra Ban Quản lý ATTP thành phố đã tiến hành thanh tra các bếp ăn tập thể, căng-tin trong trường học tại sáu quận thí điểm, đồng thời cũng tiến hành kiểm tra tất cả các bếp ăn tập thể, căng-tin trường học trên địa bàn 18 quận, huyện còn lại nhằm kiểm tra việc thực hiện, chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP tại các trường học cũng như xử lý vi phạm nếu có. Theo Trưởng Ban quản lý ATTP thành phố Phạm Khánh Phong Lan, từ năm 2017 đến nay, Ban đã thanh tra, kiểm tra được khoảng 70% các bếp ăn tập thể tại trường học và các bếp ăn tại các đơn vị cung cấp suất ăn sẵn trong trường học; dự kiến đến tháng 5-2019 sẽ là 80 đến 90%. Suốt thời gian vừa qua, các bếp ăn trong trường học của thành phố không xảy ra vấn đề gì; chỉ có một số trường hợp bị ngộ độc thực phẩm do sử dụng thực phẩm ở các hàng quán bên ngoài trường học.

Trước những vụ việc mất ATTP xảy ra ở một số địa phương mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các địa phương huy động sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh các trường trong việc giám sát công tác vệ sinh trường học và ATTP. Sự kết nối, tương tác chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh chính là yếu tố để bảo đảm môi trường giáo dục an toàn cho trẻ. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Bùi Thị Diễm Thu cho biết, để môi trường giáo dục ngày càng phát triển thì Sở khuyến khích phụ huynh tham gia vào các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Trong đó, mọi hoạt động cần được công khai và nhà trường cần chủ động tiếp nhận những ý kiến đóng góp của phụ huynh. Hiện, một số trường mầm non, tiểu học đã thực hiện các quy trình bảo đảm ATTP trong nhà trường, với việc thực hiện các quy định của cơ quan chức năng, đồng thời công khai, minh bạch việc tổ chức bữa ăn của học sinh cho tất cả phụ huynh cùng giám sát. Tuy nhiên, việc phụ huynh được ra vào, kiểm tra thực phẩm cho bữa ăn của con mình chỉ dễ dàng thực hiện ở một số trường tư, còn hiếm trường công lập làm được điều này. Chị Nguyễn Thị Hoàng Yến (quận Bình Thạnh) có con học tại một trường mầm non công lập chia sẻ: “Trường con tôi quy định 8 giờ sáng là đóng cửa không đón trẻ nữa, 4 giờ chiều mới mở cửa trả trẻ. Trong suốt thời gian đó, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Nếu có việc gì thì gọi điện thoại cô giáo ra tận cổng trao đổi. Thế thì phụ huynh vào giám sát bếp ăn nhà trường như thế nào?”.