Đẩy mạnh cải cách hành chính để phục vụ tốt hơn

Ngay từ đầu năm 2019, công tác cải cách hành chính (CCHC) của thành phố được thực hiện trên tinh thần “tăng tốc, triệt để và đồng bộ”, mang lại sự hài lòng cao hơn đối với người dân và doanh nghiệp (DN). Để đạt được kết quả tốt nhất, rất cần sự chung tay, góp sức của tất cả cán bộ, công chức, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành để thực hiện thành công chủ đề năm 2019 của thành phố: Năm đột phá CCHC và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội.

Người dân đánh giá cán bộ, công chức thông qua thiết bị điện tử tại trụ sở UBND quận1. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Người dân đánh giá cán bộ, công chức thông qua thiết bị điện tử tại trụ sở UBND quận1. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Một trong những địa phương đi đầu trong công tác CCHC hướng đến phục vụ và nâng cao đời sống dân sinh là UBND quận Bình Thạnh. Phần mềm ứng dụng "Bình Thạnh trực tuyến" được đưa vào sử dụng từ tháng 4-2017 đến nay được đông đảo người dân địa phương đón nhận, phát huy tốt hiệu quả.

Ứng dụng có thể cài đặt được trên điện thoại thông minh và bất cứ người dân nào cũng có thể tải về sử dụng để cung cấp thông tin vi phạm trật tự về lấn chiếm lòng, lề đường, vệ sinh môi trường, xây dựng không phép. Từ tháng 4-2017 đến nay, hệ thống phần mềm "Bình Thạnh trực tuyến" đã có hơn 14.300 lượt người dân tải ứng dụng về sử dụng với hơn 13.300 tin báo phản ánh (trong đó có 95% số tin đúng sự thật); thực hiện xử lý với số tiền thu được từ việc xử phạt là hơn bảy tỷ đồng. Từ tháng 7-2018 đến nay, UBND quận Bình Thạnh tiếp tục thực hiện mở rộng một số chức năng mới trên ứng dụng như tiếp nhận phản ánh các vấn đề về hạ tầng đô thị, phản ánh về việc giải quyết hồ sơ trễ hạn đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND quận...

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Huỳnh Công Hùng nhận xét, ứng dụng "Bình Thạnh trực tuyến" đã phát huy hiệu quả và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều quận, huyện khác trên địa bàn thành phố. Một số địa phương cũng đã xây dựng phần mềm cho quận mình như "Quận 1 trực tuyến", "Nhà Bè trực tuyến" tạo sự chuyển biến rõ rệt trong việc giải quyết kịp thời những bất cập về bộ mặt đô thị, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu xây dựng quy trình, phần mềm phù hợp đặc thù lĩnh vực để giảm bớt thủ tục hành chính, hạn chế sự phiền hà cho người dân và DN cũng được nhiều sở, ngành, đơn vị của thành phố thực hiện. Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên trong ngành hải quan thực hiện kiểm tra hàng hóa qua máy soi công-ten-nơ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trước, trong và sau thông quan tại cảng Cát Lái. Ðến nay, tại các cửa khẩu lớn như Cát Lái, cảng VICT, ICD Phước Long đã triển khai sử dụng máy soi công-ten-nơ để kiểm tra trước hàng hóa nhập khẩu và sau thông quan đối với hàng xuất khẩu, giúp việc thông quan hàng hóa được nhanh chóng, giảm 70% số thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm công tác quản lý của cơ quan hải quan.

Hay các phần mềm như "Ứng dụng thông tin quy hoạch", "Ứng dụng công nghệ thông tin địa lý trong công tác công bố, công khai công tác quy hoạch" được Sở Quy hoạch kiến trúc TP Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng từ năm 2017 đến nay đã trở thành một công cụ tra cứu thông tin quy hoạch đô thị được người dân tin cậy, từ đó làm giảm số lượng hồ sơ đề nghị cung cấp chứng chỉ quy hoạch và giảm áp lực công việc cho cơ quan quản lý.

Tháng 5-2017, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chính thức triển khai đồng loạt hệ thống "Khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh" tại 53 bệnh viện trực thuộc. Theo đó, Sở Y tế thành phố đã triển khai hệ thống ki-ốt khảo sát với màn hình chạm lắp đặt tại khoa khám bệnh của 53 bệnh viện công lập. Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, trong thời gian đầu, Sở Y tế ghi nhận nhiều ý kiến không hài lòng của người bệnh thông qua số lượt phản ánh khá cao (15.849 lượt trong tháng đầu tiên triển khai). Căn cứ vào kết quả phản ánh của người bệnh, các bệnh viện phải chủ động tìm nguyên nhân để cải tiến. Dựa vào kết quả khảo sát, hằng tháng, Sở Y tế công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của ngành y tế thành phố về tình hình không hài lòng của người bệnh...

Tuy vậy, công tác CCHC của TP Hồ Chí Minh trong năm 2018 vẫn còn không ít hạn chế. Dù tỷ lệ hồ sơ trễ hạn được kéo giảm (còn dưới 1%) nhưng do số lượng hồ sơ của thành phố tiếp nhận và giải quyết rất lớn (khoảng 38 nghìn hồ sơ/ngày), cho nên số lượng hồ sơ trễ hạn vẫn còn cao, gây bức xúc cho người dân. Công tác cải cách thủ tục hành chính, liên thông thủ tục hành chính, liên thông thủ tục hành chính điện tử giữa nội bộ các cơ quan nhà nước chưa được thể chế hóa và thực hiện quyết liệt...

Năm 2019, UBND thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu nâng tỷ lệ từng hồ sơ giải quyết đúng hạn trên cổng thông tin một cửa điện tử của thành phố đạt hơn 90%; đưa tỷ lệ từ 30% đến 40% số lượng thủ tục hành chính đủ yêu cầu, điều kiện vào cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4; có từ 80% trở lên số hồ sơ đăng ký DN được giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Thành phố phấn đấu đạt hơn 80% ý kiến hài lòng khi thực hiện khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố quyết định chọn năm 2019 là "Năm đột phá CCHC và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội", trong đó lấy "yếu tố con người" là trọng tâm để thực hiện đột phá trong cải cách, gắn với sắp xếp, tinh gọn bộ máy, cơ chế phân cấp, ủy quyền và lấy thu nhập tăng thêm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm động lực. Do vậy, chính quyền thành phố, các địa phương, sở, ngành phải thực hiện "tăng tốc, triệt để và đồng bộ" hơn nữa trong giải quyết thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.