Chuyển đổi số ở doanh nghiệp sản xuất nhỏ

TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu cả nước thực hiện chuyển đổi số (CĐS) theo Chương trình CĐS quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ, chiếm số đông trong cộng đồng DN, đang gặp nhiều khó khăn, đối mặt không ít thách thức trong quá trình CĐS...

Xay xát, đóng gói gạo xuất khẩu tự động hóa tại một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh.
Xay xát, đóng gói gạo xuất khẩu tự động hóa tại một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh.

Phó Chủ tịch Hội Tự động hóa TP Hồ Chí Minh Nguyễn Viết Toàn cho biết, tại các nước tiên tiến trên thế giới, CĐS đã được nhiều DN áp dụng và mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ở nước ta, đã có một số DN thực hiện CĐS thành công và mang lại hiệu suất cao trong quản trị, điều hành sản xuất, tiết giảm chi phí, nguồn nhân công. Tuy nhiên, số DN tham gia chương trình CĐS hiện nay còn rất ít ỏi, phần lớn chưa tiếp cận được CĐS; trong khi điều kiện cần và đủ từ chủ trương và chính sách, yếu tố thuận lợi từ thị trường, kinh nghiệm của các DN đi trước đã có. 

Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TP Hồ Chí Minh (HAMEE) Đỗ Phước Tống chia sẻ: “Công ty cơ khí Duy Khanh của chúng tôi đã CĐS được 5 năm và hiệu quả mang lại thấy rất rõ từ tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Từ khi CĐS, khâu vận hành DN, kết nối giao thương, tương tác với đối tác và khách hàng rất thuận lợi”. 

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất Nhựa Duy Tân Trần Duy Hy cũng cho biết: “Sau 5 năm CĐS, DN của chúng tôi đã đạt được những thành công nhất định. Đến nay, phần lớn các công đoạn trong nhà máy gần như được tự động hóa hoàn toàn. Để làm được việc này, không chỉ là vấn đề tài chính, ý chí của người lãnh đạo hay lựa chọn đơn vị tư vấn triển khai uy tín và kinh nghiệm, mà phải làm sao để các cấp quản lý thấu hiểu, đồng hành trong quá trình triển khai và bảo đảm tính tuân thủ của mọi thành viên. Để “giữ lửa” CĐS liên tục, chúng tôi có những giải thưởng khích lệ tinh thần nhân viên”.
 
Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần ô-tô Trường Hải Phạm Văn Tài cho rằng: CĐS là công việc tất yếu mà DN phải làm và là chiến lược lâu dài để DN phát triển liên tục, do vậy DN cần có tầm nhìn dài hạn và lộ trình cụ thể. Trong đó, yêu cầu quan trọng là phải đồng bộ, từ nhân sự đến máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất... Khó khăn lớn nhất ở đây là lãnh đạo DN có muốn thay đổi không? Lãnh đạo và các cấp quản lý phải thông suốt tư tưởng và ủng hộ thì việc CĐS mới thành công. DN phải chấp nhận cuộc “đại phẫu”, thay đổi lớn từ con người, văn hóa, quy trình, công nghệ...

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của cả nước công bố Chương trình CĐS và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố. Cùng với đó, triển khai nhiều chương trình xây dựng thành phố thành đô thị thông minh, chính quyền số, DN số, hướng tới xã hội số. Thực hiện chủ trương của thành phố, Hiệp hội DN thành phố (HUBA) đã công bố Chương trình CĐS nhằm tư vấn, hỗ trợ DN vừa và nhỏ trên địa bàn tiếp cận các gói giải pháp hỗ trợ CĐS phù hợp. Chương trình bước đầu miễn phí sử dụng ứng dụng CĐS X-Starter, X-SME trong sáu tháng cho 300 DN; giảm 20% trong sáu tháng tiếp theo; sẽ tổ chức các hội thảo nâng cao nhận thức của DN về CĐS..., qua đó giúp DN nhỏ và vừa tiếp cận giải pháp CĐS, nâng cao sức cạnh tranh. 

Trưởng phòng Quản lý xuất, nhập khẩu (Sở Công thương TP Hồ Chí Minh) Hà Ngọc Sơn cho biết: Để góp phần vào sự phát triển kinh tế số, ngành công thương thành phố đang tích cực hỗ trợ các DN tham gia CĐS và kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực thương mại điện tử. Nền tảng thương mại điện tử phải được đầu tư bài bản theo hướng hiện đại từ nguồn nhân lực chuyên nghiệp với kiến thức chuyên sâu, hệ thống hạ tầng logistics, bảo đảm kết nối thuận lợi giữa sàn thương mại điện tử với DN sản xuất.

Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, ở bình diện chung, thành phố ưu tiên đầu tư các trung tâm logistics, xây dựng hạ tầng thương mại điện tử... Trong năm nay, thành phố sẽ tập trung kêu gọi đầu tư vào bảy trung tâm logistics theo đề án phát triển logistics trên địa bàn; triển khai kết nối ngân hàng và DN, kích cầu đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ; xây dựng hạ tầng để phát triển thương mại điện tử trở thành ngành mũi nhọn…  

PHÓ Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TP Hồ Chí Minh cho rằng: Với nhiều DN hiện nay, kế hoạch CĐS cần hai điều kiện là nguồn tài chính và nguồn nhân lực. DN có tài chính dồi dào thì mới đầu tư, mua sắm trang thiết bị; khi có hạ tầng rồi lại phải cần một đội ngũ nhân lực tinh thông để vận hành. Tuy nhiên, phần lớn các DN ở Việt Nam hiện nay lại là DN nhỏ và siêu nhỏ, vì thế công cuộc CĐS đối với số đông DN là chuyện không dễ dàng. 

Chương trình CĐS quốc gia đã được phê duyệt, chiến lược đầu tư để phát triển đã có. Như vậy, ngoài sự nỗ lực và năng động của từng DN, các cơ chế và chính sách hỗ trợ DN CĐS cần phải phù hợp, minh bạch. Nếu vẫn tồn tại cơ chế xin - cho thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới động lực phát triển...