Chung tay bảo vệ trẻ em

Để cùng chung tay bảo vệ trẻ em trước thực trạng xâm hại tình dục, dâm ô, bạo lực, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và triển khai Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là một giải pháp kịp thời, được các cấp, các ngành tích cực triển khai; được người dân hoan nghênh, đồng thuận.

Các em học sinh tìm hiểu cách phòng tránh xâm hại qua hình ảnh minh họa tại trường học.
Các em học sinh tìm hiểu cách phòng tránh xâm hại qua hình ảnh minh họa tại trường học.

Những năm qua, tình trạng xâm hại tình dục đối với trẻ em dưới 16 tuổi, nhất là trẻ em gái đang là mối quan tâm, lo lắng của các bậc phụ huynh, trường học, các tổ chức, đơn vị chức năng. Vào tháng 4-2018, một thầy giáo 28 tuổi dạy môn thể dục tại một trường tiểu học ở huyện Hóc Môn bị tố cáo có hành vi dâm ô nhiều học sinh nữ ngay trong lớp học. Sự việc được các phụ huynh học sinh viết đơn thư tố cáo gửi đến cơ quan chức năng. Thầy giáo này đã bị bắt tạm giam, phục vụ điều tra; tuy nhiên do không đủ chứng cứ nên sự việc sau đó không được xử lý như yêu cầu của các bậc phụ huynh. Tương tự, vụ việc hai bé gái song sinh sáu tuổi tại Bình Chánh bị hàng xóm dâm ô (nghi từ tháng 1-2017) nhưng sau nhiều tháng điều tra, cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận cuối cùng để trả lời cho gia đình bị hại. Trong khi đó, mẹ của hai bé gái cho biết, hai bé có những biểu hiện tổn thất rất lớn về tinh thần, sức khỏe, thường bị giật mình, hoảng sợ trong khi ngủ,…

Thực tế, những trường hợp được phát hiện và phản ánh từ các cơ quan báo chí, cơ quan chức năng vẫn chưa thể hiện hết thực trạng xâm hại tình dục diễn ra trên địa bàn thành phố thời gian qua, bởi rất nhiều sự việc vì lý do khác nhau mà phụ huynh không muốn đưa ra công luận. Trường hợp bé gái bị đối tượng Nguyễn Hữu Linh (ngụ quận Hải Châu, Đà Nẵng) có hành vi dâm ô mới đây, nếu thang máy không được lắp đặt ca-mê-ra thì chắc hẳn sự việc đã không được bất cứ ai biết tới, ngoại trừ bé gái để rồi sau đó cháu phải chịu những tổn thất rất lớn về mặt tinh thần mà không biết chia sẻ với ai. Tại khoản 1, Điều 146, Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định dâm ô với trẻ em… là hành vi tội phạm có tính chất rất nghiêm trọng và gắn với những chế tài xử phạt nghiêm khắc, nhưng trong quy định cụ thể câu chữ vẫn chưa kín kẽ để cơ quan chức năng có thể áp dụng khi có sự việc cụ thể xảy ra.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Trần Ngọc Sơn cho biết: Để kịp thời đẩy lùi và ngăn chặn tình trạng xâm hại, dâm ô tình dục, bạo lực nhất là đối với trẻ em, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và triển khai Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” tại Quyết định số 2568/QĐ-UBND. Trong đó, lấy “Chương trình thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái” làm trọng tâm, hướng đến từng bước đạt được mục tiêu thành phố có môi trường sống, học tập, làm việc và không gian sinh hoạt công cộng thân thiện, an toàn, người dân không còn lo sợ với các hình thức bạo lực trên cơ sở giới; nhất là bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em ở nơi công cộng.

Thành phố đang nỗ lực xây dựng những chính sách để cải thiện cuộc sống của trẻ em, mục tiêu cao nhất chính là thay đổi về nhận thức đối với người dân, trong đó có nam giới về những hệ lụy của các hành vi quấy rối tình dục, xâm hại trẻ em. Mới đây, để tuyên truyền về vấn đề này, Sở Giao thông vận tải đã in các đề-can tuyên truyền, phòng, chống hành vi xâm hại tình dục dán lên các xe buýt để người dân cùng hưởng ứng. Theo ông Trần Ngọc Sơn, để đạt được mục tiêu, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng những chính sách cải thiện cuộc sống, trong đó có phụ nữ và trẻ em, quan trọng nhất là thay đổi về nhận thức của mọi người.

Để chung tay lên tiếng và bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ về xâm hại tình dục, việc trang bị các kiến thức về giới tính, nguy hại về xâm hại tình dục cho trẻ em rất cần thiết. Tuy vậy, những kỹ năng này hiện vẫn chưa được tổ chức thường xuyên tại các đơn vị, trường học để giúp các em có kỹ năng, “phản xạ” tốt trước những tình huống xấu, có thể diễn ra trong cuộc sống. Vấn đề này, không thể là việc của riêng nhà trường, của gia đình và của các tổ chức chính trị xã hội. Các bậc phụ huynh, giáo viên có thể là những người gần gũi nhất, trang bị cho các em về “giá trị của cơ thể” mà không ai có thể đụng chạm. Các em cần biết, hành động đó là vi phạm pháp luật. Các chuyên gia, luật sư đều cho rằng, ngoài việc xử lý nghiêm các trường hợp xâm hại trẻ em thì cách phòng, chống tốt nhất là trang bị kỹ năng để các em tự phòng, tránh và tố giác. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất.