Chú trọng dịch vụ dành cho người cao tuổi

Ở Việt Nam hiện có khoảng 8,6 triệu người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), chiếm gần 10% số dân. Hơn một phần ba số người tiêu dùng lớn tuổi cho rằng các siêu thị, nhà bán lẻ, nhà sản xuất chưa quan tâm sản xuất và mở gian hàng dành cho người cao tuổi. Ngành du lịch cũng mở ít tua dành cho người cao tuổi vì lợi nhuận thấp, rủi ro cao...

Người cao tuổi tập thể dục buổi sáng tại Công viên Lê Văn Tám, quận 1.
Người cao tuổi tập thể dục buổi sáng tại Công viên Lê Văn Tám, quận 1.

Đến thăm chị Nguyễn Mỹ H., nguyên là lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước đã về hưu mười năm nay, thấy "lịch làm việc" của chị khá bận rộn. Sáng, dậy sớm nấu ăn cho cả nhà, rồi đi chợ, giặt giũ, nấu ăn trưa, dọn dẹp nhà, tắm cho ba cháu nội, ngoại, cho các cháu ăn rồi chuẩn bị cho bữa tối... Gần đây, khi đã thuê người giúp việc, thời gian rảnh nhiều hơn song chị cũng rất ít đi chơi vì ngại làm phiền con cháu. Tham gia sinh hoạt hội người cao tuổi thì cũng không "gắn kết" được do các bà, các chị có nhu cầu khác nhau. Chỉ còn mỗi niềm vui là đi bộ ngoài công viên, nhưng cũng không thường xuyên vì giao thông phức tạp, con cháu không muốn cho đi sợ "tai bay vạ gió". Hỏi vì sao không đi du lịch, chị bảo phải chờ nghỉ hè, nghỉ lễ để đi cùng con cháu cho vui và an toàn, còn đi với mấy người cao tuổi thì cứ thay đổi lịch xoành xoạch...

Theo kết quả điều tra của Công ty Nielsen Việt Nam, hiện Việt Nam có hơn 5,6 triệu người từ 65 tuổi trở lên, nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Các nhà sản xuất, nhà bán lẻ và cung cấp dịch vụ gần như "bỏ rơi" nhóm khách hàng này.

Gần đây, một nhóm người cao tuổi ở TP Hồ Chí Minh ra thăm Hà Nội, đến cầu Thê Húc thì bị cô bán vé đáng tuổi con cháu buộc trình giấy chứng minh nhân dân mới được mua vé giá rẻ để vào đền Ngọc Sơn, lại còn "chua" thêm câu "vé chỉ rẻ hơn vài ngàn đồng mà cũng tính toán"... Còn đi du lịch, người cao tuổi cũng phải tham gia đầy đủ các điểm đến vì công ty đã mua vé và đặt cơm ở nơi tham quan, cho nên dù mệt cũng phải tham gia, nếu không theo đoàn, thì chẳng biết ăn ở nơi nào. Cũng theo điều tra trên, 43% số người tiêu dùng cho biết rất khó khăn khi tìm mua, sử dụng các loại thực phẩm dinh dưỡng dành riêng cho tuổi già; 41% cho rằng phần lớn nhãn mác sản phẩm thực phẩm chữ quá nhỏ, người cao tuổi rất khó đọc.

Cuộc điều tra trên cũng cho biết, gia đình là nơi nương tựa chủ yếu của người cao tuổi khi về già. Phần đông cho biết sẽ sống chung với con, cháu (trong đó có một tỷ lệ không nhỏ cho biết sẽ sống riêng vợ chồng già với nhau). Hơn một phần ba người tiêu dùng cho rằng các siêu thị, nhà bán lẻ thiếu gian hàng dành riêng cho người cao tuổi cũng như thiếu nhà vệ sinh dành cho đối tượng này. Cũng có ý kiến phàn nàn về ý thức và thái độ trách nhiệm, chưa quan tâm người cao tuổi của cả con cháu và xã hội trong ứng xử và phục vụ.

Các doanh nghiệp cũng không mặn mà đầu tư cho việc phục vụ người cao tuổi vì mức lợi nhuận không cao. Ngay ở TP Hồ Chí Minh, là nơi tập trung nhiều người cao tuổi, nhưng các dự án phục vụ nghỉ dưỡng, nhà dưỡng lão cho người cao tuổi cũng ít được chú trọng. Giám đốc một số dự án vui chơi giải trí của TP Hồ Chí Minh còn cho rằng, người cao tuổi ở TP Hồ Chí Minh, trừ một bộ phận thu nhập cao thường xuyên đi nghỉ ở các khu du lịch trong và ngoài nước, còn lại chỉ muốn ở nhà với con cháu và trở nên tiết kiệm hơn khi không còn làm ra tiền. Phần lớn người cao tuổi khi đi chơi, nghỉ dưỡng thường đi với con cháu và chi phí chủ yếu do con cháu chi trả.

Một số doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến ăn liền như lẩu gà tiềm thuốc bắc, cháo hạt sen, cháo gà... dễ tiêu hóa, phù hợp với người cao tuổi, song đều chưa dám ghi nhãn mác trên bao bì là sản phẩm dành riêng cho người cao tuổi, vì sợ lợi nhuận giảm. Mặt khác, do các sản phẩm này cũng phù hợp với các nhóm khách hàng khác, cho nên nhà sản xuất không muốn ghi riêng. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu lại cho biết sản phẩm dành cho người cao tuổi ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... đang được tiêu thụ ngày càng nhiều. Các sản phẩm như trà, sữa, đường, bánh kẹo, thực phẩm... đến các loại thiết bị y tế... được nhập khẩu từ Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp... được nhiều cửa hàng nhập về phục vụ cho người già.

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cũng chưa được quan tâm đúng mức. Mặc dù tỷ lệ người cao tuổi chiếm 10% số dân cả nước, song khả năng và tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nói chung và chăm sóc đặc biệt cho người cao tuổi vẫn còn nhiều yếu kém. Cả nước chỉ có một bệnh viện lão khoa; mới có 30/63 tỉnh, thành phố có khoa lão trong bệnh viện cấp tỉnh. Hệ thống nhà dưỡng lão cũng chưa đúng với chuẩn quốc tế và chi phí còn cao so với thu nhập của người cao tuổi.

Làm gì để người cao tuổi được phục vụ cũng như được quan tâm đúng mức sau những năm tháng lao động và cống hiến cho xã hội, đấy là những vấn đề rất cần được xã hội quan tâm...