Chiến thắng Tua Hai với phong trào cách mạng ở Sài Gòn - Gia Định

Theo Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh, chiến thắng Tua Hai năm 1960 của quân dân Tây Ninh vượt xa những số liệu thống kê đơn thuần, để lại nhiều giá trị không chỉ trên lĩnh vực quân sự. Chiến thắng Tua Hai đã thật sự tạo ra thế và góp phần tạo lực cho bước phát triển của phong trào cách mạng ở Sài Gòn - Gia Định nói riêng, toàn miền nam nói chung.

Các đại biểu tham quan hình ảnh, tư liệu về chiến thắng Tua Hai.
Các đại biểu tham quan hình ảnh, tư liệu về chiến thắng Tua Hai.

Thực tế cách mạng ở miền nam trong thời kỳ sau 1955 - 1956 đã chứng tỏ phương thức đấu tranh chính trị đơn thuần là không phù hợp trước chủ trương “diệt Cộng” tàn bạo của kẻ thù. Nhiều nơi ở vùng nông thôn Gia Định, quần chúng cùng một số đảng viên đã tự động cầm vũ khí chống lại các cuộc vây ráp bắt bớ, nhiều nơi tha thiết đề nghị được sử dụng vũ trang chống địch…

Lúc này, Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ chủ trương tổ chức một trận đánh vũ trang có tính thôi động làm dấy lên phong trào Đồng Khởi ở miền Đông Nam Bộ. Sau quá trình nghiên cứu chiến trường và lên phương án tiến công Tua Hai (căn cứ quân sự của Trung đoàn 32, Sư đoàn 21 quân đội Sài Gòn ở Trảng Sụp, trên Đường 22 Tây Ninh - Xa Mát, cách thị xã Tây Ninh 7 km về phía bắc), Ban Chỉ huy trận đánh được thành lập, gồm: Đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Mai Chí Thọ làm Bí thư Đảng ủy; các đồng chí Lê Thanh, Võ Cương làm Chỉ huy phó.

Trận đánh diễn ra đêm 25 rạng ngày 26-1-1960. Sau gần ba giờ chiến đấu, quân ta nhanh chóng làm chủ trận địa, diệt 400 tên địch, bắt sống 500 tên, thu hơn 1.500 súng các loại. Trận tập kích Tua Hai không phải là trận đánh lớn nhưng có ý nghĩa chính trị, lịch sử trọng đại vượt rất xa tầm vóc và kích cỡ bản thân nó. Số vũ khí, đạn dược thu được từ trận Tua Hai có ý nghĩa quan trọng đối với việc trang bị cho lực lượng vũ trang ở miền đông đang trong giai đoạn khôi phục và xây dựng. Chiến thắng Tua Hai đã kích thích được tinh thần đấu tranh của nhân dân miền Đông Nam Bộ đang trong tình thế “như một thùng thuốc súng chỉ chờ mồi lửa”.

Theo Trung tướng Võ Minh Lương, Ủy viên T.Ư Đảng, Tư lệnh Quân khu 7, trên chiến trường Sài Gòn - Gia Định, chiến thắng Tua Hai làm rúng động đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, tăng thêm khí thế vùng lên trong nhân dân, nhất là việc củng cố, xây dựng và phát triển thực lực cách mạng ở trung tâm sào huyệt, đầu não của chế độ Sài Gòn. Vùng nông thôn Gia Định tiếp giáp thành phố cho nên phong trào diễn ra chủ yếu là nổi dậy diệt ác, phá kìm, giải tán chính quyền Sài Gòn ở cơ sở, giành quyền làm chủ với nhiều mức độ khác nhau…

Sau chiến thắng Tua Hai, ngày 23-2-1960, huyện Củ Chi phát động phong trào toàn dân nổi dậy, nêu cao khẩu hiệu: “Diệt ác, phá kìm, rạc tề, giải phóng nông thôn”. Nhiều tiểu đội du kích, dân quân tự vệ hình thành và phát triển nhanh chóng ở khắp các xã, ấp. Cuối tháng 3-1960, huyện Củ Chi giành được thắng lợi lớn, giải phóng được bốn xã: Nhuận Đức, Phú Hòa Đông, An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng. Ở các huyện khác, hầu khắp các ấp đều có phong trào nổi dậy, đánh sập nhiều mảng lớn chính quyền Sài Gòn ở cơ sở…

Trong nội thành Sài Gòn, phong trào đang trong thời kỳ hồi phục, vì vậy, cùng với dùng thông tin, báo chí công khai và bí mật tiến công dư luận, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chỉ đạo thúc đẩy các cuộc đấu tranh về dân sinh, dân chủ, kết hợp với các hoạt động tuyên truyền vũ trang.

Tháng 6-1960, khi cơ sở cách mạng nội thành đã từng bước được khôi phục, phong trào đấu tranh của lực lượng thanh niên càng nổi bật. Ban Thanh vận được thành lập do đồng chí Trần Quang Cơ (Tám Lượng), Khu ủy viên trực tiếp làm Bí thư (Trưởng ban). Với nòng cốt là các đồng chí đã được huấn luyện từ chiến khu, lực lượng học sinh, sinh viên, trí thức, ký giả, tiểu thương, tiểu chủ, văn nghệ sĩ liên tục tiến hành những cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, kết hợp với việc vạch trần chế độ Mỹ - Diệm. Tính chung ở nội thành trong năm 1960 đã có 1.500 cuộc đấu tranh lớn nhỏ, kết hợp ngày càng chặt chẽ các yêu cầu dân sinh, dân chủ với các khẩu hiệu chính trị, chĩa mũi nhọn trực tiếp vào chế độ độc tài gia đình trị của Ngô Đình Diệm…

Lịch sử Đảng bộ TP Hồ Chí Minh ghi rõ, sau chiến thắng Tua Hai, vùng nông thôn ngoại thành đã có 30 xã được giải phóng nối liền với vùng giải phóng rộng lớn của Tây Ninh, Bình Dương, tạo ra vùng căn cứ tương đối an toàn cho Khu ủy Sài Gòn - Gia Định và Xứ ủy Nam Bộ. Chiến thắng Tua Hai đã thật sự tạo ra thế và góp phần tạo lực cho bước phát triển của phong trào cách mạng ở Sài Gòn - Gia Định nói riêng và toàn miền nam nói chung…