Chắp cánh để hàng Việt Nam vươn xa

Bước sang năm thứ 10, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (CVĐ) với nhiều giải pháp tích cực đã giúp hàng hóa trong nước có chỗ đứng nhất định. Tuy nhiên, để “chắp cánh” cho hàng Việt Nam vươn xa, cần phải kết nối được chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng, sản xuất theo định hướng, nhu cầu từ nhà phân phối.

Nhiều sản phẩm hàng Việt Nam đạt tiêu chuẩn khi đưa vào hệ thống siêu thị được khách hàng đón nhận.
Nhiều sản phẩm hàng Việt Nam đạt tiêu chuẩn khi đưa vào hệ thống siêu thị được khách hàng đón nhận.

Ưu tiên lựa chọn những mặt hàng từ thực phẩm, đồ dùng gia đình, mỹ phẩm có nguồn gốc trong nước, chị Bùi Thị Hương (ngụ quận 3) chia sẻ, chị rất để ý đến các sản phẩm được các doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất, bởi không chỉ tốt về chất lượng, giá cả phải chăng mà còn đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, giảm tâm lý sính ngoại. "Cảm giác khi sử dụng hàng của nước mình khiến tôi cảm thấy yên tâm lẫn tự hào, vì DN trong nước bây giờ đã tiếp cận được những công nghệ mới, sản phẩm chất lượng không thua gì hàng ngoại", chị Hương nói. Thực tế tại TP Hồ Chí Minh, từ chợ truyền thống đến cửa hàng tiện lợi, siêu thị hiện đại, phần lớn các quầy kệ đều trưng bày các sản phẩm hàng Việt Nam. Ðây là thành quả của thành phố trong việc thúc đẩy, nâng cao nhận thức của DN về tầm quan trọng của việc khai thác tốt thị trường nội địa, chú trọng đầu tư cải tiến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng uy tín thương hiệu… Từ năm 2010 đến nay, thành phố đã triển khai bình ổn thị trường xuyên suốt mỗi năm; không chỉ góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, mà còn góp phần thực hiện mục tiêu khuyến khích, định hướng tiêu dùng và vận động người dân ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.

Từ hiệu ứng tích cực của CVÐ, TP Hồ Chí Minh tiến tới triển khai chương trình "Chắp cánh hàng Việt" nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng hàng nội với những giải pháp định hướng, giúp chuẩn hóa sản xuất ngành hàng nông sản thực phẩm tươi sống; trong đó, việc chuẩn hóa, nâng chất lượng hàng hóa thông qua sản xuất tốt theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP… Ðồng thời, đầu tư cho bao bì, mẫu mã sản phẩm, đăng ký thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc giúp đưa nông sản Việt Nam vươn xa hơn, hướng đến xuất khẩu. PGS, TS Trần Tiến Khai, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhận định, đã đến lúc các nhà phân phối hiện đại và các DN sản xuất phải ngồi với nhau để hình thành được bộ tiêu chuẩn dùng chung, không chỉ thỏa mãn yêu cầu tiêu dùng trong nước mà còn thỏa mãn yêu cầu thị trường thế giới. Liên quan đến khâu sản xuất, PGS, TS Trần Tiến Khai cho rằng, sự hỗ trợ của chính quyền các tỉnh, thành phố nơi sản xuất nguyên liệu là hết sức quan trọng. Ðiều đó thể hiện qua việc hướng dẫn, tổ chức xây dựng các DN, cơ sở sản xuất, hợp tác xã quy mô lớn sản xuất các nguyên liệu bảo đảm tiêu chuẩn. Ðồng thời, địa phương cần huấn luyện và kiểm soát tiến trình áp dụng các tiêu chuẩn an toàn. Hơn nữa, cần xây dựng các khu, cụm công nghiệp chế biến thực phẩm, có cơ chế quản lý thông thoáng để hỗ trợ các DN thực phẩm tổ chức sản xuất, giết mổ gia súc, gia cầm, sơ chế thực phẩm ngay tại đầu nguồn.

Theo số liệu của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, thành phố đã trở thành một siêu đô thị, có quy mô dân số hơn 12 triệu dân và là thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, sản phẩm nông nghiệp sản xuất tại thành phố chỉ đáp ứng từ 10-15%, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố trong nước. Do đó, việc cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho người dân rất quan trọng. Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, muốn người Việt dùng hàng Việt thì phải chú trọng chất lượng thay vì chỉ kêu gọi. Mỗi DN cần tìm cho mình một hướng đi, tạo ra sản phẩm có sự khác biệt về công thức, kiểu dáng, mẫu mã và cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại. Do vậy, đòi hỏi công tác nghiên cứu thị trường, đổi mới công nghệ với thời đại của công nghệ số hiện nay. "Chương trình Chắp cánh hàng Việt sẽ được triển khai với phương thức thống nhất các tiêu chí và điều kiện cung cấp hàng hóa vào thị trường thành phố. Chương trình kỳ vọng sẽ trở thành công cụ hiệu quả, giúp nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, gián tiếp hỗ trợ nâng cao hiệu quả xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm của TP Hồ Chí Minh", ông Hòa chia sẻ.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Tô Thị Bích Châu cho biết: "Sắp tới, phải tập trung đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện CVÐ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sâu rộng đến các tổ chức thành viên, đoàn viên, hội viên trên địa bàn khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân; từng bước nâng cao nhận thức, xây dựng thói quen ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Ðồng thời, các DN cũng phải đổi mới công nghệ, mẫu mã, chất lượng cho phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng".