Chấn chỉnh tình trạng xây dựng nhà ở không phép

Thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ tăng dân số cơ học nhanh. Theo tính toán, cứ 5 năm thành phố tăng khoảng một triệu dân, trung bình một năm tăng thêm 200 nghìn người… Vừa qua, Sở Xây dựng thành phố đã đề xuất cho thí điểm xây nhà trên đất nông ngiệp tại hai huyện: Củ Chi và Cần Giờ.
Biển cấm phân lô, xây nhà trên đất nông nghiệp tại huyện Bình Chánh.
Biển cấm phân lô, xây nhà trên đất nông nghiệp tại huyện Bình Chánh.

Liên quan đến áp lực về nhà ở, mới đây tại kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố khóa IX, đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung (huyện Bình Chánh) thông tin, huyện đang phải đối diện với áp lực lớn về nhà ở dành cho người dân. Trước đây, huyện chỉ có khoảng 250 nghìn dân nhưng đến nay là hơn 700 nghìn dân. Do dân số tăng nên nhu cầu nhà ở rất cao. Tương tự, dân số của quận Bình Tân là 800 nghìn dân, trong đó có đến hơn 500 nghìn dân đăng ký tạm trú và đang có nhu cầu về nhà ở. “Bên cạnh việc phát triển nhà ở riêng lẻ, các dự án đầu tư chung cư, bình quân hằng năm có khoảng 1,5 đến 2 triệu m2 sàn phát sinh trên địa bàn quận. Quy hoạch 1/2000 đã phủ kín và quận đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch. Dân số tăng cao nên quản lý về nhà ở rất áp lực”, ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận Bình Tân chia sẻ. Thực tế cho thấy, nhu cầu nhà ở tăng cao trong khi thu nhập của người lao động không tăng, vì vậy vấn đề nhà ở trở thành rào cản lớn đối với lao động của thành phố. Thống kê cho thấy, giai đoạn từ năm 2011 đến 2020, thành phố cần khoảng 134 nghìn căn. Riêng giai đoạn 2016 - 2020 thành phố có đến 81 nghìn hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở xã hội, trong đó 10 nghìn hộ cán bộ công chức, 39 nghìn hộ thu nhập nghèo, cận nghèo, khoảng 17.000 hộ lao động trong khu công nghiệp. Sở Xây dựng thành phố cho biết nhà ở xã hội bán “đắt như tôm tươi”. Dự án có 125 căn chào bán có đến 700 đơn mua, dự án có 7.000 căn nhưng nhận hơn 10 nghìn đơn. Cung cầu chênh nhau quá lớn. Sở Xây dựng cho hay, hiện thành phố đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ, dự kiến đến năm 2020 hoàn thành xây dựng 20 nghìn căn.

Sáu tháng đầu năm, thành phố có 616 trường hợp xây dựng không phép. Sở Xây dựng khẳng định, năm nào cũng xảy ra hàng trăm trường hợp xây dựng không phép tại các quận, huyện vùng ven, như: Bình Tân, quận 9, Bình Chánh, Hóc Môn… Đáng chú ý, có tình trạng người dân cố tình xây nhà trên đất chưa đủ điều kiện về pháp lý, thậm chí xây nhà luôn trên đất dành cho công viên cây xanh, đất xây dựng hạ tầng khác. UBND quận Bình Tân cho biết, trung bình một năm quận cấp khoảng 7.000 đến 8.000 giấy phép xây dựng nhà. Riêng xây nhà không phép, thống kê cho thấy có hơn 190 vụ vi phạm. Cùng với tình trạng xây nhà không phép, là nhiều “dự án ma” xuất hiện tại các quận, huyện vùng ven. Cụ thể, “dự án ma” xuất hiện tại phường An Lạc (quận Bình Tân), phường Trường Thạnh (quận 9)… lừa đảo hàng nghìn người. Chính quyền địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân, đồng thời, tổ chức công khai quy hoạch và cảnh báo người dân thận trọng với những dự án thuộc công trình công cộng. Gần đây, Sở Xây dựng đề xuất cho thí điểm xây nhà trên đất nông nghiệp tại huyện Củ Chi và Cần Giờ. Đây là biện pháp chữa cháy để kéo giảm tình trạng xây dựng trái phép trên địa bàn thành phố, cao điểm là trong sáu tháng đầu năm 2019. Thành phố đã cho phép người dân xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng trên đất nông nghiệp tại các khu đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư như các sân thể thao, sân chơi cộng đồng… Tại hai nhiệm kỳ Đảng bộ TP Hồ Chí Minh gần nhất, đều đánh giá rằng, ngành nông nghiệp chỉ góp 1% trong cơ cấu kinh tế thành phố, nên cần chuyển đổi đất nông nghiệp để có lợi hơn cho tăng trưởng. Trong đó, một trong những đề xuất của UBND thành phố đã được Chính phủ chấp thuận là việc chuyển 26 nghìn ha đất nông nghiệp sang các loại đất khác. Trong đó, giai đoạn đầu (2010 - 2015) thành phố đã cho chuyển được hơn 3.000 ha, còn lại khoảng 23 nghìn ha đất nông nghiệp đang tiếp tục cho phép chuyển mục đích (2016 - 2020).

Vừa qua, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã ký chỉ thị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Chỉ thị nhấn mạnh, bên cạnh việc xác định các giải pháp trung hạn và dài hạn đáp ứng nhu cầu nhà ở của một triệu người dân nhập cư tăng thêm trong 5 năm giai đoạn 2020 - 2030, cần làm rõ các giải pháp ngắn hạn, khả thi, hợp pháp để đáp ứng nhu cầu nhà ở tăng thêm trong các năm 2019 - 2021. Cụ thể, các nơi có thể tổng kết mô hình các nhà trọ cho công nhân, xây dựng các chuẩn nhà trọ bảo đảm điều kiện sống tối thiểu, đủ chuẩn, bảo đảm vệ sinh môi trường, có hạ tầng giao thông và hướng dẫn chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở có quy mô nhỏ, phân tán, để người dân đăng ký chuyển đổi, xây dựng nhà trọ có thời hạn 5 đến 10 năm phù hợp quy hoạch. Sau một thời gian ở, các nhà trọ đã được chuẩn hóa về thiết kế và quy hoạch, có thu nhập ổn định và có tích lũy thu nhập, các hộ dân có thể mua căn hộ với điều kiện sống cao hơn.