Các doanh nghiệp chủ lực cam kết cung ứng đủ hàng hóa

Dịch Covid-19 đang lan rộng và diễn biến phức tạp khiến cho các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu luôn được người dân quan tâm hàng đầu. Các doanh nghiệp (DN ) chủ lực của TP Hồ Chí Minh đã cam kết sản xuất, dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng mạnh so với ngày thường, đủ sức đáp ứng nhu cầu của người dân trong mọi tình huống.

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại CoopMart Cống Quỳnh (quận 1).
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại CoopMart Cống Quỳnh (quận 1).

Ðể ổn định đời sống dân sinh và phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã báo cáo UBND thành phố về kế hoạch cung cầu hàng hóa và xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp. Theo đó, Sở Công thương đã đưa ra ba tình huống cung ứng hàng hóa nhằm ứng phó với dịch bệnh một cách hiệu quả nhất.

Tình huống 1, các DN trong chương trình hàng bình ổn thị trường sẽ chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 30 đến 40% so với ngày thường; sẵn sàng cung ứng kịp thời đến điểm bán, các hệ thống phân phối. Tình huống 2, các DN tiếp tục chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 50 đến 100% so với ngày thường. Tình huống 3, các DN tiếp tục các giải pháp đã thực hiện trong tình huống 1 và 2, tổ chức cung ứng hàng hóa kịp thời, không gián đoạn, phát huy tinh thần cộng đồng, chủ động thực hiện các giải pháp ổn định thị trường.

Ngành công thương thành phố cũng đã thông báo công khai địa chỉ 2.610 điểm bán các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu gần nhất, hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá cả ổn định tại các siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi để tạo thuận lợi cho người dân thành phố mua sắm trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội, hạn chế đi lại, Cùng với đó, ngành công thương thành phố yêu cầu các DN, các hệ thống phân phối tăng kinh doanh trực tuyến, tiếp tục cập nhật các sản phẩm, minh bạch về giá, chất lượng lên trang web của mình để hạn chế việc tiếp xúc đông người dễ lây lan dịch bệnh...

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Huỳnh Trang, từ nhiều buổi làm việc, đi kiểm tra thực tế, các DN chủ lực của thành phố đã cam kết kế hoạch sản xuất, dự trữ, cung ứng các loại hàng hóa thiết yếu số lượng dồi dào, đủ sức ứng phó kể cả với tình trạng dịch bệnh xấu nhất xảy ra trên diện rộng trong cộng đồng. Thực tế, các DN chủ lực sản xuất các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm đều khẳng định đã tạo được nguồn cung dồi dào, phong phú về chủng loại, giá bán ổn định, đủ sức cung ứng cho thị trường khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao.

Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) hiện tăng công suất chế biến, sản xuất lên ba ca mỗi ngày; nguyên liệu "đầu vào" đã chuẩn bị cho kế hoạch đến hết năm 2020. Nhờ nguồn cung dồi dào, phong phú về mặt hàng, Công ty TNHH San Hà cam kết cung cấp cho mạng lưới kinh doanh trên địa bàn thành phố đủ hàng và giá bán các loại thịt gia cầm ổn định đến hết năm 2020, bất chấp dịch bệnh xảy ra.

Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân cho hay, các mặt hàng thực phẩm chế biến từ nguyên liệu thịt gia cầm của công ty đã tăng 100% và đang sản xuất liên tục hai, ba ca mỗi ngày để đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường. Ba Huân cam kết cung ứng đủ hơn một triệu quả trứng/ngày; thịt gà khoảng 25 tấn/ngày và các sản phẩm khác từ 5 đến 10 tấn/ngày cho thị trường. Theo ông Trần Ngọc Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư Vinh Phát, công ty hiện đã có 50.000 tấn gạo xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, đang chuẩn bị khá lớn nguyên liệu để bảo đảm cung ứng đầy đủ từ nay đến cuối năm và tiếp tục giữ giá bán các mặt hàng lương thực như hiện tại.

Các DN phân phối lớn cũng cam kết lượng hàng dự trữ tăng từ 30 đến 40% so với cùng kỳ, giá bán tiếp tục ổn định và sẽ tăng nguồn cung khi nhu cầu thị trường tăng. Các siêu thị Lotte Mart, Emart, Big C... hiện đã có nguồn hàng dự trữ tăng hơn 30% so với ngày thường và sẽ sẵn sàng đáp ứng cho thị trường khi nhu cầu của người dân tăng lên.

Riêng Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã có kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ ngay từ đầu tháng 2 và số lượng hàng hóa dự trữ tương đương như số lượng kinh doanh trong dịp Tết vừa qua. Các mặt hàng thiết yếu cho đời sống hằng ngày của người dân đã được dự trữ đủ sức phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng từ ba đến sáu tháng.