Ða dạng phương tiện giao thông công cộng để hạn chế phương tiện cá nhân

Vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Ðề án tăng cường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tại thành phố. Ðề án do Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố phối hợp Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (TDSI) xây dựng, nhằm giải quyết bài toán khó khăn về giao thông đô thị tại thành phố.

Phương tiện tham gia giao thông chủ yếu của người dân thành phố là xe máy.
Phương tiện tham gia giao thông chủ yếu của người dân thành phố là xe máy.

Theo đề án, lộ trình thực hiện gồm ba giai đoạn với tổng kinh phí dự kiến dành để ưu tiên phát triển VTHKCC ở mức khoảng 52 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, giai đoạn 1 (từ năm 2019 đến 2020) là 9.783 tỷ đồng, giai đoạn 2 (từ năm 2021 đến 2025) là 18.896 tỷ đồng và giai đoạn 3 (từ năm 2026 đến 2030) là 23.810 tỷ đồng. Ðược biết, hiện VTHKCC mới chỉ đáp ứng được khoảng 8% nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi thành phố có khoảng 520 nghìn ô-tô (khoảng 300 nghìn ô-tô con) và khoảng 8 triệu xe máy (chiếm hơn 90% tổng số phương tiện giao thông); hơn 90% số người dân sử dụng phương tiện xe gắn máy để đi lại. Ðề án này cũng đặt ra yêu cầu đến năm 2030, thị phần VTHKCC toàn thành phố phải đạt từ 29,3% đến 36,8% để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng của người dân. Theo ước tính của TDSI, mỗi năm thành phố thiệt hại khoảng 1,2 triệu giờ công lao động, 1,3 tỷ USD do ùn tắc giao thông và 2,3 tỷ USD do ô nhiễm môi trường từ các phương tiện cơ giới. Theo kết quả khảo sát hành khách với quy mô khoảng 35 nghìn phiếu tại 24 quận, huyện và các đầu mối giao thông do Sở GTVT và TDSI thực hiện cho thấy, có 62,56% số ý kiến đồng ý cần phải hạn chế ô-tô, xe máy. Trong đó, 40,77% số ý kiến đồng ý hoàn toàn và 21,79% đồng ý khi VTHKCC đáp ứng được nhu cầu đi lại. Ý kiến người được phỏng vấn cũng đồng tình một số giải pháp giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường như: điều chỉnh sắp xếp giờ học, giờ làm lệch ca (80,25% ý kiến đồng tình); thu phí ô-tô vào khu vực trung tâm (69,69%); ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông (thu phí tự động, xử phạt… tỷ lệ đồng thuận là 85,53%).

Phát biểu tại hội nghị, PGS, TS Nguyễn Minh Hòa, Ủy viên Hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc thành phố cũng cho rằng, bên cạnh những giải pháp mang tính kinh tế và hành chính, việc quy hoạch không gian đô thị và phân bổ lại dân cư, kéo giãn dân ra bên ngoài khu vực trung tâm cũng hết sức quan trọng. Theo ông Hòa, thành phố cần tạo ra ít nhất một đến hai đô thị vệ tinh. Vì hiện nay chỉ có một khu trung tâm 930 ha cho nên người dân tập trung vào đây đi làm, đi học, gây ùn tắc giao thông. Thành phố lại có cấu trúc đường hẻm nhiều, cho nên nếu muốn cấm hoàn toàn xe máy thì gần như phải đập bỏ và xây dựng lại toàn bộ. Ðiều này là không khả thi. Thêm nữa, nếu không tính kỹ thì sẽ đẩy sang xu hướng chuyển từ xe máy qua ô-tô, nó sẽ biến thành phố trở thành bãi đậu xe khổng lồ và với tốc độ gia tăng số ô-tô như hiện nay, trong tương lai giao thông sẽ càng ngày càng đông đúc… Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải tổ chức một cuộc điều tra xã hội học, nghiên cứu kỹ các đề xuất để có phương án tối ưu, vừa phát triển giao thông công cộng lại vừa bảo đảm điều kiện sống cho người dân. TS Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công ÐH Fulbright Việt Nam cho rằng, để giải quyết bài toán giao thông ở thành phố, chìa khóa duy nhất chính là phát triển hệ thống giao thông công cộng. Thành phố phải hoàn thiện được hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn như các tuyến metro, hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông theo đúng quy hoạch và cải thiện mạng lưới xe buýt. Tiến sĩ Du lưu ý, hạn chế phương tiện cá nhân là tất yếu nhưng không nên đặt mục tiêu cấm xe máy. Ðiều này có khả năng dẫn tới xu hướng chuyển dần từ xe máy sang ô-tô, biến thành phố trở thành bãi đậu xe khổng lồ như bài học của Ma-ni-la, Phi-li-pin. Một ô-tô có diện tích chiếm dụng mặt đường gấp từ bốn đến sáu lần xe máy. Nếu tất cả những người sử dụng xe máy hiện nay chuyển qua đi ô-tô thì sẽ gây ra ùn tắc kinh hoàng. Do đó, không nên đặt vấn đề cấm xe máy. Nên hạn chế phương tiện cá nhân bằng các chính sách kinh tế như thu phí, thuế, tăng chi phí vận hành… Ðồng thời, tạo ra hệ thống giao thông công cộng hiện đại đủ đáp ứng nhu cầu, thu hút người dân.

Ngày 6-3 vừa qua, bên lề phiên giải trình do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức về tình hình vi phạm an toàn giao thông, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến đã khẳng định thành phố không cấm xe gắn máy mà chỉ “khuyến khích người dân hạn chế sử dụng”. Theo ông Tuyến, chủ trương của thành phố là không cấm xe gắn máy vì đây là phương tiện để người dân đi lại, làm ăn, nhưng cũng cần hạn chế vì số lượng xe máy quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến giao thông. Mục tiêu của thành phố là phải đẩy mạnh phát triển phương tiện giao thông công cộng. Quốc gia văn minh bao giờ cũng phát triển mạnh hoạt động của loại hình phương tiện này. Chính vì vậy, thành phố đang tập trung đầu tư tuyến metro, buýt nhanh, buýt đường thủy…, thậm chí cả những phương tiện công cộng như xe đạp để người dân có thể di chuyển thuận lợi hơn. Từ đó, người dân mới cảm thấy việc chọn lựa giao thông công cộng là giải pháp tốt nhất.