Công nghệ đột phá trên bàn ăn

Những tiến bộ trong ngành công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông... thường được đề cập tới quá nhiều, khiến không ít người bỏ qua tiềm năng phát triển của nông nghiệp, thực phẩm. Rất có thể chỉ trong vài năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến những trang trại trên trời, hoặc ăn một miếng thịt “thứ thiệt” nhưng lại không cần giết mổ gia súc, gia cầm nữa.

Công nghệ đột phá trên bàn ăn

Chăn nuôi giữa không trung

Bước sang thế kỷ 21, dân số thế giới vẫn tăng lên không ngừng theo thời gian, trong khi diện tích đất đai lại không thể sản sinh thêm. Vì lý do đó, không ít những vùng đất canh tác truyền thống đã biến thành chung cư, nhà cao tầng theo tiến trình đô thị hóa. Cộng thêm hậu quả từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng khiến diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, một số quốc gia đang lên ý tưởng táo bạo cho những trang trại trong tương lai.

Mới đây, 2.000 người dân Vương quốc Anh được khảo sát và đưa ra ý kiến về một thành phố lý tưởng mà họ muốn thấy trong tương lai. Điều thú vị hơn cả là không ít người tỏ ra thích thú với ý tưởng về những cánh đồng, trang trại nằm trên đỉnh những tòa nhà chọc trời. Không chỉ đơn thuần là trồng rau hay lương thực, nông dân thậm chí có thể chăn thả gia súc ở sân thượng những tòa nhà cao tầng.

Lời giải thích về lựa chọn của họ cũng rất hợp lý: Thật lãng phí khi để trống hàng nghìn mét vuông đất trên sân thượng của mỗi tòa nhà. Thay vì dùng nó để làm bể bơi ngoài trời hay bãi đỗ máy bay lên thẳng, mọi người nên tìm đến những mục đích thiết thực hơn. Và khi đề cập đến nhu cầu thiết yếu, chẳng điều gì có thể vượt qua việc đáp ứng bữa ăn hằng ngày. Một số nông dân cũng tỏ ra khá thích thú trước ý tưởng về việc chăn nuôi giữa không trung như thế.

Lợi thế lớn nhất của ý tưởng canh tác trên cao xuất phát từ những thành tựu có sẵn của nông nghiệp hiện đại. Với phương pháp thủy canh và sử dụng giá thể hữu cơ, nông dân bây giờ có thể trồng trọt mà không cần phải dùng đất. So với lối canh tác truyền thống, cách này sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội như không phải làm đất, ngăn ngừa tối đa sâu bệnh, giữ lại toàn bộ phân bón và muối khoáng nhờ giá thể.

Thịt từ phòng thí nghiệm

Còn được gọi dưới tên khoa học là “thịt canh tác”, sản phẩm này đang trở thành đề tài được tranh cãi dữ dội về việc coi nó như thịt động vật thông thường, hay là thịt chay. Thịt nhân tạo có cấu trúc các khối cơ tương tự thịt động vật, qua đó có mùi vị và cảm giác khi nhai chẳng khác gì một miếng thịt bò, thịt lợn thông thường. Tuy nhiên, ta lại không thể xếp nó vào thịt động vật, vì thịt nhân tạo được làm trong phòng thí nghiệm.

Sáu năm trước, khi miếng thịt nhân tạo đầu tiên được công bố trên toàn thế giới, nhiều người đã cười vì nghĩ sản phẩm này chẳng bao giờ cạnh tranh được với thịt truyền thống. Ở thời điểm mới ra đời, thịt nhân tạo có giá không tưởng: 280.000 USD/kg. Ngoài ra, những người ăn thử còn chê thịt nhân tạo quá mềm và nhão, không tạo cảm giác giòn dai như nhai một miếng thịt thật sự. Vậy là các nhà khoa học bắt tay vào giải quyết công đoạn: hạ giá thành sản phẩm, và tạo cảm giác thật hơn cho thực khách.

Mục tiêu đầu tiên đã gần hoàn tất. Năm ngoái, các nhà nghiên cứu tại Israel đã tìm ra một công nghệ đột phá cho phép họ sản xuất thịt nhân tạo với giá rẻ hơn rất nhiều, khoảng 800 USD/kg. Nhưng tới năm nay, công ty thực phẩm công nghệ cao của Hà Lan là Mosa Meat tự tin khẳng định họ đã hạ chi phí làm thịt nhân tạo xuống còn 112 USD/kg. Có điều, như vậy vẫn còn là quá cao, và mục tiêu của họ là đến năm 2021 sẽ hạ xuống chỉ còn 10 USD/kg.

“Ở thời điểm mới ra mắt, thịt nhân tạo có giá cao như vậy bởi đó là công nghệ mới, chưa phổ biến, chưa sản xuất đại trà” - đại diện Mosa Meat giải thích - “Nhưng bây giờ thì khác. Trong hai năm tới, chúng tôi tự tin có thể đem thịt nhân tạo ra cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm truyền thống trên thị trường. Chắc chắn thịt của chúng tôi luôn rẻ nhất”.

Bên cạnh đó, các đồng nghiệp của Mosa Meat ở Mỹ đã thành công trong việc làm ra các bó cơ nhân tạo bằng gelatin. Bằng phương pháp đó, người ăn khi nhai sẽ cảm thấy miếng thịt giòn và dai. Với những tiến bộ chóng mặt như thế, sẽ chẳng ngạc nhiên nếu như trong vài năm tới chúng ta chứng kiến một trang trại ở ngay trên đầu mình, hoặc một miếng thịt mà ngay cả người ăn chay cũng có thể sẵn sàng thưởng thức.