Methadone góp phần giảm lây nhiễm HIV

Năm 2008, Hải Phòng là một trong những tỉnh đầu tiên được triển khai thí điểm điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng Methadone tại ba quận: Lê Chân, Thủy Nguyên và Ngô Quyền. Sau bảy năm hoạt động, Hải Phòng đã tăng từ ba lên 15 cơ sở điều trị, với tổng số người tham gia điều trị là 3.233 người, góp phần giảm tỷ lệ đáng kể số người tái nghiện, lây nhiễm HIV và cải thiện chất lượng cuộc sống...

Người bệnh đến uống thuốc tại cơ sở điều trị Methadone (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Quảng Trị).  Ảnh: VĂN SƯƠNG
Người bệnh đến uống thuốc tại cơ sở điều trị Methadone (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Quảng Trị).  Ảnh: VĂN SƯƠNG

Bác sĩ Phan Trọng Khánh, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Hải Phòng cho biết: Mặc dù là địa phương đầu tiên điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng Methadone nhưng Hải Phòng đã đạt được những kết quả nhất định. Theo số liệu thống kê của trung tâm tính đến tháng 12-2013, số người nhiễm HIV của thành phố là hơn 10 nghìn và số người nhiễm HIV hiện còn sống là hơn bảy nghìn. Hiện nay, các cơ sở Methadone đang tiếp nhận điều trị cho gần 500 người nhiễm HIV. Phần lớn người bệnh nghiện ma túy lâu năm, từng cai nghiện nhiều lần nhưng không thành công. Sau giai đoạn dò liều, trung tâm sẽ chuyển sang giai đoạn điều trị duy trì. Ðến nay, nhiều người đã từ bỏ được ma túy với kết quả hơn 90% có phản ứng âm tính. Ðáng chú ý, trong số người được điều trị từ bỏ ma túy có đến 76% đã có việc làm (trước khi điều trị chỉ 30% số người có việc làm). Người bệnh hồi phục sức khỏe, tinh thần thoải mái, cải thiện được các mối quan hệ gia đình và xã hội. Chất lượng cuộc sống được cải thiện rõ rệt, tăng cân, có khả năng lao động bình thường. Ðối với người bệnh nhiễm HIV nhưng vẫn nghiện ma túy được điều trị tốt hơn do không bị ảnh hưởng của hội chứng cai ma túy, và giảm mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội do HIV/AIDS. Hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy trên địa bàn giảm 70%, đồng thời giảm đáng kể chi phí đối với gia đình có người nghiện. Người nghiện không còn bị ám ảnh bởi việc tìm kiếm ma túy hay bị tác động của đói thuốc cho nên họ tập trung vào lao động kiếm sống, thu nhập tăng lên hằng tháng từ 2,6 triệu đồng lên đến 3,2 triệu đồng, sau 24 tháng điều trị. Theo kết quả điều tra của tổ chức Sức khỏe gia đình quốc tế (FHI), tại Hải Phòng trung bình một người bệnh tiêu tốn 230 nghìn đồng/ngày để mua hê-rô-in tương đương 84 triệu đồng/năm. Hiện nay có 3.200 người nghiện của Hải Phòng được điều trị bằng Methadone đã tiết kiệm được cho họ và gia đình hơn 268 tỷ đồng/năm.

Nhớ lại một thời lầm lỡ đã qua, anh Nguyễn Hùng Thắng vẫn như vẹn nguyên nỗi ám ảnh: "Ngày còn nghiện ngập mình chỉ toàn "vòi" tiền mẹ, rồi khi rủ rê bạn bè trộm cắp. Vào tù, ra tội, vợ con chán nản bỏ về nhà ngoại. Gia đình căm ghét, thất vọng, thậm chí nhiều lúc bố mẹ còn không muốn nhìn mặt nữa". Sau gần 20 năm chìm đắm trong ma túy, tháng 3-2008, anh Thắng được quận Lê Chân xét duyệt đưa vào chương trình hỗ trợ người cai nghiện bằng thuốc Methadone. Sau một thời gian uống thuốc, anh được các hướng dẫn viên tư vấn hướng nghiệp để học nghề theo yêu cầu, được hỗ trợ hoàn toàn kinh phí học nghề và tư vấn tạo việc làm. Hơn sáu năm qua, cuộc sống của anh dần ổn định, hạnh phúc thật sự đã đâm chồi khi anh lấy lại niềm tin yêu từ những người thân trong gia đình. Càng mừng hơn khi gia đình của họ đang chuẩn bị đón một sinh linh bé nhỏ chào đời. "Cuộc sống của mình giờ đã hoàn toàn đổi thay. Ðược cha mẹ, vợ con tin tưởng, yêu thương, mình thấy cần có trách nhiệm hơn. Hiện giờ, mình chỉ mong có thêm nhiều khách sửa xe để kiếm sống. Hy vọng mình sẽ làm chủ được cuộc sống của chính mình" - anh Thắng hồ hởi khoe.

Chị Nguyễn Thị L, từng trải qua những thời khắc thật kinh hoàng khi lấy chồng không có nghề nghiệp lại cờ bạc, nghiện ngập, rồi đến bản thân trở thành đệ tử của "nàng tiên nâu". Sống trong cảnh "chồng chích vợ hút" không lâu thì anh chị ly dị. Những tưởng sau khi đi bước nữa với một người đàn ông biết cảm thông với quá khứ đã qua, cuộc sống của chị sẽ vơi bớt bất hạnh. Thế nhưng mặc cảm của một người từng có quá khứ tội lỗi và cơn nghiện ma túy vẫn hành hạ chị từng ngày. May mắn nhờ sự quan tâm của gia đình và sự sẻ chia của chồng, chị đã đến đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ cai nghiện bằng thuốc Methadone tại cơ sở điều trị quận Ngô Quyền, đến nay đang có những tín hiệu tích cực. Ngoài ra, tại đây chị đã được định hướng, đào tạo nghề... Và một tương lai tươi sáng đã lại hé mở với chị...

Theo bác sĩ Phan Trọng Khánh, mặc dù công tác điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng Methadone đã đạt được kết quả nhất định, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ người bệnh nhiễm HIV vẫn sử dụng ma túy còn cao (chiếm 25%), tỷ lệ người bệnh dùng ma túy tổng hợp (Methamphetamine) ngày càng tăng và chưa có biện pháp can thiệp. Nhiều người bệnh lâu năm sau khi ra khỏi chương trình Methadone lại tái nghiện gây khó khăn trong công tác điều trị HIV/AIDS. Nhiều người bệnh không cư trú tại địa phương, cho nên việc chữa trị thực hiện không đều đặn, cho nên tỷ lệ bỏ điều trị tăng cao (từ tháng 9-2013 đến tháng 12-2014 tăng từ 283 người lên 348 người). Bên cạnh đó, nhân viên y tế còn thiếu kinh nghiệm trong công tác điều trị, phần lớn bác sĩ điều trị Methadone chưa được tập huấn về điều trị HIV/AIDS nên ít phát hiện những nhiễm trùng cơ hội ở bệnh nhân AIDS. Ðể giải quyết những mặt còn hạn chế trong công tác này, theo bác sĩ Khánh cần tập huấn liên tục về điều trị nghiện thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, đồng thời để bảo đảm bền vững, chương trình cần có các biện pháp hỗ trợ xã hội cho người nghiện giúp họ tuân thủ điều trị. Ngoài ra, việc xây dựng mạng lưới hỗ trợ người bệnh sau cai nghiện, xây dựng các nhóm tự lực, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ vốn làm kinh tế để họ có được công việc ổn định, yên tâm điều trị cũng là vấn đề đáng quan tâm.

Tính đến ngày 15-10-2014, cả nước mới có 38/63 tỉnh, thành phố triển khai điều trị Methadone cho 21.613 người nghiện các chất dạng thuốc phiện, đạt 27% so với mục tiêu điều trị cho 80 nghìn người vào cuối năm 2015. Nguyên nhân của việc chậm triển khai là do cấp ủy, chính quyền ở nhiều địa phương còn thiếu sự quan tâm, đầu tư, huy động nguồn lực, có tư tưởng ỷ lại, trông chờ hỗ trợ từ Trung ương , trong khi nguồn lực tài chính quốc tế đã bị cắt giảm và đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn chế...

NGUYỄN THANH LONG

Thứ trưởng Y tế