Tận dụng lợi thế thị trường trong nước

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đang gây nên những xáo trộn cho nhiều ngành kinh tế, trong đó có xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Trước thực tế đó, ngành nông nghiệp đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, một giải pháp không kém phần quan trọng để tiêu thụ nông sản chính là tập trung khai thác tối đa thị trường trong nước.

Người dân mua hoa quả ở siêu thị Coopmart (Hà Nội). Ảnh | Thuỳ Linh
Người dân mua hoa quả ở siêu thị Coopmart (Hà Nội). Ảnh | Thuỳ Linh

Bỏ ngỏ thị trường nội địa

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại thành phố Hà Nội, trung bình mỗi năm tiêu thụ 890 nghìn tấn gạo; 139 nghìn tấn thịt lợn; 42 nghìn tấn thịt gà; 900 triệu quả trứng; 54 nghìn tấn thủy hải sản tươi sống và chế biến; 900 nghìn tấn rau các loại... Hệ thống kênh phân phối bán lẻ hiện đại ngày càng phát triển mạnh khi Hà Nội có hơn 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, hơn một nghìn cửa hàng tiện ích, 798 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn được cấp biển nhận diện. Thành phố Hồ Chí Minh có 100 trung tâm thương mại, hơn 100 siêu thị, hơn 730 cửa hàng tiện ích và chuỗi cửa hàng sạch. Ngoài ra các chợ đầu mối và chợ truyền thống vẫn phát huy vai trò phân phối sản phẩm; các kênh bán hàng online góp phần cho việc tiêu thụ nông sản, đặc sản của các tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên, với dân số hơn 97 triệu dân, hiện nay thị trường nông sản trong nước vẫn còn nhiều tiềm năng và dư địa để tập trung khai thác phát triển do nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng tăng, đặc biệt là người tiêu dùng tại các thành phố lớn.

Cụ thể, trong thời gian đầu bùng phát dịch bệnh Covid-19, các tỉnh Bình Thuận, Long An đã tồn đọng một số lượng lớn thanh long do không xuất khẩu được sang Trung Quốc; còn tại một số địa phương khác, dưa hấu cũng trở thành mặt hàng nông sản cần phải “giải cứu” vì không có đầu ra khi Trung Quốc hạn chế giao dịch hàng hóa tại các cặp chợ biên giới. Trước tình hình đó, Bộ Công thương đã tổ chức cuộc họp nhằm kết nối giữa các doanh nghiệp phân phối lớn trong nước với các địa phương để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp đã công bố năng lực tiêu thụ lớn trong hệ thống. Điển hình với mặt hàng thanh long và dưa hấu, BigC tiêu thụ được 170 tấn/ngày; hệ thống siêu thị Vinmart tiêu thụ được khoảng 2.000 đến 3.000 tấn/tuần; Saigon Co.op có thể tiêu thụ 1.600 tấn/ngày... Vì vậy, một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce; Tập đoàn Central Retail Việt Nam (Siêu thị BigC và Go!); Tổng công ty Thương mại Hà Nội; Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op); Công ty TNHH MM Mega Market (Việt Nam); Công ty TNHH bán lẻ BRG; Công ty TNHH Aeon Việt Nam; Công ty cổ phần Bách hóa xanh... đã cam kết cùng triển khai các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ hàng nông sản của các địa phương trong thời gian tới. Như vậy, có thể thấy sức mua của thị trường trong nước là rất lớn. Tuy nhiên, nếu nhìn trong suốt nhiều năm qua thì thị trường nội địa lại chưa được quan tâm đúng mức. Như nhận định của Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Việt Nam Nguyễn Thị Phương: Nhu cầu về các mặt hàng nông sản trong hệ thống siêu thị Big C hiện khá lớn nên rất cần lượng hàng hóa từ nông dân và các hợp tác xã. Tuy nhiên, thời gian qua, chỉ khi hàng tồn ứ thì mới tập trung giao dịch với siêu thị, còn khi xuất khẩu sang Trung Quốc thuận lợi thì hầu hết các hợp tác xã, nông dân, doanh nghiệp địa phương đều không thật sự mặn mà với kênh tiêu thụ trong nước. Nguyên nhân là do xuất container qua Trung Quốc với số lượng lớn nhanh hơn so với chia từng đơn hàng cho các siêu thị. Điều này đã khiến nông sản Việt mất đi cơ hội tiêu thụ với sức mua lớn từ thị trường trong nước, trong đó đáng tiếc nhất là mất đi một kênh tiêu thụ ổn định trước những rủi ro của thị trường xuất khẩu.

Thay đổi tư duy về thị trường

Không thể phủ nhận những giá trị kinh tế to lớn của xuất khẩu nông sản nhưng trước những biến động khôn lường trong giao thương hàng hóa từ tác động của dịch bệnh Covid-19 một lần nữa cho chúng ta thấy, việc tập trung quá nhiều vào một vài thị trường xuất khẩu trọng điểm luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Chính vì vậy, trước khi thúc đẩy xuất khẩu, cần tập trung vào thị trường trong nước với sức mua của hơn 97 triệu dân là việc cần định hình rõ nét.

Thực tế, đã có những doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu và tập trung vào phân khúc chất lượng cao của thị trường nội địa. Đơn cử như Công ty TNHH Toản Xuân ở xã Yên Lương (huyện Ý Yên, Nam Ðịnh) nhiều năm qua đã tập trung sản xuất lúa trên diện tích ruộng lớn. Công ty đầu tư lò sấy cùng dây chuyền xay xát gạo công nghệ hiện đại, bảo đảm khép kín từ sản xuất, thu hoạch đến chế biến, đóng gói và tiêu thụ với nhãn hiệu “gạo sạch Toản Xuân Nam Định”, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn”. Điều đáng nói là lượng gạo thành phẩm hoàn toàn được tiêu thụ tại thị trường nội địa. Nói về câu chuyện này, Giám đốc Công ty Trần Quốc Toản cho biết: Khi thấy gạo Thái-lan, gạo Cam-pu-chia “phủ sóng” tại thị trường Việt Nam, lấn át các loại gạo trong nước, tôi thấy rất tiếc. Chính vì vậy khi bắt tay vào làm lúa tôi đã xác định tập trung tốt vào khâu khai thác thị trường nội địa. Nhiều năm qua, chúng tôi “sống khỏe” nhờ thị trường này vì mức tiêu dùng theo chiều hướng tăng dần, và đặc biệt giá gạo luôn ổn định, hầu như không bị tác động bởi nhiều yếu tố ngoại cảnh như gạo xuất khẩu. Cũng tập trung vào thị trường nội địa, Công ty TNHH sản xuất và thương mại ATK Việt Nam (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội) cũng thực hiện quy trình sản xuất và chế biến rau, củ, quả khép kín. Theo đó, Công ty đẩy mạnh khâu chế biến bột rau củ sấy chuyên dùng cho trẻ em ăn dặm, sản phẩm thải độc cho người lớn và các sản phẩm dinh dưỡng cho người bệnh. Tất cả những sản phẩm này đều được bán tại thị trường nội địa. Giám đốc Công ty Nguyễn Thị Thu chia sẻ: Những sản phẩm của chúng tôi bước đầu đã được thị trường đón nhận, tuy số lượng chưa nhiều nhưng đều đặn. Đặc biệt là khi tập trung vào thị trường nội địa, Công ty cũng bớt phải ứng phó với biến động từ thị trường xuất khẩu.

Có thể thấy, mỗi doanh nghiệp có một cách tiếp cận riêng với thị trường nội địa. Song điều dễ nhận thấy là nếu đi đúng hướng thì việc tiêu thụ hàng hóa không còn là bài toán đau đầu, mà ngược lại khá ổn định trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, để có nhiều hơn nữa các đơn vị tham gia vào chuỗi tiêu thụ nông sản trong nước, thì rất cần đến các chủ trương, chính sách của các địa phương sản xuất nông nghiệp trọng điểm. Cụ thể, từ hiện trạng sản xuất của địa phương mình, các Sở Công thương nên có chương trình làm việc với hệ thống Tập đoàn, siêu thị, Trung tâm thương mại về việc kết nối, hỗ trợ, đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân theo từng mùa vụ. Việc này phải được thực hiện chủ động, theo kế hoạch, chứ không phải đến khi tồn hàng, cần “giải cứu” mới quyết liệt triển khai. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng nên thay đổi tư duy kinh doanh, không chỉ tập trung hết tiềm lực cho xuất khẩu mà chú trọng hơn nữa vào việc khai thác tiềm năng, lợi thế từ thị trường trong nước, nhất là trong bối cảnh điều kiện kinh tế của người dân ngày càng được nâng cao, cùng với nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao, có truy xuất nguồn gốc không ngừng tăng lên, thậm chí còn được coi là “tín chỉ” cho sự lựa chọn của rất nhiều khách hàng.