Quan trọng nhưng vẫn bị xem nhẹ

Vì sao tai nạn lao động lại tăng nhanh, năm sau cao hơn năm trước? Một trong những “thủ phạm” của tình trạng này đã được các chuyên gia chỉ ra, đó là công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đang bị buông lỏng quản lý, nhiều doanh nghiệp “làm cho có”, đối phó, thậm chí gian dối.

Quan trọng nhưng vẫn bị xem nhẹ

Trong khi đó, theo Bộ luật Lao động và Luật An toàn vệ sinh lao động, huấn luyện an toàn lao động (ATLĐ) đã trở thành quy định bắt buộc phải thực hiện để cung cấp, trang bị các kiến thức và kỹ năng thực hành cho người sử dụng lao động và người lao động về trách nhiệm và nghĩa vụ, chính sách, pháp luật, nghiệp vụ công tác ATLĐ, các yếu tố nguy hiểm, các quy trình, biện pháp ứng phó, xử lý sự cố... Nhưng thực tế thì sao?

“Ăn bớt” thời gian, huấn luyện qua quýt

Diệp Lan làm công nhân may ở một nhà máy ở Đông Anh (Hà Nội). Từ Nghệ An ra, vốn quen với lam lũ ruộng đồng, chỉ qua ít ngày được hướng dẫn đã ngồi ngay vào máy may công nghiệp. Hôm đó, tranh thủ giờ nghỉ trưa, lãnh đạo công ty tập hợp công nhân để được huấn luyện lao động trên máy chiếu. Chỉ khoảng mười phút “huấn luyện” qua máy chiếu với sự thuyết minh của một người do công ty thuê về, Lan cùng các công nhân khác chưa kịp hiểu gì thì “khóa học” đã kết thúc. Ai cũng hiểu, đó chỉ là cách làm đối phó với sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Mặc dù ít ngày sau đó, một tai nạn lao động đã xảy ra ở phân xưởng là hơi, nhưng năm sau, công tác huấn luyện lao động vẫn diễn ra qua quýt trên máy chiếu trong 15 phút nghỉ trưa để “ăn bớt” thời gian, tiết kiệm tối đa chi phí. Trong khi đó, theo Quy định về việc huấn luyện ATVSLÐ, người lao động phải được tham gia huấn luyện phải từ tám đến 16 tiếng.

Thực trạng này khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp, thậm chí theo Hội Khoa học kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động Việt Nam trong nhiều chuyến tham gia cùng Bộ LĐ-TB&XH đi kiểm tra về quy trình huấn luyện ATLĐ cho thấy, nhiều đơn vị tham gia huấn luyện nhưng giảng viên lại không hiểu, không biết nhiều về quy trình hoạt động của máy móc. Ông Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai - một trong những địa phương có rất nhiều khu công nghiệp cho biết: “Qua kiểm tra, thanh tra phát hiện rất nhiều nơi huấn luyện ATVSLĐ không bảo đảm. Hồ sơ huấn luyện rất đầy đủ. Nhưng thời gian huấn luyện chỉ 30 phút hoặc một giờ thì làm sao bảo đảm. Doanh nghiệp tranh thủ thời gian công nhân ăn trưa đến gắn máy chiếu vào và nói vài câu. Sau đó cấp cho một bộ hồ sơ hoàn chỉnh”.

Tình trạng này cũng diễn ra nhiều trên địa bàn ở TP Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng phòng Việc làm và ATLĐ (Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh), cho biết việc “ăn bớt” thời gian huấn luyện khiến nguy cơ TNLĐ càng cao.

Theo Bộ LĐ-TB&XH mặc dù từ năm 2013 đến nay, bình quân mỗi năm có khoảng 4,5 - 5 triệu lao động được huấn luyện - tăng gấp 10 lần so với trước đây, nhưng vẫn còn khoảng cách quá lớn so với yêu cầu thực tế. Đặc biệt, từ ngày 1-7-2016, các đối tượng huấn luyện theo quy định của Luật ATVSLĐ được mở rộng đến khu vực không có quan hệ lao động với khoảng hơn 35 triệu người, nâng tổng số lao động cần huấn luyện lên khoảng 55 triệu người. Mở rộng như vậy nhưng chất lượng huấn luyện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, nội dung huấn luyện chưa gắn với thực tiễn tại nơi làm việc; tình trạng mua bán giấy chứng nhận huấn luyện vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Nhiều vụ TNLĐ xảy ra do người lao động không tuân thủ quy trình làm việc, điều này có nguyên nhân từ công tác huấn luyện lao động bị xem nhẹ, buông lỏng. Thống kê hằng năm, TNLĐ do nguyên nhân công tác huấn luyện ATVSLĐ không tốt chiếm khoảng 15% tổng số TNLĐ. Trong các nguyên nhân gây ra TNLĐ như: không nhìn thấy, không lường trước; thiết bị, môi trường làm việc không tốt; hành vi không an toàn, thì nguyên nhân đến từ hành vi không an toàn chiếm tới 73% các TNLĐ.

Riêng năm 2017, Cục An toàn lao động cũng đã phối hợp với Thanh tra Bộ thực hiện kiểm tra khoảng hơn 40 tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ. Đồng thời phối hợp với Sở LĐ-TB&XH các địa phương tổ chức sáu đoàn kiểm tra tại 30 doanh nghiệp và hơn 20 tổ chức hoạt động kiểm định; tập trung kiểm tra đối với các cơ sở hoạt động huấn luyện ATVSLĐ và kiểm định kỹ thuật ATLĐ. Qua kiểm tra đã thu hồi 78 kết quả kiểm định kỹ thuật ATLĐ và yêu cầu các tổ chức hoạt động kiểm định nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật, quy trình kiểm định trong quá trình cung cấp dịch vụ kiểm định kỹ thuật ATLĐ”.

Chấn chỉnh tình trạng bát nháo trong huấn luyện lao động

Ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh: “Pháp luật về ATVSLĐ được coi là lưới an sinh “đỡ” cho người lao động với quy định đủ rộng và chắc. Điều 12 Luật An toàn vệ sinh lao động quy định: “Nếu có TNLĐ gây chết người, cơ quan chức năng điều tra phát hiện có nguyên nhân từ sự gian dối trong huấn luyện thì có thể bị xử lý hình sự”. Mặc dù vậy, thực tế khảo sát phát hiện nhiều doanh nghiệp chủ động yêu cầu đơn vị huấn luyện cung cấp dịch vụ huấn luyện với thời gian, mức chi phí thấp hơn quy định.

Hiện nay có khoảng 320 đơn vị tham gia công tác huấn luyện ATLĐ. Trong đó, 50% là các đơn vị tư nhân và các trung tâm kiểm định, còn lại là các đơn vị nhà nước và các trường nghề. Tuy nhiên, trong đó có nhiều đơn vị không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, sẵn sàng bắt tay thỏa hiệp với doanh nghiệp để huấn luyện ATVSLĐ một cách đối phó. Vì chưa có mức giá huấn luyện ATVSLÐ, nên để “cạnh tranh”, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ này đưa ra những gói huấn luyện giá rẻ chỉ từ ba đến bốn triệu đồng, dẫn đến chất lượng không cao. Nhiều nơi chỉ gọi công nhân đến chụp ảnh cho vào hồ sơ, nhằm “qua mặt” các cơ quan chức năng. Mặt khác, các DN lợi dụng các đơn vị cung cấp dịch vụ kém chất lượng để giảm giờ học của người lao động và trả ít tiền.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng phòng Việc làm và ATLĐ (Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh) bức xúc cho rằng, để kiểm soát tình trạng bát nháo trong huấn luyện ATVSLĐ ở doanh nghiệp thì sở và phòng LĐ-TB&XH phải kiểm tra, rà soát trên giấy tờ, đồng thời phải có hồ sơ lưu giữ. Khi đi thanh tra, kiểm tra, cán bộ phải hỏi trực tiếp người lao động những tình huống đã được đưa ra trong giáo trình huấn luyện. Nếu người lao động không trả lời được sẽ biết ngay công tác huấn luyện ATVSLĐ đang có vấn đề.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng khẳng định, Bộ sẽ chấn chỉnh ngay tình trạng vi phạm về ATVSLĐ đang diễn ra rất phổ biến, bảo đảm thực hiện đúng quy định trong huấn luyện ATVSLĐ. Ông Dũng nhấn mạnh: “Với những đơn vị không bảo đảm thời gian, chất lượng, chương trình phải yêu cầu dứt khoát không cấp phép hoạt động. Nếu đơn vị nào cố tình móc nối với doanh nghiệp mà phát hiện được sẽ xử lý mạnh, kể cả rút giấy phép và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không thể để kéo dài tình trạng vi phạm trong huấn luyện ATVSLĐ vì nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng, an toàn của con người”.

Chẳng biết, với sự khẳng định mạnh mẽ từ phía lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH thì sang năm công ty may của nữ công nhân Diệp Lan có huấn luyện ATVSLĐ qua máy chiếu trong 15 phút nghỉ trưa nữa hay không, chỉ biết, qua hai lần “huấn luyện” Lan hầu như không nắm được nội dung gì, và vì thế nguy cơ mất ATLĐ vẫn rình rập cô và nhiều người khác.