“Ô nhiễm trắng” hiện hữu

Ngày nay, việc sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nhựa, túi ni-lông đã trở nên phổ biến trong đời sống hằng ngày của con người. Tuy nhiên, do tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt (trong đó có chất thải nhựa và túi ni-lông) ở nước ta chưa đạt so với mục tiêu đã đề ra. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa, túi ni-lông tiếp tục gia tăng thời gian qua.

Rừng cây khô biến thành bãi rác ở biển Quất Lâm (Nam Ðịnh).
Rừng cây khô biến thành bãi rác ở biển Quất Lâm (Nam Ðịnh).

Tiện nhưng hại

Cũng như nhiều người nội trợ khác, bác Nguyễn Thị Hương (quận Hà Đông, TP Hà Nội) ngày hai buổi đi chợ mua thực phẩm phục vụ sinh hoạt gia đình. Mỗi ngày đi chợ, gia đình bác Hương thải bỏ ra môi trường ít nhất từ ba đến năm túi ni-lông đựng thực phẩm, rau, củ, quả. Theo bác Hương: Ngày trước hồi còn bao cấp mỗi lần đi chợ tôi thường mang làn hay túi vải để đựng thực phẩm, cũng khá lích kích. Còn bây giờ ra chợ mua bất cứ thứ gì đều được người bán hàng đựng vào túi ni-lông dùng một lần, sử dụng xong chỉ cần bỏ vào thùng rác là xong. Cho nên, túi ni-lông ngày càng phổ biến với người dân ở các đô thị và thành phố lớn, đặc biệt trong các khu chợ dân sinh. Với nhiều năm kinh doanh các mặt hàng khô tại chợ Hà Đông (quận Hà Đông, Hà Nội), chị Phạm Thị Bích cho biết: “Dùng túi ni-lông để hàng quá tiện cho người bán hàng như chúng tôi. Nhưng chính vì thế thành ra nhiều người lạm dụng. Chẳng hạn nhiều loại thực phẩm khô có thể đựng chung vào một túi cho tiết kiệm, song nhiều khách hàng vẫn đòi đựng riêng từng loại một. Hiện nay, trung bình mỗi ngày ki-ốt của tôi sử dụng từ 400 đến 500 túi ni-lông các loại để đựng thực phẩm cho khách hàng...”.

Cuộc cánh mạng khoa học - kỹ thuật những năm giữa của thế kỷ 20 đã mang tới cho nhân loại nhiều sản phẩm mới có giá trị, trong đó có nhựa. Nhựa đã nhanh chóng đi vào đời sống con người ở mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, việc lạm dụng quá mức cộng với khả năng thu gom, tái chế, tái sử dụng không tương thích khiến chất thải nhựa tràn lan trong môi trường, gây nên “ô nhiễm trắng”. Các nhà khoa học cho biết, chất thải nhựa có thể tồn tại rất lâu trong môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước. Chẳng hạn như túi ni-lông dùng làm bao bì khi thải bỏ kể cả được thu gom đưa đi chôn lấp thì túi ni-lông lẫn vào đất vẫn tồn tại hàng trăm năm gây hại cho đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng. Túi ni-lông còn làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng sản sinh nhiều vi khuẩn gây bệnh cho con người. Còn khi đốt chúng nếu không có biện pháp quản lý tốt khí thải độc sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Dọc dài đất nước, rác thải nhựa dùng một lần: túi ni-lông, chai nước nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thức ăn vứt la liệt trên nhiều bãi biển, điểm du lịch nổi tiếng đã không còn là chuyện hiếm thấy. Sau mỗi lễ hội, sự kiện lớn diễn ra ở sân vận động, các phố đi bộ cũng tràn ngập rác trong đó túi ni-lông chiếm phần lớn. Vừa qua, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng đã có chuyến đi từ bắc vào nam chụp ảnh rác thải, trong đó có những bức ảnh khiến mọi người phải choáng váng, đau lòng: những dòng kênh, những vạt rừng ngập mặn, những bờ biển... ken đặc, ngập ngụa rác thải nhựa. Trên một hòn đảo nhỏ, người dân không hề có chỗ thu gom rác thải mà đổ trực tiếp xuống biển.

Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới hiện đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa ngày một gia tăng. Nguồn chất thải nhựa chủ yếu phát sinh từ sinh hoạt cá nhân, hộ gia đình, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, y tế, xây dựng... Đáng chú ý, mức tiêu thụ nhựa ở Việt Nam bình quân tăng từ 3,8kg/người/năm (năm 1990) lên 41kg/người/năm vào năm 2015. Mặc dù lượng rác thải nhựa ngày càng tăng, nhưng phần lớn chưa được thu gom và xử lý đúng quy định. Số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cho thấy: Trung bình mỗi ngày TP Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 6.000 tấn rác, trong đó rác thải ni-lông chiếm từ 7% đến 8%. Theo tính toán của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, nếu khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi ni-lông không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, thì lượng chất thải nhựa và túi ni-lông thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm. Điển hình như tại TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày trên toàn thành phố có khoảng 30 tấn túi ni-lông được sử dụng trong các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; từ 34 đến 60 tấn/ngày từ các hộ dân. Tuy nhiên, hầu như chúng đều được phát thải ra môi trường. Đây được coi là một trong những nguyên nhân gây ngập úng và ô nhiễm môi trường tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện nay.

Đáng lo ngại, Việt Nam hiện là nước có chất thải nhựa xả ra biển nhiều thứ tư trên thế giới, với khối lượng thải ra Biển Đông dao động trong khoảng từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm (tương đương 6% tổng lượng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới). Nguy cơ ô nhiễm từ rác thải nhựa trên biển là hiện hữu.

“Ô nhiễm trắng” hiện hữu ảnh 1

Chung tay dọn rác ở bờ biển. Ảnh | NGUYỄN VIỆT HÙNG

Còn nhiều thách thức

Trước nguy cơ chất thải nhựa, nhất là túi ni-lông sẽ trở thành gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa “ô nhiễm trắng”, thời gian qua Chính phủ, Bộ TNMT, các bộ, ngành có liên quan đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao công tác quản lý chất thải nhựa và túi ni-lông tại Việt Nam như: Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó đã nêu nhóm, nội dung, biện pháp hướng tới mục tiêu nâng tỷ lệ CTR được thu gom, tái chế, tái sử dụng; giảm dần sản xuất và sử dụng túi, bao khó phân hủy (trong đó có nhựa và túi ni-lông); Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni-lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020; hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng túi thân thiện với mỗi trường như miễn thuế bảo vệ môi trường, hỗ trợ vốn cho cơ sở sản xuất túi ni-lông thân thiện với môi trường...

Tuy vậy theo Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân: Hiện nay, tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt, trong đó có chất thải nhựa và túi ni-lông ở nước ta chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đã đề ra. Cụ thể: tại khu vực nội thành của các đô thị thu gom trung bình đạt khoảng 85%; lượng CTR sinh hoạt nông thôn được thu gom khoảng 55% so với lượng CTR sinh hoạt phát sinh. Đáng lo ngại, mỗi năm hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải nguy hại, chủ yếu là bao bì, chai, lọ bằng nhựa chứa thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có không ít loại thuốc độc hại cao đã bị cấm sử dụng. Những loại chất thải nguy hại nêu trên thường có tính độc hại rất cao, phát tán nhanh trong môi trường nước, rất dễ bay hơi và khuếch tán trong không khí, nếu không có những biện pháp xử lý hiệu quả và triệt để sẽ gây ra những tác động đến môi trường sống rất lớn. Ngoài ra, nhận thức của người dân trong thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt, đặc biệt là chất thải nhựa và túi ni-lông còn nhiều hạn chế, thói quen sử dụng túi ni-lông còn phổ biến. Do túi ni-lông thân thiện với môi trường giá thành còn cao, nên người dân hiện nay, nhất là khu vực nông thôn vẫn sử dụng túi ni-lông truyền thống...

Các chuyên gia, các nhà quản lý trong lĩnh vực đều chung nhận định: Hiện nay, CTR sinh hoạt (trong đó có chất thải nhựa, túi ni-lông) được giao từng phân đoạn quản lý cho các bộ, ngành, địa phương cùng tham gia quản lý nên vẫn còn có sự bất cập, chưa thống nhất và đồng bộ trong quản lý chất thải từ trung ương tới địa phương. Cụ thể như: Bộ TNMT thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, nhưng một số nội dung về: Hướng dẫn quản lý đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTR sinh hoạt theo quy hoạch phê duyệt; phương pháp lập, quản lý chi phí và phương pháp định giá xử lý dịch vụ xử lý CTR sinh hoạt; công bố định mức kinh phí, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt; suất vốn đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTR lại được giao cho Bộ Xây dựng thực hiện, dẫn đến Bộ TNMT khó thống nhất quản lý Nhà nước về CTR. Hoặc, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ TNMT thẩm định công nghệ xử lý CTR sinh hoạt mới được nghiên cứu và áp dụng lần đầu ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tế phát sinh vấn đề đối với công nghệ không phải áp dụng lần đầu thì chưa được Bộ nào chịu trách nhiệm thẩm định công nghệ. Bên cạnh đó, Nghị định số 36/2017/NĐ- CP của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ TNMT lại giao trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện thẩm định, kiểm tra, đánh giá công nghệ xử lý chất thải cho bộ...

Ngoài ra, cơ chế thúc đẩy xã hội hóa công tác thu gom, xử lý CTR sinh hoạt còn thiếu và chưa thu hút được các nguồn lực đầu tư. Hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý tại các khu vực nông thôn còn mang tính chất cộng đồng, cho nên chưa thúc đẩy được tính chuyên nghiệp của các tổ chức dịch vụ, hợp tác xã, công ty dịch vụ môi trường. Trong khi đó, việc xây dựng các cơ sở xử lý chất thải hiện đại, bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt hợp vệ sinh đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn, nhiều địa phương không đủ nguồn vốn đầu tư cho việc xử lý chất thải rắn tập trung. Nguồn ngân sách của Nhà nước hỗ trợ cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý thấp, nhất là nhiều địa phương chưa ban hành các cơ chế, chính sách, đơn giá dịch vụ môi trường phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư cho việc thu gom, xử lý CTR tại địa phương mình...