Nghề... nghe chửi, uống gió, ăn bụi và dễ đi tù!

Vội vã đứng dậy nhấn các nút trên bảng điều khiển báo hiệu đèn nháy, tất tưởi cầm cờ, đèn hiệu, đội mũ cối, người nhân viên ra kéo gác chắn đường sắt. Khoảng 10 phút sau, một đoàn tàu lừng lững chạy tới, lao đi sầm sập. Chiếc điện thoại và cuốn sổ nhật ký ghi chép lịch trình tàu chạy chính là “người bạn” thân thiết. Dù nắng như thiêu như đốt hay ngày đông lạnh cắt da cắt thịt, những nhân viên gác chắn đường ngang đều phải trực đủ 12 tiếng, không chợp mắt nghỉ bất cứ giây phút nào, bảo đảm thông suốt cho những chuyến tàu tới trạm kế tiếp bình an.

Chị Nguyễn Thị Tâm trong ca trực của mình.
Chị Nguyễn Thị Tâm trong ca trực của mình.

Uống gió, ăn bụi

6 giờ sáng, trong căn chòi rộng hơn 10m2, sau khi hoàn tất thủ tục nhận ban, chị Nguyễn Thị Hồng Hà, trạm gác chắn Định Công, Đội gác chắn đường ngang Giáp Bát bắt đầu ca làm việc trong ngày. Theo quy định của nghề này, khi đã lên ban, công nhân gác chắn không được rời nhiệm sở. Công việc chính của họ là nghe điện thoại trực ban, ghi chép cẩn thận giờ tàu đến và căn giờ kéo giàn chắn để bảo đảm đoàn tàu vượt qua mà không gặp chướng ngại nào. Vì thế nên dù chòi gác cách nhà không xa, mâm cơm của gia đình chị ít khi được đông đủ. Mỗi ca trực kéo dài 12 tiếng, trung bình có khoảng 25-30 chuyến tàu ngược xuôi. Vì đặc thù công việc nên khi làm ca đêm, nhiều nhân viên phải thức trắng, có những lúc buồn ngủ quá thì pha trà đặc, uống cà-phê hoặc đi vào nhà vệ sinh rửa mặt để giữ mình luôn tỉnh táo. Công việc thường ngày không quá phức tạp, nhưng điều khiến những người gác chắn cảm thấy áp lực nhất là thái độ và ý thức của những người đi đường.

Giọng hơi nghèn nghẹn, chị Hà kể lại, lắm khi tàu sắp đến, dù đã phát chuông báo tại chốt, rồi ra hạ barie mà người dân vẫn cố chèn lên, vượt qua đường ray. Nhắc nhở thì họ quay ra chửi bằng đủ thứ lời nặng nề nhất. Vẫn nhớ như in khuôn mặt sưng xước thâm tím, vào buổi sáng tháng 4-2016, chị Hà đã bị một người lái xe ô-tô hành hung khi đang thao tác đóng chắn Định Công (Km4+300) tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Lái xe cố tình lách qua đường ngang hướng từ phố Định Công ra đường Giải Phóng dẫn đến va quệt với xe máy. Sau đó, lái xe này quay lại chửi bới và đấm vào mặt chị. Nhiều người đi đường chứng kiến sự việc đã lên tiếng phản đối, lái xe này bỏ đi sau khi buông lại những lời đe nẹt các nhân viên gác chắn: “Thời điểm đó, tôi đang mang thai sáu tháng, lúc bị đánh, chỉ thấy lo lắng cho đứa con trong bụng. Khi được đưa vào viện thăm khám, dù đau nhưng thở phào nhẹ nhõm và tự nhủ ông trời đã thương khi chỉ bị xây xát bên ngoài, con tôi không bị ảnh hưởng”, chị Hà chia sẻ. “Nghề này bọn em toàn tự gọi nhau là nghề phải nghe chửi. Đóng chắn sớm dân cũng chửi, đóng muộn dân cũng mắng. Mấy anh đồng nghiệp nam còn đỡ, chứ chị em nữ thậm chí còn bị dọa đánh. Nhưng mãi rồi cũng quen”, Hà cười nhỏ. Vất vả là vậy nhưng thu nhập của những người làm nghề gác chắn tương đối thấp. Với gần 10 năm trong nghề, thu nhập một tháng của Hà chỉ khoảng 4 triệu đồng. “Làm nghề này dễ đi tù lắm. Ai biết trước được điều gì, không may có chuyện xảy ra thì mình là người đầu tiên chịu trách nhiệm. Dù kinh nghiệm cũng nhiều, nhưng vẫn phải đề phòng những trường hợp bất ngờ, tốt nhất là phải làm hết mình đã”, chị Hà buột miệng nói nỗi niềm giấu kín.

Có tới 10 năm gác ghi tại điểm giao cắt đường Nguyễn Kiệm (phường 4, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh), nữ nhân viên gác chắn Nguyễn Thị Tâm nói về nghề của mình chỉ bằng một chữ Cực: “Cực lắm anh à. Người ngoài nhìn vô thì thấy chúng em nhàn, nhưng có làm thì mới biết. Đây là nghề phải uống gió, ăn bụi suốt ngày”. Nói đoạn, Tâm xòe ngay ra khẩu trang và chiếc áo khoác đồng phục ngoài của mình để “khoe” lớp bụi đã nhuộm mầu bạc phếch. Mỗi lần tàu chạy qua đây, người ngồi trong trạm còn thấy đất rung bần bật. Mấy chị em lại phải ra sát ray để giơ đèn và cờ hiệu, nên gió và bụi càng cuồn cuộn ập táp vào mặt theo tốc độ vun vút của đoàn tàu.


“Chẳng sợ ma mà chỉ sợ... người”

Đầu trọc lốc, gương mặt quắc thước, ăn to nói lớn và khá hóm hỉnh, anh Nguyễn Đào Việt Phương, Đội trưởng Đội gác chắn đường ngang Giáp Bát đã có thâm niên 30 năm trong nghề. Đội của anh quản lý tới 18 điểm giao cắt đường ngang đồng mức có gác từ Km2+925 (trạm gác chắn Trường Chinh - Ngã Tư Vọng) - Km11+325 (trạm gác chắn Ngọc Hồi). Đội có 110 cán bộ công nhân viên trong đó có tới 70% là nữ. 40% công nhân tại gác này là người ngoại tỉnh phải thuê nhà do đi làm xa. Trong năm 2016 chỉ riêng 12 ngày đã có tới 6 công nhân viên bị chửi bới, hành hung. Nhưng sau đó, họ lại tiếp tục lên ban và làm tiếp công việc như chưa có chuyện gì xảy ra. Vì thế, từ đầu năm 2017 đến nay, đã có 10 công nhân viên gác chắn chấm dứt hợp đồng lao động trong đó đa phần là người trẻ, có thời gian làm ngắn (từ 2-7 năm) với nguyên nhân là áp lực công việc cao, lương thấp, chưa kể hay bị ăn chửi, dọa đánh.

“Công nhân viên gác chắn là những người điềm đạm và nhẫn nhịn bậc nhất, đôi khi có người bảo là “lỳ lợm”. Nếu mình không yêu nghề thì khó mà trụ lại”, anh Phương ví von. Theo anh Phương, tổng thu nhập bình quân của nhân viên gác chắn chỉ chừng 4,6 triệu đồng/tháng, nếu trừ tiền phí đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đoàn thể công đoàn... thì cầm về được bốn triệu đồng với điều kiện làm đủ 21 ca trong tháng. Ngay cả người được coi là “lão làng” như chị Nguyễn Thị Tâm với 10 năm uống gió, ăn bụi thì mức lương cũng không khá hơn là mấy. Sau chẵn một thập kỷ gắn với các trạm gác, chị được hưởng lương bậc 2 với số tiền khoảng 4-5 triệu chưa tính tăng ca. “Tăng ca của ngành đường sắt vất vả hơn các nghề khác rất nhiều vì một ca kéo dài tới 12 tiếng. Nhiều lúc mệt đến muốn ngủ một chút nhưng vẫn phải cố thức để đảm bảo an toàn”, chị Tâm thoáng mệt mỏi. Dẫu vậy, chị Tâm vẫn cặm cụi gắn với những ray tàu. Chị bảo, cũng có lúc cảm thấy yếu lòng, muốn bỏ nghề đi làm gì đó khác nhưng lại không thể. Những người như chị đã quá quen với nhịp điệu của những chuyến tàu lại qua, quen với gió và bụi... Tuy thế, chị Tâm vẫn tiết lộ: “Ở đây, chuyện ra đón tàu vào mất điện thoại, ví và tư trang không hiếm. Chúng tôi chẳng sợ ma, chỉ sợ người”... Đối với những người như chị Hà, chị Tâm, khoảng thời gian đáng sợ nhất là mỗi dịp Tết đến, xuân về. Do đặc thù công việc, nên càng vào giai đoạn này, họ càng phải trực tăng cường. Quê thì ở xa, người thân không ở cạnh, chị em ngồi thu lu trong căn phòng tuềnh toàng nhìn nhau mà ứa nước mắt.

Theo ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hiện ngành đường sắt có tới 4.000 nhân viên gác chắn tại gần 1.700 đường ngang trong đó có hơn 600 đường ngang có gác chắn ngày đêm. Đường ngang có gác vẫn tồn tại là chưa có điều kiện hiện đại hóa nên phải có người túc trực gác chắn tàu. “Nhân viên đường sắt có nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông là số một. Hành động xâm phạm, hành hung nhân viên đường sắt của các đối tượng đi đường là không thể chấp nhận. Do đó, nghề lái tàu, gác chắn, tuần đường của đường sắt phải đưa vào nghề nguy hiểm, nhất là trong tình trạng hiện nay tính mạng nhân viên đường sắt có thể bị xâm hại bất cứ lúc nào”, ông Hoạch nhìn nhận.

Và, trong lúc chờ đường sắt tốc độ cao, chờ dẹp bỏ hoàn toàn các đường ngang giao cắt đồng mức với đường bộ, những công nhân gác chắn như chị Hà, chị Tâm sẽ vẫn phải lao ra đường, đối mặt với những lời đe dọa, chửi bới và hành hung mỗi ngày để tự tìm câu trả lời cho câu hỏi: Liệu có bao nhiêu người đủ sức chịu đựng, đủ lòng yêu nghề để có thể trụ lại với công việc, trong bối cảnh đồng lương bèo bọt để canh ghi, gác cho mỗi chuyến tàu ngược xuôi.