Gập ghềnh lối về

Đấu tranh chống TPMT vô cùng khốc liệt, hiểm nguy luôn rình rập thì con đường giúp người nghiện giã từ ma túy cũng gập ghềnh, gian nan không kém vì phải đối mặt muôn vàn khó khăn, chưa có phác đồ điều trị người nghiện MTTH.

Gập ghềnh lối về

Khó trăm bề

Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy (CNMT) Thanh Đa (TP Hồ Chí Minh) bắt đầu điều trị cho người nghiện MTTH từ năm 2005 với bốn học viên, năm qua có tới gần 700 (chiếm gần 60% tổng số học viên), trong đó 1/5 phải chuyển bệnh viện tâm thần khám và điều trị hóa dược. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy - Giám đốc trung tâm, người nghiện heroin rối loạn tâm thần không rõ ràng và muộn hơn, thiếu heroin thường đau nhức xương khớp, mệt mỏi, cảm giác dòi bò trong xương, ói mửa, tiêu chảy... nên động viên đi cai dễ dàng hơn, quản lý, giáo dục ít phức tạp hơn người nghiện MTTH (hội chứng cai nhẹ, không có biểu hiện rõ rệt, có thể che giấu một thời gian dài gia đình mới biết; thường chống đối không chịu đi cai). Ngoài phản ứng tâm lý, trạng thái nhiễm độc, lú lẫn tâm trí, người nghiện MTTH còn bị loạn tâm thần như hoang tưởng, ảo thanh, ảo giác, ảo thị, biểu hiện sợ hãi, rối loạn hành vi, nhân cách, nếu nghiện kép cả heroin càng nguy hiểm, thời gian điều trị càng lâu. Do không có thuốc điều trị đặc hiệu, người nghiện MTTH chỉ có thể phục hồi tương đối tổn thương hệ thống não bộ bằng cách cắt cơn, giải độc, nâng cao sức khỏe, điều trị bệnh cơ hội và giáo dục, điều chỉnh, phục hồi nhận thức, hành vi nhưng để quên và không còn thèm nhớ ma túy thì rất khó thực hiện.

Anh Đinh Văn Tuân, cán bộ cơ sở CNMT Gia Minh (Hải Phòng) chia sẻ nỗi khổ bởi nhiều học viên tìm mọi cách bất hợp tác. Ngáo đá, họ nói toàn chuyện trên mây trên gió như khoe đang ở cõi niết bàn, hay quen biết rộng nhiều sếp to, hùng hổ đe đặt mìn, giật đổ nhà cán bộ; hung hăng hành hung bạn nghiện, đập phá giường tủ. Một lần, anh Tuân cùng năm cán bộ mãi mới khống chế một học viên to khỏe, lực lưỡng ngáo đá nặng, từng cởi hết quần áo nhảy lầu và đánh cha mẹ, sau này mới biết anh ta kháng cự quyết liệt vì lúc người nhà đưa đi cai lại lầm tưởng đang đưa ra pháp trường xử bắn! Một học viên khác đang tưới cây bất ngờ gào thét “sao không cho tôi về” rồi ném cốc nước vào đầu, anh Tuân nhanh trí né kịp. Trường hợp nghiện nặng phải điều trị ba tháng mới tạm ổn, còn với học viên trầm cảm, không thiết sống, cán bộ phải canh chừng 24/24 giờ đề phòng họ tự tử. Bác sĩ Nguyễn Hà Anh, cơ sở CNMT tự nguyện Bạch Đằng bộc bạch, người vào cai ký cam kết nếu phá hỏng đồ đạc phải đền nên họ đỡ phá phách hơn các cơ sở công lập, nhưng chuyện đánh nhau, chửi bới, không chấp hành y lệnh, kêu gào đòi ra ngoài cũng không hiếm, buộc phải cho uống thêm thuốc điều trị, đưa vào phòng cách ly. Gia đình hết cách, niềm hy vọng cuối cùng trông chờ vào cơ sở CNMT nên các cán bộ tận tâm, nỗ lực hết sức. Không chỉ linh hoạt giao tiếp, khéo léo xử lý tình huống, họ luôn rèn “chữ nhẫn”, không bức xúc tránh chuyện bé xé ra to vì học viên gây sự thường do ma túy xúi bẩy. Nhiều cán bộ chia sẻ, lúc mới vào làm giáp mặt toàn đối tượng dặt dẹo, xăm trổ không tránh khỏi e ngại, xác định chỉ công tác tạm thời nhưng riết thành quen, lại gắn bó, yêu nghề. Nhiều cơ sở cũng năng động xoay sở để học viên có môi trường cai nghiện tốt nhất.

Công việc vất vả, bù lại ở cơ sở cai nghiện tư nhân, mức lương cán bộ tương đối ổn, còn cơ sở CNMT công lập thường đóng ở vùng sâu vùng xa, môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều rủi ro, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng nên khó thu hút nhân lực. Cục trưởng PCTNXH Nguyễn Xuân Lập băn khoăn, nhiều cơ sở CNMT nhiều năm không tuyển được bác sĩ, thiếu cán bộ tư vấn tâm lý được đào tạo, có kỹ năng tư vấn về pháp lý và tâm lý, đặc biệt là nghiệp vụ điều trị rối loại tâm thần do sử dụng MTTH; thiếu cán bộ quản lý ca, quản lý trường hợp. Thấu hiểu công việc nhọc nhằn, hiểm nguy luôn rình rập (có cán bộ đã bị phơi nhiễm HIV), Ban Giám đốc cơ sở CNMT Gia Minh thường xuyên động viên anh em rằng tiền bạc tuy không nhiều nhưng gặt hái được thành quả là tình người, niềm vui, ân tình của học viên và người nhà họ với mình là vô giá, tuy nhiên vẫn có cán bộ dứt áo ra đi vì không vượt qua được nỗi lo “cơm gạo áo tiền”.

Thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện, mới chỉ có sáu tỉnh, thành phố tổ chức cai tại gia đình được 4.320 người nghiện, hiện có 28.208 học viên cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án. Cai nghiện tại cơ sở CNMT hiệu quả hơn (hiện cả nước có 120 cơ sở CNMT, các cơ sở cai nghiện bắt buộc được sắp xếp, quy hoạch, chuyển đổi thành cơ sở điều trị tự nguyện, cơ sở đa chức năng), tuy nhiên học viên dần vắng bóng bởi quy định về thủ tục đưa đi cai rườm rà, không khả thi. Nếu để người nghiện ở ngoài xã hội gây nhiều hệ lụy, thế nên trong bối cảnh đó, không ít địa phương đành “xé rào” bằng cách xây dựng quy chế lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo những tiêu chí đặc thù. Một số địa phương muốn làm trong sạch địa bàn lại đưa quá nhiều người nghiện MTTH vào cơ sở CNMT vốn đã xuống cấp dẫn đến quá tải về công suất (có nơi gấp bốn lần), cán bộ quản lý thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống, học viên không chấp hành nội quy, gây rối kích động bỏ trốn tập thể. Chưa kể, quản lý sau cai theo Luật Phòng, chống ma túy thực tế rất khó và không quản lý được, không có nhân sự hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện ở cộng đồng càng làm gia tăng áp lực. Phó Cục trưởng PCTNXH Lê Văn Khánh cho biết, một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy chưa tương thích với Luật Xử lý vi phạm hành chính như chính sách quản lý sau cai, người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi...

Gập ghềnh lối về ảnh 1

Học viên cơ sở cai nghiện ma túy Gia Minh (Hải Phòng) lao động sản xuất.

Tháo gỡ rào cản

Con số 90% tái nghiện cho thấy hiệu quả cai nghiện rất thấp. Thực tế cho thấy, nhiều người nghiện muốn từ bỏ nhưng không thoát khỏi cám dỗ, có trường hợp chặt ngón tay quyết tâm cai nhưng chỉ hai tháng sau tái nghiện. Hơn 15 năm qua, bác sĩ Hà Anh chứng kiến quá nhiều câu chuyện đau buồn, người nghiện đủ thành phần, lứa tuổi, có gia đình bố con, anh em đều dính nghiện, bán hết của nả mới vào cai, đa số cai vài đợt mới dứt bỏ. Trần Thế Giang đang cai ở cơ sở CNMT Bạch Đằng, mấy lần trước về nhà được ít hôm lại hút hít trở lại. Tiếc nuối vì quãng đời hoang phí đã qua, lần này Giang tự nhủ quyết tâm đoạn tuyệt heroin nhưng chẳng biết được bao lâu!

Đường về vốn gập ghềnh, quyết tâm của người nghiện và hỗ trợ của các cơ sở CNMT chưa đủ, cần sớm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về CNMT, chú trọng sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính, nghiên cứu hoàn thiện và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ CNMT tại cơ sở CNMT công lập theo hướng xã hội hóa: các đơn vị, cá nhân đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn được phép cung cấp dịch vụ (cơ quan quản lý xây dựng tiêu chí đánh giá), Nhà nước đặt hàng, cấp kinh phí theo số đối tượng được hưởng dịch vụ, cơ sở công lập và dân lập cạnh tranh bình đẳng thực hiện tốt dịch vụ nhằm thu hút khách hàng.

Cảnh báo của Liên hợp quốc cho thấy, làm tốt công tác dự phòng nghiện hiệu quả hơn nhiều khi đã để mắc nghiện, bởi can thiệp chỉ định đối với những người mới sử dụng, chưa bị lệ thuộc, mức độ tổn thương ở não chưa nghiêm trọng, tỷ lệ thành công từ bỏ ma túy rất cao. Do đó cần nghiên cứu xây dựng chính sách về dự phòng nghiện theo chuẩn quốc tế: người sử dụng ma túy phải tham gia chương trình can thiệp dự phòng (bằng cả hình thức tự nguyện và bắt buộc), qua sàng lọc, đánh giá mức độ mới sử dụng thì áp dụng các biện pháp nhằm chuyển biến nhận thức và thay đổi hành vi, nếu xác định đã mắc nghiện thì đưa đi cai. Và muốn giảm cầu hiệu quả không thể thiếu việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ CNMT, chủ động phòng, chống bỏ trốn, bạo loạn ở các cơ sở cai nghiện, tập trung tuyên truyền cho các đối tượng có nguy cơ cao để không phát sinh người nghiện mới.