Có một “ngân hàng” trao gửi sự sống

Có một “ngân hàng”, thường ở vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo, mà ở đó giao dịch không phải bằng tiền mà là nguồn máu của những người tình nguyện. Ngân hàng đó đã cứu sống nhiều sinh mạng và sẽ không bao giờ cạn vốn...

Phân tích các thành phần máu tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Ảnh | SONG TOÀN
Phân tích các thành phần máu tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Ảnh | SONG TOÀN

Được cứu sống nhờ “ngân hàng” đặc biệt

Vừ Sò - một chàng trai người Mông - phải đến cấp cứu ở bệnh viện đa khoa huyện vùng cao Đồng Văn (Hà Giang) trong tình trạng chảy máu chân răng kéo dài, thiếu máu nặng, bác sĩ chẩn đoán suy tủy và sau đó rơi vào trạng thái hôn mê, khó thở, chỉ số hồng cầu thấp đến mức báo động đỏ. Để cứu tính mạng của Sò, phải truyền máu cấp, nhóm máu B. Tuy nhiên, ở Bệnh viện Đồng Văn, chưa có trang thiết bị để lưu trữ và bảo quản máu, tất cả các đơn vị máu sử dụng tại huyện đều được vận chuyển từ thành phố Hà Giang (cách huyện Đồng Văn 150 km). Nếu chờ xe đưa máu vượt qua cao nguyên đá đến nơi thì e rằng bệnh nhân lành ít dữ nhiều. Trước tình hình đó, anh Nguyễn Văn Linh ở Ban Quản lý bảo vệ và phát triển rừng huyện Đồng Văn, thành viên CLB Ngân hàng máu sống (NHMS), nhóm máu B, đã xin phép cơ quan đi làm muộn, đến ngay huyện Đồng Văn và chìa cánh tay ra để bác sĩ lấy máu. Nhờ nguồn máu của anh Linh, Vừ Sò đã được cứu sống.

Ở những tỉnh biên viễn như Hà Giang, nhiều bệnh nhân đã không thể qua khỏi nếu thiếu đi “ngân hàng máu sống” của những người tình nguyện. Chị Thào Thị Thao (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) bị băng huyết và sảy thai, phải nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội thiếu máu nặng, da xanh, niêm mạc nhợt, thể trạng gầy yếu. Cần phải truyền máu gấp để cứu tính mạng của chị Thao. Nhưng bệnh viên không có nguồn máu dự trữ, ngay lập tức hai người tình nguyện, thuộc nhóm máu O của CLB Ngân hàng máu sống của huyện có mặt để hiến máu cứu chị Thao. Khi sắc mặt chị Thao hồng trở lại thì sắc mặt của cô gái trẻ Mỹ Duyên trở nên xanh lét vì vừa hiến đi một lượng máu không nhỏ. Nhưng Duyên cảm thấy hạnh phúc khi dòng máu nóng của mình giờ đang chy trong huyết qun ch Thao và cu sng sn ph đang cn k cái chết.

Truyền máu và hiến máu - điều tưởng như bình thường ở các cơ sở y tế thành phố, đồng bằng nhưng lại vô cùng khó khăn và vì thế lại hết sức ý nghĩa ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên cương, hải đảo. Ở những nơi đó, có thời điểm, có máu để truyền là một điều xa xỉ, nhưng khi có máu rồi, lại không dễ được đón nhận vì quan niệm “nhận máu của người khác thì con ma nhà khác sẽ ám vào mình mất”.

Có một “ngân hàng” trao gửi sự sống ảnh 1

Những “tủ lạnh” có trái tim ấm nóng

Ở vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo, muốn lưu trữ máu cần hàng nghìn cái tủ lạnh, số tiền đầu tư quá lớn nên điều này bất khả thi. GS,TS Nguyễn Anh Trí, khi còn là Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương trong một chuyến công tác tại Côn Đảo năm 2009, dự hội thảo bàn về những khó khăn trong truyền máu ở vùng sâu, vùng xa, bỗng lóe ra ý tưởng: Tại sao không biến mỗi người thành một cái “tủ lạnh”. Thay vì đầu tư nhiều tỷ đồng để mua tủ lạnh, chỉ cần mỗi huyện đảo có một chiếc “tủ lạnh di động”, biến các tình nguyện viên thành “bịch máu di động” là có thể giúp cho được biết bao người giữ lại được mạng sống. NHMS ở trong cơ thể mỗi người, là an toàn nhất. Thử tưởng tượng, cả nước có 3.600 hòn đảo lớn nhỏ thì chỉ cần 3.000 cái tủ lạnh, thì chi phí đã rất lớn rồi. Trong khi NHMS là “tủ lạnh” nhưng dùng được suốt đời. Mà máu thì dù có bảo quản cũng không để quá lâu được. Xây dựng NHMS từ lực lượng hiến máu dự bị này đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện, nhưng ở Việt Nam vẫn chưa làm được vì chưa sàng lọc được nguồn máu. GS,TS Nguyễn Anh Trí nhận thấy mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ phải xét nghiệm sàng lọc những người hiến máu dự bị này để họ đáp ứng đủ tiêu chuẩn và sẵn sàng hiến máu khi cần.

Trở về, GS,TS Nguyễn Anh Trí bắt tay triển khai ngay ý tưởng này. Đây cũng là bước đi để cụ thể hóa đề tài nghiên cứu cấp Bộ về xây dựng nguồn người hiến máu dự bị cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của GS,TS Nguyễn Anh Trí cùng các cộng sự thực hiện trước đó.

Ý tưởng NHMS được trin khai đầu tiên tại hai huyện đảo là Cát Hải, Phú Quốc và hai huyện vùng sâu, biên giới là Tịnh Biên (tỉnh An Giang), Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) từ năm 2011. Trước hết, phải truyền thông về sự cần thiết và ý nghĩa của NHMS, tuyển chọn người đăng ký theo nhóm máu, có kết quả xét nghiệm sàng lọc viêm gan B, viêm gan C, HIV âm tính và cam kết sẵn sàng hiến máu bất cứ lúc nào; tổ chức quản lý lực lượng NHMS theo sổ sách và thành lập câu lạc bộ; tổ chức thao diễn, lập tình huống báo động giả để mời người hiến máu dự bị đến hiến máu khẩn cấp và huy động máu từ người hiến máu dự bị cho bệnh nhân cần máu cấp cứu, theo đúng các quy trình đã thống nhất. Những người này được lựa chọn là người có nhiệt huyết, tình nguyện, được khám sức khỏe định kỳ sáu tháng/lần. Hồ sơ của những người này được lưu giữ cẩn thận. Bất cứ khi nào cần truyền máu, những tình nguyện viên này sẽ được gọi đến.

Thật bất ngờ, chỉ trong một thời gian ngắn, với cách làm bài bản đó, danh sách những người tình nguyện trở thành NHMS đã lên tới hơn ba trăm người.

Anh Phan Sơn, ngư dân Thanh Hóa vẫn nhớ rõ một ngày hè năm 2015, khi đang đánh cá trên biển thì tai nạn lao động do máy tời đã cuốn đứt rời 3/4 cánh tay trái, máu tuôn như suối. Anh được đưa vào đảo Bạch Long Vỹ cấp cứu trong tình trạng thập tử nhất sinh vì mất máu quá nhiều, trong khi bệnh viện không có sẵn nguồn máu. Ngay lập tức, một tình nguyên viên của NHMS, lại chính là nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hương của bệnh viện đã có mặt để truyền máu cứu anh Sơn. Nhờ truyền máu kịp thời, anh Sơn đã qua cơn hiểm nghèo và được đưa về đất liền an toàn để tiếp tục điều trị.

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Quân - hơn 10 năm gắn bó với đảo Bạch Long Vỹ, ở bệnh viện “vừa là tuyến đầu, vừa là tuyến cuối này” hằng năm phải chữa trị, cấp cứu nhiều ca khó như viêm ruột thừa cấp, thủng dạ dày, tai nạn lao động, băng huyết... Rất nhiều ca phải truyền máu cấp cứu mới giữ được tính mạng, mà nguồn máu thì đều trông chờ vào NHMS. Bác sĩ Quân tâm sự: “Nhờ có nguồn máu tại chỗ của NHMS, chúng tôi yên tâm hơn trong cấp cứu và điều trị, chứ như trước đây, nguồn máu dự trữ không có, mà lúc nguy cấp phải nhờ tàu cá, có nhờ tàu cá chuyển được bệnh nhân về đất liền cũng phải mất 10-12 tiếng, đó là việc rất mạo hiểm”.

Từ ý tưởng ban đầu của GS,TS Nguyễn Anh Trí, CLB NHMS đã “phủ sóng” không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà còn lan tỏa ra các tỉnh, thành phố trong cả nước, trở thành một mạng lưới rộng khắp. GS,TS Nguyễn Anh Trí nhớ lại: “Thời gian đầu còn phải thuyết phục người hiến máu trở thành NHMS, nhưng chỉ một thời gian ngắn, số người đến đăng ký ngày một đông, thậm chí nhiều người còn “hậm hực” vì không được chọn làm tình nguyện viên. Đến các địa phương, khi nói đến hiến máu là người ta sẵn sàng ngay. Khi đến đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn chúng tôi tổ chức chọn lựa tình nguyện viên, có những người không được chọn bày tỏ sự “giận dỗi”, sao họ cũng khỏe mạnh, cũng nhiệt tình mà lại không được chọn”.

Tôi gặp chàng trai Đỗ Thành Long - cán bộ của Bộ Khoa học và Công Nghệ - một NHMS đặc biệt của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương trong chương trình tôn vinh 100 tình nguyện viên hiến máu tình nguyện. Long kể: “Đầu năm 2015, khi bé thứ hai là bé gái nhà tôi ra đời và được tầm soát sơ sinh, bé được thông tin mang nhóm máu O Rh(-). Lúc đó, tôi mới phát hiện mình mang nhóm máu hiếm. Ngay sau đó, tôi cùng đứa con thứ hai có tên trong danh sách nhóm máu hiếm của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Tôi bắt đầu hiến máu tình nguyện và tự nhận mình là một “ngân hàng máu sống” Lần đầu hiến máu, năm 2015 khi bệnh nhân đang nguy kịch, tôi lập tức đến ngay Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương hiến máu, mà không cần một giây suy nghĩ”. Từ 2015 đến nay, Long đã tham gia hiến máu 21 lần, trong đó có hai, ba lần hiến máu toàn phần, còn lại anh hiến tiểu cầu. Quy định của hiến máu toàn phần là khoảng ba tháng/lần. Nhưng Thành Long được vận động hiến tiểu cầu, khoảng cách hồi phục của cơ thể giữa các lần cần tối thiểu là ba tuần, vì thế Long mới mạnh dạn hiến tiểu cầu tới 21 lần chỉ trong hơn hai năm qua. Khắp cả nước, đang có rất nhiều “ngân hàng” như Long -
ngân hàng mà cái cho đi chính là sự sống, nằm ngoài sự vay trả thông thường.