Chính quyền điện tử - nòng cốt xây dựng thành phố thông minh

Thay vì cùng nhau đến cơ quan, ngồi “chết dí” ở văn phòng để ký tá giấy tờ, văn bản, giải quyết công việc, thì từ năm 2015, nhiều lãnh đạo sở, ngành tại Quảng Ninh đã có thể vừa đi công tác nước ngoài, đi thực tế ở cơ sở vừa chỉ đạo lĩnh vực mình phụ trách. Có được những cải tiến tích cực đó, chính nhờ Đề án Thành phố thông minh triển khai từ năm 2016 đã đưa Quảng Ninh trở thành địa phương được dư luận đánh giá dẫn đầu cả nước về áp dụng, triển khai mô hình CPĐT...

Vận hành thí điểm trung tâm điều hành thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: QUANG THỌ
Vận hành thí điểm trung tâm điều hành thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: QUANG THỌ
Chính quyền điện tử - nòng cốt xây dựng thành phố thông minh ảnh 1

Trung tâm Hành chính công huyện Bình Liêu được đầu tư hiện đại.

Nắm bắt cơ hội

Đau bụng đột ngột, bệnh nhân Lê Hoàng Ngân Anh (phường Cao Thắng, Hạ Long) được người nhà đưa vào cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh. Từ khâu tiếp đón, thăm khám ban đầu, đến xét nghiệm..., các thông số của bệnh nhân được hệ thống máy tính kết nối mạng của bệnh viện ghi nhận, chia sẻ tới các bộ phận liên quan giúp các y, bác sĩ dễ dàng hội chẩn, vào cuộc cùng lúc. Quy trình nghiêm ngặt, chặt chẽ giúp bệnh nhân được cứu chữa khẩn trương, nhanh chóng bình phục và xuất viện. Ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu, giảm thiểu các thủ tục không cần thiết, thời gian lưu trú của bệnh nhân được rút ngắn tối đa trong khi hiệu quả điều trị tăng lên rõ rệt, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh Trịnh Văn Mạnh tự hào.

Bệnh viện đa khoa chỉ là một trong các đơn vị ở Quảng Ninh đột phá trong đầu tư công nghệ cải thiện hoạt động. Từ tháng 8-2019, Trung tâm điều hành thành phố thông minh và cổng dịch vụ công của tỉnh được đưa vào vận hành. Quảng Ninh có quy mô tích hợp đồng bộ nhất hiện nay tại Việt Nam. Đây chính là “bộ não”, tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có của tỉnh, mang đến cái nhìn toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cơ quan, ban, ngành, địa phương, lĩnh vực trên phạm vi toàn tỉnh. Trung tâm đã kết nối dữ liệu với các sở, ngành trong các lĩnh vực kinh tế-văn hóa-xã hội và triển khai lắp đặt, kết nối, duy trì kết nối dữ liệu các điểm camera giám sát trên địa bàn như: Hệ thống camera tại các điểm nút giao thông; hệ thống camera tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh như Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.

Trung tâm hiện đã kết nối được 1.298 camera thuộc chín lĩnh vực trên địa bàn tỉnh; trong đó, lĩnh vực giao thông kết nối được 30/35 camera, lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính kết nối 242/391 camera. Trung tâm sẽ cho phép sử dụng thông tin và công nghệ phân tích để người điều hành ra những quyết định sáng suốt, kịp thời, giúp quản lý được đa dạng các vấn đề, bao gồm cả những vấn đề đã được dự liệu trước và những vấn đề xảy ra đột xuất, các tình huống khẩn cấp; đồng thời tăng tính tương tác ngược lại khi người dân có thể gửi ý kiến góp ý, thông báo cho các cơ quan trong tỉnh biết về các sự cố, các vấn đề liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường... bằng các thao tác bấm nút đơn giản trên thiết bị di động. Tính ưu việt của trung tâm còn nằm ở chỗ theo dõi được tất cả các vấn đề thông qua hệ thống camera và cảm biến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Đặc biệt, khi có sự cố hay cảnh báo, có thể dễ dàng quan sát từng camera được kết nối trên bản đồ số và thông tin sẽ được tập hợp, phân tích vào các hoạt động quản lý từ một đầu mối điều hành duy nhất. Vì thế, có thể dự báo về các vấn đề xảy ra cũng như phản ứng trước các tình huống.

Cùng với đó, tỉnh đang vận hành và khai thác rất hiệu quả hệ thống chính quyền điện tử, đặc biệt là các hệ thống phần mềm dùng chung. Hiện Quảng Ninh dùng chung duy nhất một hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, đã tích hợp chữ ký số đạt tỷ lệ 100%, được triển khai tại các cơ quan, đơn vị, địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã và hoàn thành việc triển khai đến cơ quan ngành dọc của Trung ương đóng trên địa bàn như: thuế, hải quan, tòa án, viện kiểm sát. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các đơn vị trong toàn tỉnh đạt gần 97%, được kết nối liên thông với hệ thống của Văn phòng Chính phủ.

Đến nay Quảng Ninh đã cung cấp 100% mức dịch vụ công cấp độ hai và đến nay khoảng 80% dịch vụ công cấp độ ba, cấp độ bốn. Triển khai nhận và trả dịch vụ công qua bưu điện. Quảng Ninh tuy triển khai sau nhưng lại phù hợp với mô hình của Bộ TTTT nên tổ chức tích hợp được từ tỉnh đến huyện, xã. Quảng Ninh đã ban hành kiến trúc chính quyền điện tử, kiến trúc thành phố thông minh phù hợp với hướng dẫn của Bộ TTTT sớm nhất, đã kết nối 273 điểm đến cấp xã, chữ ký số lên đến hơn 2.000.

Có thể khẳng định, đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh đã đủ điều kiện và sẵn sàng kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia vào cuối tháng 11-2019. Trước đó, tỉnh đã chủ động đề nghị và được Thủ tướng đồng ý cho thực hiện thí điểm vận hành Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và 14 địa phương từ năm 2015.

Thách thức vẫn còn

Thành phố vùng biên Móng Cái luôn nhộn nhịp sầm uất. Và như Chủ tịch UBND thành phố Vũ Văn Kinh bật mí, biến Móng Cái trở thành thành phố thông minh là điều kiện lý tưởng chắp cánh cho sự phát triển. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, du khách mỗi ngày một thêm hài lòng, công tác quản trị tinh gọn, năng lực cạnh tranh và hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội được nâng cao, môi trường được bảo vệ, và vẫn tuân thủ việc kết nối và liên kết với các đô thị theo đề án mô hình thành phố thông minh của tỉnh hiện nay, ông Vũ Văn Kinh chia sẻ.

Bên cạnh những nỗ lực, kết quả bước đầu trong xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử thì tỉnh Quảng Ninh còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là việc liên thông, kết nối hệ thống một cửa điện tử của tỉnh với hệ thống một cửa điện tử của các bộ, ngành chưa được thực hiện, đặc biệt là các ngành có nhiều hồ sơ như kế hoạch và đầu tư, tư pháp, giao thông vận tải, công an, bảo hiểm do các bộ, ngành sử dụng phần mềm riêng, chưa sẵn sàng tích hợp, liên thông với hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh. Điều này dẫn đến một công việc phải nhập liệu nhiều lần để thực hiện thống kê, báo cáo và theo dõi.

Hiện tại, hệ thống chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh mới liên thông được với Văn phòng Chính phủ để gửi, nhận văn bản điện tử; chưa liên thông được với các bộ, ngành để thực hiện gửi nhận điện tử, chủ yếu vẫn thực hiện việc gửi văn bản giấy; tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ ba, mức độ bốn chưa đạt tối đa, dẫn đến chưa phát huy được tối đa tiện ích của hệ thống chính quyền điện tử; nhất là cán bộ, công chức thuộc các đơn vị cấp xã, vùng sâu, vùng xa, hải đảo khai thác, sử dụng các ứng dụng internet, máy tính nói chung và các hệ thống thông tin còn nhiều hạn chế, chưa có thói quen ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc, ngại thay đổi lề lối làm việc; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quản trị, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin đã được đầu tư, đặc biệt là nhân lực quản trị cho Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, quản trị mạng tại các địa phương.

Với phương châm lấy người dân, du khách và doanh nghiệp là trung tâm, vừa là người thụ hưởng, vừa đóng góp nâng cao chất lượng dịch vụ mới là mục tiêu quan trọng nhất trong xây dựng chính quyền điện tử, phát triển thành phố thông minh, chính quyền điện tử, Quảng Ninh đang tiếp tục có những bước đi chắc chắn và sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp để hướng đến trở thành đô thị thông minh, hiện đại của cả nước và trong khu vực.

Nỗ lực xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử đã tạo bước đột phá cho tỉnh Quảng Ninh trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính. Với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp, tỉnh Quảng Ninh luôn có nhiều cách làm mới, sáng tạo và mô hình thành phố thông minh của tỉnh được Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và cho phép triển khai thí điểm để nhân rộng trên cả nước.

Theo đề án Thành phố thông minh, giai đoạn 2017-2020, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung xây dựng 32 nhiệm vụ, dự án hình thành hệ thống trung tâm điều hành, cơ sở hạ tầng, nguồn lực cho thành phố thông minh. Quảng Ninh phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ xây dựng thành phố Hạ Long cơ bản trở thành thành phố thông minh; đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ trở thành thành phố thông minh, hiện đại đứng trong tốp đầu các thành phố thông minh của Việt Nam và khu vực ASEAN và đến năm 2025 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 và 2045.