Chất lượng - "giấy thông hành" cho xuất khẩu

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới nhưng giá trị gia tăng vẫn ở mức khá thấp. Nâng cao chất lượng nông sản để tăng giá bán và tăng khả năng cạnh tranh là giải pháp được đặt ra từ nhiều năm nay, song việc thực hiện vẫn như muối bỏ bể với quy mô hạn hẹp và chưa thật sự hiệu quả.

Đồng bằng sông Cửu Long hiện chủ yếu sử dụng các giống lúa chất lượng cao. Ảnh: Vũ Sinh
Đồng bằng sông Cửu Long hiện chủ yếu sử dụng các giống lúa chất lượng cao. Ảnh: Vũ Sinh

Thay đổi cách nghĩ, cách làm nông nghiệp

Trong một buổi làm việc với Công ty TNHH Cường Tân (Nam Định), chúng tôi thật ấn tượng với câu chuyện sản xuất gạo Nhật bán cho người Nhật của Giám đốc Đoàn Văn Sáu. Hiện công ty ông đang trồng khoảng 100ha lúa Nhật chuyên phục vụ cho đối tác người Nhật Bản. Để nhận được hợp đồng dù với diện tích nhỏ này, công ty phải trải qua đợt sát hạch hết sức tỉ mỉ của đơn vị thu mua, từ xem xét chất đất, công nghệ trồng, chế biến hạt gạo đến độ thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng của hạt cơm trên bàn ăn. Ông Sáu cho biết: Xem họ kiểm tra và đưa ra các yêu cầu về chất lượng mới thấy họ kỹ tính đến mức nào. Bản thân mình cũng nhận ra một điều rằng, nhu cầu thực phẩm sạch, ngon trên thị trường ngày càng cao và khắt khe. Đến thời điểm này có thể thấy để có thu nhập và lợi nhuận cao từ nông nghiệp thì vấn đề không còn đơn giản là sản lượng nhiều, năng suất cao nữa mà quan trọng hơn là chất lượng sản phẩm, cao hơn nữa là độ tinh chất của sản phẩm. Mà bao giờ cũng vậy, muốn có chất lượng cao thì không thể trồng đại trà, chăm sóc đại trà, thu hoạch đại trà mà tất cả phải được tính toán kỹ càng trong quy trình hoàn thiện và chuỗi khép kín với việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến.

Rau quả trái cây là một trong những mặt hàng Việt Nam có nhiều thế mạnh và vài năm trở lại đây, lĩnh vực này đã gia nhập vào câu lạc bộ xuất khẩu một tỷ USD của nước ta, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt tới 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, giá trị gia tăng của các mặt hàng này vẫn được đánh giá là thấp và chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân chính là do chất lượng chưa đáp ứng các yêu cầu cao của nhà nhập khẩu. Việc sản xuất, thu hoạch vẫn theo truyền thống, ít áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao. Còn nhớ trong một buổi làm việc tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp - nơi có sản phẩm quýt hồng Lai Vung nổi tiếng cả nước, Tiến sĩ Thái Đông Soán - chuyên gia cây ăn quả tại Đài Loan (Trung Quốc) đã nhận xét rằng: Diện tích quýt hồng tại địa phương hiện đã già cỗi quá nhiều mà chưa được tái canh, cộng thêm khoảng cách trồng giữa các cây chưa được tính toán đúng chuẩn khoa học nên hạn chế khả năng sinh trưởng, từ đó dẫn đến chất lượng sản phẩm ngày một đi xuống. Nếu cứ tiếp tục khai thác mà không có tái đầu tư và áp dụng khoa học kỹ thuật thì sẽ đến lúc sản phẩm không còn hương vị và chất lượng như ban đầu nữa. Ông còn dẫn chứng hầu hết sản phẩm trái cây Đài Loan hiện nay được trồng với kỹ thuật cao, thậm chí các nhà khoa học còn liên kết với nông dân để tạo ra những sản phẩm có độ ngọt như ý muốn và có hàm lượng dinh dưỡng theo tiêu chuẩn đều nhau cho từng quả. Việt Nam cũng cần thay đổi toàn bộ quy trình sản xuất, từ cải tạo nguồn đất, nước, lai tạo giống, đến ứng dụng công nghệ cao, điều chỉnh giá trị dinh dưỡng của sản phẩm từ trong gen... thì mới có thể tạo ra một cuộc cách mạng cho chất lượng và giá bán của trái cây xuất khẩu.

Hai câu chuyện với hai mặt hàng khác nhau nhưng đều cho chúng ta thấy chung một thực tế, đó là trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gay gắt và nhu cầu của người tiêu dùng ngày một cao thì việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm là điều bắt buộc. Muốn làm được như vậy, cần nhất hiện nay là nền nông nghiệp nước nhà phải tiếp cận và áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Đó chính là giải pháp để liên kết chuỗi và quản lý chất lượng nông sản. Và sự thay đổi này chỉ đến khi những chủ thể làm nông nghiệp là nông dân, doanh nghiệp, nhà làm chính sách thay đổi tư duy sản xuất và tư duy thị trường. Đó là chuyển từ sản xuất truyền thống, dựa vào kinh nghiệm sang sản xuất gắn với công nghệ cao; từ bán những thứ mình sẵn có sang bán những thứ thị trường cần. Đây cũng là mấu chốt để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía

Không chỉ sản xuất gạo Nhật, hiện nay Công ty TNHH Cường Tân cũng đang tiến hành xây dựng thương hiệu cho một số loại gạo bán ra thị trường như Cường Tân 1, Cường Tân 2. Công ty hiện có vùng nguyên liệu 500 ha, liên kết sản xuất với các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Nam Định. Nói về những khó khăn trong việc nâng cao chất lượng nông sản Việt, Giám đốc Công ty Đoàn Văn Sáu cho rằng: Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay khi tập trung vào làm nông sản chất lượng cao là đầu tư các thiết bị máy móc, nhà xưởng cho sản xuất và chế biến. Áp dụng công nghệ thì phải có tiền. Mà như chi phí đầu tư của công ty Cường Tân hiện nay chỉ tính riêng máy cày, bừa, máy gặt, máy sấy, nhà xưởng, kho lạnh... đã lên đến con số 65 đến 70 tỷ đồng. Với số vốn như thế, không cá nhân nào có đủ để đầu tư mà phải vay ngân hàng. Nếu các thủ tục vay vốn thuận lợi và được ưu đãi lãi suất thấp thì doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư, nếu không thì rất dễ bỏ cuộc giữa chừng. Bản thân Công ty Cường Tân đã có những giai đoạn gặp rất nhiều khó khăn và tôi muốn dừng lại nhưng vì đam mê với nông nghiệp, với hạt gạo trên đồng ruộng quê mình nên lại gắng sức làm tiếp.

Chia sẻ của ông Sáu đặt ra câu hỏi, liệu có bao nhiêu người giữ được đam mê mà trụ lại đầu tư vào nông nghiệp; bao nhiêu người đã bỏ cuộc giữa chừng và có bao nhiêu người nhen nhóm ý tưởng đầu tư nhưng nhìn trở ngại trước mắt mà không dám dấn thân? Như vậy, rõ ràng muốn có sản phẩm chất lượng thì phải đầu tư. Nông nghiệp vốn là lĩnh vực rủi ro cao như sâu bệnh, thiên tai, thời tiết thất thường lại càng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp. Thực tế, chính sách đã được các cơ quan chức năng ban hành không ít nhưng đi kèm đó nhiều khi là những điều kiện khó khả thi hoặc không khả thi nên số doanh nghiệp tiếp cận được chính sách vẫn còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực vốn vay.

Bên cạnh vốn là vấn đề thị trường tiêu thụ. Đây cũng được coi là "điểm nghẽn" lớn trong ngành nông nghiệp hiện nay. Đơn cử, Công ty TNHH sản xuất - thương mại Nông sản Phong Thúy (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) hiện có trang trại rộng 55 ha, sản lượng 5.000 tấn rau quả/năm. Ngoài ra, công ty còn có khoảng 75 ha diện tích hợp tác, liên kết sản xuất với 30 hộ nông dân trong vùng. Tuy nhiên, điều tâm tư nhất của giám đốc Công ty Nguyễn Hồng Phong cũng chính là thị trường tiêu thụ: Hiện công ty cũng đã có diện tích trồng cà chua, củ cải, khoai theo hướng hữu cơ nhưng đối tượng tiêu thụ còn hạn hẹp do giá cao hơn sản phẩm sạch VietGAP, GlobalGAP từ ba đến năm lần. Do đó, có những thời điểm không bán được, công ty lại phải đưa ra bán với hàng thông thường nên rất khó bù được chi phí sản xuất. Không chỉ rau quả, việc sản xuất nông sản sạch theo tiêu chuẩn nhưng ra thị trường lại phải bán với giá thông thường xảy ra đối với cả các mặt hàng như gạo, cà-phê..., ảnh hưởng lớn đến quyết tâm theo đuổi của những người làm nông nghiệp. Chính vì vậy, song song với việc khuyến khích sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn thì cần tìm thị trường tiêu thụ ổn định, bao gồm cả bán trong nước và xuất khẩu. Việc này bản thân doanh nghiệp không thể một mình thiết lập và kết nối mà cần sự chung tay của các cơ quan chức năng trong tạo thói quen tiêu dùng cho người dân cũng như xúc tiến thương mại nội địa và quốc tế.

Theo thống kê, có tới 90% nông sản Việt xuất khẩu dưới dạng thô, chất lượng và giá trị thấp. Trong khi đó, dư địa cho sản phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế trên thị trường thế giới vẫn còn rất nhiều và đang được các quốc gia tương đồng về sản phẩm nông nghiệp như của Việt Nam khai thác triệt để. Càng chậm chân, đi sau, chúng ta sẽ càng gặp khó khăn trong thâm nhập thị trường và định vị sản phẩm trong thói quen mua hàng của người tiêu dùng. Vì vậy, nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm chính là tạo ra tấm "giấy thông hành" ưu việt nhất để mở rộng đường xuất khẩu nông sản.