Dịch vụ - Thị trường

Mở ra "sân chơi" mới cho các nhà mạng

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đang triển khai những bước cuối cùng để cấp phép thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (mobile money). Ðiều này được kỳ vọng sẽ nhanh chóng "phủ sóng" dịch vụ thanh toán điện tử đến tất cả người dân cả nước. Còn các nhà mạng cũng có cơ hội mở rộng "sân chơi" trong bối cảnh thị trường viễn thông đã bão hòa từ nhiều năm nay.

 Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng phổ biến tại các thành phố lớn. Trong ảnh: Người dân mua hàng tại cửa hàng tự động số 10 Mạc Thị Bưởi, phường Bến Nghé, quận 1 (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Hoàng Triều
Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng phổ biến tại các thành phố lớn. Trong ảnh: Người dân mua hàng tại cửa hàng tự động số 10 Mạc Thị Bưởi, phường Bến Nghé, quận 1 (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Hoàng Triều

Nhiều tiện ích

Mobile money về bản chất là tiền điện tử(e-money) hoặc ví điện tử, nhưng không liên kết qua tài khoản ngân hàng. Với dịch vụ này, người dân có thể sử dụng tài khoản di động để chuyển tiền cho nhau cũng như thanh toán hàng hóa với giá trị nhỏ. Chính vì vậy, mobile money cho phép mọi người dân đều được tiếp xúc với các công cụ thanh toán chính thống không dùng tiền mặt, từ đó đẩy nhanh tốc độ số hóa nền kinh tế. Hiện đã có 90 quốc gia trên thế giới phát triển nền tảng thanh toán qua điện thoại di động với số lượng người sử dụng khoảng 900 triệu, chiếm 1/7 dân số thế giới. Tổng giá trị giao dịch mỗi ngày bằng mobile money lên đến khoảng 1,3 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng hằng năm bình quân 20%.

Trong khi đó, tại Việt Nam hiện nay, theo Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, 99% các giao dịch dưới 100 nghìn đồng đều được thực hiện bằng tiền mặt trong bối cảnh tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng ở nước ta còn rất thấp. Như vậy, với mật độ thuê bao di động đã vượt ngưỡng 100% từ nhiều năm, mobile money sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng chủ trương của Chính phủ. Mặt khác, thực tế nhiều người dân hiện vẫn ở trong tình trạng "đứng ngoài" các hệ thống tài chính chính thống. Ðó là những người nghèo ở nông thôn, những người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi,... Mobile money sẽ cung ứng cho nhóm khách hàng này một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện. Khách hàng chỉ cần thao tác trên điện thoại di động hoặc đến các đại lý, điểm giao dịch gần nhất để thanh toán
tiền điện, tiền nước, thậm chí tiền mua rau ở chợ,... mà không bị giới hạn về không gian và thời gian. Vì lẽ đó, dịch vụ này khi được triển khai sẽ góp phần làm thay đổi dần thói quen dùng tiền mặt của người dân vẫn còn khá phổ biến hiện nay. TS Cấn Văn Lực cho rằng, vai trò của các đơn vị viễn thông trong phát triển thanh toán di động là rất quan trọng. Bằng chứng là ở một số quốc gia, các công ty viễn thông được cấp phép cung cấp dịch vụ tài chính đã làm rất tốt vai trò phổ cập tài chính vi mô đến người dân.

Thêm nữa, dù đi sau một số nước trên thế giới, nhưng thuận lợi của Việt Nam trong triển khai mobile money là có thể học hỏi được từ những quốc gia đi trước. Với một khung pháp lý đã hình thành và được tổng kết thường xuyên từ cả những tổ chức quốc tế lớn như GSMA (Hiệp hội Hệ thống thông tin di động toàn cầu), là điều kiện thuận lợi để Việt Nam triển khai sớm và hiệu quả dịch vụ này. Tuy nhiên, triển khai mobile money cũng mang tới những thách thức không nhỏ. Ðó là việc bảo đảm an toàn thông tin cho người dùng, kiểm soát sim "rác", phòng, chống rửa tiền hay kiểm soát việc chuyển tiền ra quốc tế,... Bởi vậy, những giải pháp, biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ cao đòi hỏi tiếp tục được tăng cường, thường xuyên cập nhật.

Nhà mạng sẵn sàng

Ðược biết, đến thời điểm hiện tại, cả ba nhà mạng lớn là VNPT, MobiFone và Viettel đều đã sẵn sàng cho việc cung cấp dịch vụ mobile money. Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Phạm Ðức Long khẳng định, mobile money là xu hướng chung của thế giới, là giải pháp mới để hỗ trợ chuyển đổi số và một trong những thành phần quan trọng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hiện, VNPT đã hoàn thiện toàn bộ giải pháp công nghệ, kỹ thuật với hệ sinh thái dịch vụ VNPT, sẵn sàng cung cấp mobile money ngay khi được cấp phép với nhiều tiện ích, từ giải ngân các khoản vay, tài trợ cho người dân cho đến thanh toán các dịch vụ thiết yếu, vận chuyển, dịch vụ công,... Chỉ cần là thuê bao của VNPT, khách hàng có thể thực hiện mọi giao dịch thanh toán ngay trên di động một cách đơn giản, tiện lợi và hiệu quả nhất cho các dịch vụ thường xuyên giá trị thấp. Ðiều này đồng nghĩa với việc người dùng sẽ tiết kiệm được thời gian, mang lại các giá trị thiết thực cho cả doanh nghiệp và người dân. Không những vậy, người dùng còn tận hưởng được nhiều ưu đãi hấp dẫn khác trong hệ sinh thái tài chính số mà VNPT xây dựng và cung cấp. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty VNPT - Media Nguyễn Sơn Hải chia sẻ, một tháng sau khi được cấp phép, VNPT có thể cung cấp dịch vụ mobile money ra thị trường với khoảng 100 nghìn điểm bán. Với những nỗ lực trên, VNPT hy vọng các giải pháp thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt này sẽ góp phần thúc đẩy triển khai Chính phủ điện tử và phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam.

Theo Phó Tổng Giám đốc MobiFone Bùi Sơn Nam, nhà mạng này cũng đã đầu tư, chuẩn bị mọi phương diện để sớm có thể cung cấp dịch vụ mobile money tới người dùng. Với việc sở hữu hàng chục nghìn điểm giao dịch rộng khắp cả nước, MobiFone có thể phát triển và đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, dịch vụ, đối tượng khách hàng, nhất là các khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng để tiếp cận với một dịch vụ thanh toán hiện đại như mobile money. Tuy nhiên, MobiFone cũng sẽ phải rà soát lại thông tin thuê bao của các khách hàng đăng ký dịch vụ bảo đảm thông tin chuẩn xác. Khách hàng có thể dùng nhiều SIM, nhưng sẽ chỉ được dùng một tài khoản mobile money để bảo đảm chặt chẽ và an toàn khi cung cấp dịch vụ này. Phó Cục trưởng Viễn thông (Bộ TT-TT) Trần Duy Hải cho biết, những thuê bao muốn được cung cấp dịch vụ mobile money sẽ phải có thông tin thuê bao chính xác để định danh được. Bộ TT-TT đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông nếu không có thông tin thuê bao chính xác sẽ không được cung cấp dịch vụ này. Vì vậy, các nhà mạng cần nhanh chóng hoàn thiện việc chuẩn hóa thông tin thuê bao của khách hàng.