Ngành điện Miền Nam: Cấp điện chủ động để ứng phó hạn mặn

NDO -

Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố phía nam, nhằm giúp người dân, các địa phương chủ động ứng phó với hiện tượng khắc nghiệt của thời tiết này, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC) đã yêu cầu các công ty thành viên chủ động bảo đảm cấp điện ổn định phục vụ cho người dân.

Lãnh đạo EVNSPC kiểm tra tình hình cấp điện vận hành trạm bơm nước chống hạn tại huyện Châu Thành, Tiền Giang.
Lãnh đạo EVNSPC kiểm tra tình hình cấp điện vận hành trạm bơm nước chống hạn tại huyện Châu Thành, Tiền Giang.

Tăng phụ tải khu vực trọng điểm

Theo đó các công ty điện lực ở tỉnh, thành phố tại miền tây phối hợp với các địa phương lập danh sách các phụ tải chống hạn mặn, phụ tải thủy lợi, nông nghiệp, an sinh để có phương án cấp điện phù hợp, trong đó bảo đảm ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm nông nghiệp, tưới tiêu, nước sinh hoạt, bơm điều tiết nước mặn, van cửa đập để chống hạn mặn hiệu quả.

Các điện lực quận, huyện trên địa bàn lập phương án, bố trí nhân sự ứng trực, sửa chữa sự cố lưới điện, dự phòng vật tư, thiết bị đầy đủ, sẳn sàng xử lý nhanh các tình huống sự cố xảy ra có thể làm gián đoạn, ảnh hưởng đến các hoạt động của các phụ tải cấp điện.

Trước đó, tại các địa phương trọng điểm đang xảy ra hạn mặn gay gắt, phương án bảo đảm nguồn điện phục vụ tưới tiêu đã được dự trù từ cuối năm 2019. Tại Tiền Giang, phía điện lực đã đã phối hợp với địa phương lắp mới và nâng công suất 12 trạm biến áp với tổng dung lượng 2.850 kVA, nâng cấp 2.540m đường dây trung thế từ 1 pha lên 3 pha. Đồng thời, tổ chức kéo mới 2.080 m đường dây hạ thế phục vụ các trạm bơm chống hạn với tổng kinh phí trên sáu tỷ đồng.

Ở Bến Tre, địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn mặn, Công ty Điện lực Bến Tre đã có các giải pháp điều độ, xử lý sự cố, bảo đảm không để mất điện trong thời gian kéo dài, ảnh hưởng sinh hoạt người dân. Cụ thể, đóng điện kịp thời trạm biến áp công suất 250 kVA và kéo dây phục vụ điện cho trạm bơm tại Cống Cái Sơn (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đã đưa vào hoạt động vào đầu tháng ba.

Theo đó nguyên tắc chung là phải kiểm tra phát hiện và xử lý nhanh mọi sự cố để bảo đảm cung cấp điện liên tục, không để thời gian mất điện kéo dài. Đồng thời các đơn vị phải nhanh chóng loại trừ sự cố, ngăn ngừa sự cố lan rộng làm ảnh hưởng đến người và thiết bị và nhanh chóng khôi phục những phụ tải đặc biệt, những phụ tải quan trọng. Tại các địa phương khác, EVNSPC cũng yêu cầu các công ty điện lực trực thuộc luôn trong tình thế sẵn sàng, bảo đảm cũng cấp điện cho người dân, nhất là nguồn điện phục vụ tưới tiêu khu vực đang bị xâm mặn.

Nỗ lực vì mục tiêu chung

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tần suất nước về các hồ thủy điện thấp nhất trong vòng 70-99 năm qua. Chính vì vậy sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống 3 tháng đầu năm 2020 dự kiến giảm gần 900 triệu kWh so với kế hoạch. Do đó, tình trạng cấp điện mùa khô năm nay có phần khó khăn hơn so với nhiều năm.

Phía lãnh đạo EVN đã yêu cầu Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia có giải pháp và thực hiện quyết liệt đưa vào vận hành các công trình lưới điện truyền tải theo kế hoạch năm 2020, đặc biệt là các công trình đấu nối nguồn điện trong đó có các nguồn điện mặt trời; bảo đảm vận hành an toàn hệ thống lưới điện truyền tải, cung cấp đủ điện cho người dân trong mùa khô này.

Tại miền nam, mùa khô dự báo gay gắt hơn thiên tai 2015-2016, phía EVNSPC đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch cung cấp điện từ đầu năm 2020; đồng thời các công ty điện lực tại 21 tỉnh phía nam đã tăng cường tuyên truyền giải pháp tiết kiệm điện trên hệ thống truyền thanh đến phường, xã, ấp; trong đó đặc biệt chú ý tới các khách hàng có nhu cầu sử dụng điện cao. Đối với nhóm khách hàng này các điện lực đã trực tiếp vận động, thỏa thuận khách hàng cùng cam kết thực hiện tiết kiệm điện, đồng thời thông báo với tất cả khách hàng sản lượng tiêu thụ lớn đăng ký công suất và sản lượng biểu đồ phụ tải năm 2020, ký thỏa thuận thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, điều chỉnh phụ tải (DR), đây cũng là một giải pháp thực hiện theo Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 279/QĐ-TTg phê duyệt ngày 8-3-2018.

Các nỗ lực của ngành điện phía nam hướng đến mục tiêu sẵn sàng ứng phó với trường hợp có khả năng mất cân đối cung - cầu điện hệ thống điện miền nam, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện nhất là khu vực tăng trưởng tiêu thụ điện lớn trong năm 2020 và những năm sắp tới.