Chuyển đổi số và liên kết trong nông nghiệp ở Đồng Tháp

Tại Đồng Tháp, việc dùng máy phun xịt thuốc điều khiển từ xa, máy cấy lúa kết hợp với bón phân và phun thuốc… đã không còn xa lạ với bà con nông dân. Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Đồng Tháp đạt được nhiều tín hiệu tích cực trong thời gian qua. Nông nghiệp cũng sẽ là lĩnh vực đầu tiên mà Đồng Tháp ưu tiên thực hiện chuyển đổi số.

Máy phun thuốc điều khiển từ xa phục vụ trong sản xuất nông nghiệp ở Đồng Tháp.
Máy phun thuốc điều khiển từ xa phục vụ trong sản xuất nông nghiệp ở Đồng Tháp.

Đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất

Ngành nông nghiệp Đồng Tháp đóng vai trò nền tảng của nền kinh tế, chiếm hơn 30% cơ cấu kinh tế tỉnh và duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 3%/năm, tỷ lệ sử dụng lao động cao khoảng 50% lao động xã hội. Đây là ngành có nhiều tiềm năng khi chuyển đổi kinh tế số. Thực hiện cơ giới hóa toàn diện và số hóa trong sản xuất nông nghiệp sẽ tạo sự chuyển dịch lao động nông nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh và sản xuất nông nghiệp.

Ba năm trở lại đây, các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và nông dân ở Đồng Tháp đã đặt nhiều niềm tin và kỳ vọng vào các máy móc, công nghệ thiết bị tự động mang lại hiệu quả thiết thực như: thiết bị giám sát sâu rầy, thiết bị tưới tự động khi ứng dụng công nghệ IoT vào thiết bị…

Còn nhớ tháng 10 vừa qua, tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức lễ khánh thành Dự án cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến tiết kiệm nước, ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 (Dự án cánh đồng mẫu Mỹ Đông) trong sự vui mừng của các ngành, các cấp và bà con nông dân. Dự án này được triển khai thực hiện từ năm 2017 tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2 với diện tích 170ha. Tổng mức đầu tư dự án gần 30 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng kênh mương, giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất.

Sở dĩ mọi người vui mừng và đặt nhiều kỳ vọng vì đây là cánh đồng mẫu đầu tiên trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ hiện đại, cơ giới hóa vào tất cả khâu trong sản xuất. Dự án áp dụng thiết bị cấy máy, bón vùi phân, áp dụng kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ trong quản lý nước; sử dụng thiết bị giám sát sâu rầy thông minh, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái; sử dụng cơ giới trong thu hoạch lúa và gom rơm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua mã QR code. Thông qua việc ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào canh tác giúp nông dân giảm giá thành sản xuất khoảng 400 đồng/kg lúa, lợi nhuận thu được cao hơn gần 10 triệu đồng/ha so với quy trình sản xuất truyền thống.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Tập đoàn Rynan Holdings JSC, cánh đồng thông minh ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười có lắp đặt rất nhiều hệ thống thông minh như: quan trắc mực nước, điều khiển nước vào ruộng, quản lý sâu rầy, giúp cho người nông dân chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để quản lý đồng ruộng. Ông Nguyễn Thanh Mỹ mong muốn, với dữ liệu tự động đó, người nông dân có thể tận dụng để tham gia vào chuyển đổi số sắp tới và việc mở rộng cánh đồng thông minh không có gì là khó khăn.

Ứng dụng công nghệ hiện đại, thời gian qua, nhiều bạn trẻ sinh sống, công tác ở Đồng Tháp cũng đã cho ra đời nhiều thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong số đó, có nhóm nghiên cứu Võ Hào Em (SN 1980) - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ HTT Phi Long (trụ sở tại phường 1, TP Cao Lãnh) cùng với các thành viên là anh Phùng Minh Phường, Nguyễn Thanh Lợi, Dương Anh Thắng thực hiện thành công sáng chế máy phun thuốc điều khiển từ xa phục vụ trong sản xuất nông nghiệp.

Trải qua nhiều lần điều chỉnh, cuối năm 2019, chiếc máy hoàn thành đã được vận hành rộng rãi trên nhiều cánh đồng. Chiếc máy ra đời giúp người nông dân tránh tiếp xúc với thuốc trừ sâu. Với những tính năng hoàn hảo, trong một ngày máy có thể hoạt động suốt tám tiếng và phun được 220 lít, tương đương khoảng 30ha lúa. Dự án máy phun thuốc điều khiển từ xa đạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp 2020.

Chuyển đổi số và liên kết trong nông nghiệp ở Đồng Tháp -0
 Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng việc xây dựng chiến lược về chuyển đổi số là rất quan trọng.

Xây dựng chiến lược về chuyển đổi số

Với việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nông dân trong tỉnh bước đầu có sự liên kết chặt chẽ với các chuyên gia, nhà khoa học, các kênh phân phối... nhằm nâng cao hiệu quả giá trị chuỗi nông thủy sản. Nhờ đó, một số mặt hàng nông, thuỷ sản có thế mạnh của tỉnh như xoài, cam, ớt, nhãn, cá tra,.. đáp ứng được yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Một số mặt hàng chủ đạo như thủy sản đã xuất khẩu hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, tỉnh còn phát triển các mô hình kinh doanh qua mạng như: “cây xoài nhà tôi” “cây cam nhà tôi”,… có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhiều sản phẩm của tỉnh tham gia sàn giao dịch điện tử... Đồng Tháp cũng tổ chức các Trung tâm giới thiệu sản phẩm hàng hóa của tỉnh ở TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội và kết nối với các siêu thị lớn có hệ thống trên toàn quốc.

Về thu hút đầu tư để phát triển lĩnh vực nông nghiệp, Đồng Tháp hiện là một trong những địa phương có môi trường và số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp thuộc nhóm tốt. Trong đó có các dự án lớn và hiện đại như: Nhà máy thức ăn chăn nuôi ứng dụng công nghệ 4.0, Trung tâm nghiên cứu và phát triển giống công nghệ cao, Mô hình “Sản xuất lúa sử dụng phân bón thông minh”…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp Võ Thành Ngoan cho biết, thời gian qua, Đồng Tháp đã ứng dụng một số công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, giúp giảm công lao động, chi phí sản xuất lúa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, có đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người dân, tạo được vùng nguyên liệu có chất lượng.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, Đồng Tháp đã triển khai ứng dụng phần mềm báo cáo dịch bệnh trực tuyến trong báo cáo dịch bệnh trên đàn vật nuôi; ứng dụng phần mềm trong phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, xây dựng bản đồ dịch tễ làm cơ sở để tham mưu các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên toàn tỉnh. Thực hiện chương trình nâng cao chất lượng con giống cá tra, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 13 cơ sở sản xuất giống cá tra tiếp nhận đàn cá tra hậu bị cải thiện di truyền từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 với số lượng 21.610 con có gắn (chip) quản lý. Đến nay, đàn cá tra này đã sản xuất gần 30 tỷ con cá bột cung cấp ra thị trường.

Chuyển đổi số và liên kết trong nông nghiệp ở Đồng Tháp -0
 Nhiều chuyên gia đánh giá cao về Chuyển đổi số và liên kết trong nông nghiệp ở Đồng Tháp.

Đề xuất giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp cho Đồng Tháp trong thời gian tới, tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ cho rằng, cần có thiết bị tự động thu thập dữ liệu (hiện nay đã có), phải có công ty công nghệ đem thiết bị thông minh đến tay người nông dân. Khó khăn lớn nhất là “tư duy làm lén” của người nông dân, họ không thích làm lớn, không thích làm minh bạch nên khó ứng dụng công nghệ. Muốn đi thẳng vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu thì đầu tiên mọi thứ phải minh bạch. Tức là phải bỏ “tư duy làm lén” đi, mà hãy làm lớn. Bên cạnh đó, các quy định mang tính hàng rào pháp lý để vận dụng chuyển đổi số phải được thực thi nghiêm túc và quyết liệt.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành quả đạt được, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, Đồng Tháp đang nỗ lực xây dựng chiến lược về chuyển đổi số với ba trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo lộ trình cụ thể và tạo cơ chế thông thoáng, ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng Tháp xác định, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa đột phá trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.