Bạc Liêu với khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong thời kỳ mới

Những ngày này, ở Bạc Liêu, từ trung tâm thành phố đến các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển của tỉnh sinh khí khác thường. Các đường phố ở TP Bạc Liêu, thị trấn treo băng rôn, khẩu hiệu, quốc kỳ phấp phới đỏ thắm tung bay. Chúng tôi nhận thấy, trên nét mặt nhiều người dân vui tươi hơn, kỳ vọng, tin tưởng vào Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc sáng 15-10, đưa Bạc Liêu tiến nhanh, vững chắc trong thời kỳ mới.

Đường phố Bạc Liêu tưng bừng, nhộn nhịp đón chào Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16. (Ảnh: Minh Đạt)
Đường phố Bạc Liêu tưng bừng, nhộn nhịp đón chào Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16. (Ảnh: Minh Đạt)

Thành tựu mới, niềm tin mới

Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025,  đồng chí Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu phấn khởi báo tin vui: “Với tiềm năng phong phú, đa dạng về biển, kinh tế biển, có thể tự tin khẳng định, Bạc Liêu có lợi thế về biển so nhiều tỉnh, thành phố ở ĐBSCL và cả nước. Đặc biệt, tỉnh có tiềm năng, thế mạnh về phát triển điện gió, điện mặt trời và điện khí. Ngoài ra, Bạc Liêu còn có tiềm năng, thế mạnh kinh tế du lịch gắn với biển, về du lịch tâm linh, văn hóa và sinh thái... Đây là cũng là một trong những thế mạnh, điều kiện để Đại hội Đảng bộ tỉnh tiếp tục đề ra các giải pháp, mục tiêu nhằm phát huy mạnh mẽ tiềm năng về kinh tế biển của tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển nâng cao đời sống nhân dân…”

Qua nghiên cứu dự thảo Báo báo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025, chúng tôi nhận thấy: Trong năm năm qua, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với phương châm hành động "Đoàn kết, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo và hiệu quả", Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh Bạc Liêu đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ và “đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên phần lớn các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật”, với 20/20 chỉ tiêu về kinh tế, xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 đề ra đều đạt và vượt, nhiều chỉ tiêu vượt cao và đứng vào nhóm các tỉnh khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

IMG_0158-1602753623470.JPG
 

“Đặc biệt, kết thúc nhiệm kỳ qua, Bạc Liêu có 13 chỉ tiêu vượt, năm chỉ tiêu trọng yếu đứng trong tốp năm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá cao, bình quân năm năm (2016-2020) đạt hơn 7%/năm, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra và thuộc nhóm tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao của khu vực; GRDP bình quân đầu người đạt gần 59 triệu đồng/người, tăng hơn 1,8 lần so năm 2015, đứng thứ 5/13 tỉnh, thành phố trong khu vực; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 28.500 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện…”, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam khẳng định.

Thực hiện “Chiến lược phát triển kinh tế biển”

Tìm hiểu về bước phát triển của Bạc Liêu trong năm năm qua, chúng tôi nhận thấy, một trong những “đột phá” rõ nét nhất của Bạc Liêu là thành tự về thu hút đầu tư. Đặc biệt phát về điện gió, điện mặt trời, điện khí. Trong đó, dự án Nhà máy Nhiệt điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu với tổng công suất 3.200 MW, vốn đăng ký đầu tư lên đến hơn bốn tỷ USD, đây là dự án lớn nhất ĐBSCL tính đến thời điểm hiện nay. Ngoài ra, tỉnh còn các dự án điện gió đang được bổ sung, đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Các dự án này sẽ làm thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế, tạo nguồn thu lớn, giúp tỉnh tăng tỷ lệ tự cân đối ngân sách. Đây cũng là tiền đề rất quan trọng để xây dựng tỉnh Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của quốc gia.

Đặc biệt, đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại địa phương rất thành công, bằng chứng kết quả đã có hơn 20 dự án đăng ký, cam kết đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh, trụ cột của tỉnh với số vốn hơn 110.000 tỷ đồng. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, có uy tín trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu, đầu tư, ưu tiên tập trung vào năm trụ cột phát triển của tỉnh để tạo các bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng...

Ngoài chú trọng phát triển tiềm năng điện gió, điện khí, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Bạc Liêu đặc biệt chú trọng triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trọng tâm là mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, xây dựng hoàn thiện và đưa khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu vào hoạt động có hiệu quả, đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp giống, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ, thương mại về tôm của cả nước.

Theo đó, Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tạo thương hiệu sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, có năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh và giá trị lớn, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm đến năm 2025. Đồng thời, xây dựng vùng nuôi siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh và vùng sản xuất giống thủy sản tập trung, bảo đảm các điều kiện nuôi thâm canh, an toàn dịch bệnh gắn với xây dựng cánh đồng lớn, phấn đấu đạt 30.000 ha; xúc tiến đầu tư xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với quy mô diện tích khoảng 2.400 ha, thực hiện cánh đồng lớn gắn với bao tiêu lúa gạo đạt 100.000 ha gieo trồng lúa; xây dựng vùng sản xuất lúa giống chất lượng cao, sạch bệnh với quy mô 1.700 ha và vùng sản xuất rau an toàn…

Đẩy mạnh khai thác tiềm năng điện gió, điện khí

Có thể khẳng định, Bạc Liêu là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh trong đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, gồm điện gió và điện mặt trời, dựa trên ba lợi thế chủ yếu: Có bờ biển dài hơn 56 km, vùng ven biển có gió mạnh, ổn định, bình quân gần 7 m/s; thời tiết quanh năm có nắng với số giờ nắng bình quân đạt trên 2.900 giờ/năm…

Theo Quy hoạch Phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 tại Quyết định số 1403/QĐ-BCT ngày 11-4-2016, tổng công suất tiềm năng về điện gió của tỉnh lên đến hơn 2.500 MW. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có Nhà máy Điện gió Bạc Liêu, với quy mô công suất  99,2 MW, gồm 62 trụ turbine, công suất mỗi trụ 1,6 MW, tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng, đã phát điện lên lưới quốc gia hơn 1,1 triệu kWh.

DSC_0743_Tren_canh_dong_dien_gio-1602753623975.jpg
 Bạc Liêu đẩy mạnh phát triển điện gió, điện khí. (Ảnh: Trọng Duy)

Đáng mừng, từ năm 2019 đến giữa tháng 10-2020, Bạc Liêu đã chính thức có 10 dự án nhà máy điện gió được khởi công trên địa bàn tỉnh, với tổng công suất hơn 562 MW và tổng vốn đăng ký đầu tư hơn một tỷ USD, đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Cùng với hơn 27 dự án điện gió khác, với tổng công suất hơn 5.000 MW đang trình bổ sung quy hoạch điện VIII của quốc gia, Bạc Liêu đã đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, chọn năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển hàng đầu.

Đặc biệt, một trong những dự án lớn, mang tính động lực của Bạc Liêu trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 là đã thu hút được dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu, với quy mô công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư bốn tỷ USD, đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch điện VII của quốc gia và tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư; hiện nhà đầu tư đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án để khởi công vào dịp 30-4-2021.

Với sự nỗ lực cao và những thành tựu nổi bật nêu trên, có thể nói, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025 lần này, Bạc Liêu đã và đang quyết tâm rất cao, nhằm thật sự tạo chuyển biến mới, vị thể mới, với khát vọng cháy bỏng sớm trở thành tỉnh giàu mạnh ở đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, xứng đáng niềm tin, sự kỳ vọng của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân trong và ngoài tỉnh.