Nỗ lực không để nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh

Sáng 1-10, tại Trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chủ trì làm việc với 10 bộ, cơ quan ngang bộ về tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật (nợ đọng) và có hiệu lực pháp luật từ ngày 1-1-2021; tình hình xây dựng, trình các đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chín tháng năm 2020.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ luôn đặt vấn đề xây dựng thể chế, xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định hoàn thiện thể chế là then chốt, là khâu đột phá, chiến lược để đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả nền kinh tế. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành quan tâm, tập trung nguồn lực và ưu tiên hàng đầu cho công tác hoàn thiện thể chế. Bên cạnh đó, tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi bộ, ngành mình quản lý nhằm kịp thời phát hiện vướng mắc, bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn để đề xuất, xử lý, tháo gỡ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19.

Tổ công tác đề nghị các bộ, cơ quan phải quyết liệt, tập trung xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng, không để nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật trước khi diễn ra kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, không làm ảnh hưởng kết quả, sự cố gắng, nỗ lực của cả nhiệm kỳ Chính phủ. Chậm nhất đến ngày 15-10, các bộ, cơ quan hoàn thành 18 văn bản nợ đọng, còn 49 văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh, nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, đề nghị thời gian ban hành chậm nhất là 15-11-2020…

PV