Ngăn chặn nạn phá rừng giáp ranh Phú Yên - Ðác Lắc

NDO -

Tình trạng phá rừng tự nhiên vùng giáp ranh hai huyện Sông Hinh (Phú Yên) và M'Ðrắk (Ðác Lắc) đã và đang diễn ra phức tạp. Mặc dù Chi cục Kiểm lâm hai tỉnh Phú Yên và Ðác Lắc đã có cam kết phối hợp bảo vệ, thậm chí từng lập chốt ngay tại cửa rừng để ngăn chặn. Tuy nhiên, trên thực tế, những cánh rừng già giáp ranh hai huyện nói trên vẫn đang chảy máu từng ngày.

Hiện trường vụ phá rừng quy mô lớn tại Tiểu khu 309 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sông Hinh (Phú Yên).
Hiện trường vụ phá rừng quy mô lớn tại Tiểu khu 309 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sông Hinh (Phú Yên).

Ðể tiếp cận được tiểu khu 309 là khu vực trọng điểm của nạn phá rừng, chúng tôi phải vượt dốc, băng đèo với đoạn đường dài hàng chục km trong suốt hơn ba giờ đồng hồ. Ðây là khu rừng già, thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Sông Hinh, Phú Yên. Tại đây những cây gỗ lớn có tuổi thọ hàng trăm năm đã bị chặt hạ nằm chỏng chơ, nhiều cây ngã vắt ngang cản đường. Liền đó ngổn ngang những cây gỗ lớn vừa bị lâm tặc xẻ ván,chuyển đi, bột cưa, ván bìa, cành nhánh còn lại như một công trường khai thác quy mô.

Tại mỗi địa điểm khai thác, lâm tặc dựng nhiều lán trại, dự trữ nhu yếu phẩm phục vụ phá rừng quy mô lớn, dài ngày. Anh Huỳnh Hiếu, cán bộ Trạm quản lý, bảo vệ rừng buôn Ðức thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh cho biết, có rất nhiều người vào khai thác,  thường  tập trung từng nhóm, mỗi nhóm từ năm đến bảy người, được trang bị đầy đủ các phương tiện, như cưa lốc loại lớn, cùng dao, rựa, sẵn sàng  chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Tại đây, ngày 15-8 vừa qua, lực lượng chức năng trong lúc tổ chức truy quét đã đụng độ với một nhóm người, rất may là không có ai bị thương. Vì chúng quá đông và quá hung hãn nên lực lượng chức năng chỉ khống chế, tịch thu được 63 cây gỗ với khối lượng gần 300 m3. Nhóm người này sau đó đã tẩu tán phương tiện trốn vào rừng sâu.

Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh Võ Trọng Bình cho biết: Tình trạng phá và lấn chiếm đất rừng giáp ranh với tỉnh Ðác Lắc đang diễn ra hết sức phức tạp. Tại các khu 299, 305, 309 rừng nguyên sinh với trữ lượng gỗ rất lớn, đa chủng loại, có giá trị kinh tế cao nên những năm gần đây, số đối tượng khai thác tập trung nhiều ở khu vực này; chủ yếu là người ở tỉnh Ðác Lắc tham gia phá rừng quy mô lớn; trong khi đó muốn tuần tra, kiểm soát rừng thuộc địa bàn các xã giáp ranh như xã Ea Trol, xã Sông Hinh, lực lượng phải đi đường vòng xa hàng chục cây số qua huyện M’Ðrắk (Ðác Lắc) nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra ngăn chặn. Hơn nữa về các trang bị cho lực lượng quản lý bảo vệ rừng cũng chỉ là những phương tiện thô sơ, trong khi các đối tượng phá rừng chuyên nghiệp ngày càng hung hãn, sẵn sàng chống trả, gây khó khăn nguy hiểm cho anh em làm nhiệm vụ giữ rừng.

Anh Huỳnh Hiếu, cán bộ lâm nghiệp Trạm quản lý, bảo vệ rừng buôn Ðức thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh kể lại, trong một đợt tuần tra mới đây, trong khi dựng hai xe mô-tô cạnh đường đi để vào rừng, đã bị các đối tượng phá hỏng, phải vất vả khiêng xe trở về. Một vụ khác, tháng 7-2012, đối tượng Ma Huân, trú ở xã Cư Prao, huyện M’Ðrắk (Ðác Lắc) dùng xe đào mở đường xâm phạm sâu vào rừng tự nhiên thuộc địa bàn xã Ea Ly, huyện Sông Hinh, hạ bảy cây gỗ đường kính lớn thì bị bắt quả tang, lập biên bản. Nhằm khống chế, ngoài việc dùng các biện pháp trấn áp, răn đe, lực lượng bảo vệ rừng đã phải khóa ống nhớt xe đào không cho đối tượng điều khiển phương tiện lẩn trốn. Tuy nhiên, do trời tối, anh em buộc phải rút ra khỏi rừng để bảo đảm an toàn tính mạng, chờ sự giúp sức, hỗ trợ của lực lượng chức năng để xử lý. Tuy nhiên, ngay trong đêm, đối tượng lén lút đưa xe đào về cất giấu tại địa bàn tỉnh Ðác Lắc hòng tẩu thoát, nhưng cuối cùng cũng đã bị công an bắt giữ, xử phạt 190 triệu đồng và truy tố trước pháp luật.

Bất cập khác là rừng của huyện Sông Hinh quản lý, nhưng rất cách trở về giao thông, lại nằm cách xa các khu dân cư của huyện Sông Hinh, Phú Yên, gây khó khăn trong quản lý, bảo vệ rừng. Trong khi đó, đối với huyện M’Ðrắk (Ðác Lắc), thì khu vực này lại rất thuận lợi, địa hình kiểu cao nguyên khá bằng phẳng, giao thông thuận lợi, mật độ dân cư sinh sống đông đúc, sản xuất tập trung gần rừng, tạo cơ hội cho những đối tượng phá rừng hoành hành. Ðầu năm 2012, các doanh nghiệp của tỉnh Ðác Lắc lại mở đường khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng giáp ranh với rừng tự nhiên đầu nguồn thuộc xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, vô tình đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phá rừng diễn ra ồ ạt, gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ.

Ðể ngăn chặn việc vận chuyển gỗ ra khỏi rừng, đơn vị giữ rừng đã đào những hố sâu ngay trên đường, nhưng giải pháp tình thế này không hạn chế được nạn phá rừng giáp ranh.

Trở lại vụ phát hiện lâm tặc khai thác, chặt hạ 63 cây gỗ lớn với khối lượng gần 300 m3 tại tiểu khu 309, thuộc xã Ea Trol, huyện Sông Hinh vào đầu tháng 8 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Trần Thanh Ðịnh cho biết: Huyện đang rất kiên quyết chỉ đạo các cơ quan pháp luật, kiểm lâm huyện, liên hệ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các đợt truy quét, xử lý. Vụ việc đã được Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh khởi tố vụ án hình sự, đồng thời chuyển hồ sơ, vật chứng sang cơ quan công an tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý.

UBND tỉnh Phú Yên cũng đã có công văn chỉ đạo, yêu cầu Công an tỉnh chủ trì phối hợp UBND huyện Sông Hinh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan chỉ đạo việc khám nghiệm hiện trường, xác minh điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác gỗ trái phép theo đúng quy định pháp luật. Giao UBND huyện Sông Hinh chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương thuộc huyện M’Ðrắk, tỉnh Ðác Lắc để nắm thông tin, đồng thời tăng cường năng lực bảo vệ rừng, công tác tuần tra, trinh sát vùng giáp ranh giữa hai tỉnh theo quy chế phối hợp, nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, nhất là khu vực tiếp giáp với các tuyến giao thông, khu vực sản xuất nông lâm nghiệp, khu dân cư của tỉnh Ðác Lắc. Tỉnh Phú Yên sẽ trao đổi, làm việc với UBND tỉnh Ðác Lắc để cùng thống nhất và phối hợp chỉ đạo quyết liệt các biện pháp bảo vệ rừng, nhằm ngăn chặn tình trạng xâm hại tài nguyên rừng vùng giáp ranh giữa hai tỉnh.

Về phía tỉnh Ðác Lắc cũng cần quan tâm phối hợp, có biện pháp cụ thể phối hợp với Phú Yên để bảo vệ các vùng rừng giáp ranh; kiên quyết xử lý các đơn vị, cá nhân lợi dụng việc thực hiện các dự án trồng rừng để khai thác trái phép trong khu vực. Huyện Sông Hinh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và UBND tỉnh  cần có một số chế độ chính sách hỗ trợ cho cán bộ quản lý, bảo vệ rừng phù hợp. Cho thành lập Hạt Kiểm lâm trực thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ; đồng thời thí điểm giao một số diện tích rừng giáp ranh cho đơn vị quốc doanh quản lý, bảo vệ, nhằm ngăn chặn tình trạng xâm hại tài nguyên rừng vùng giáp ranh giữa hai tỉnh.