Chấn chỉnh hoạt động karaoke

Các khách lắc tại quán karaoke 24 Lò Đúc bị tạm giữ.
Các khách lắc tại quán karaoke 24 Lò Đúc bị tạm giữ.

Ở thời bùng nổ thông tin, nghệ thuật âm nhạc ngày càng có vị trí cao trong đời sống xã hội. Con người nay càng có cơ hội thưởng thức âm nhạc nhiều hơn qua các thiết bị có sẵn trong nhà. Ở nước ta, cùng với sự khởi sắc của đời sống kinh tế, âm nhạc giải trí đang phát triển mạnh. Hiện tượng "đáp ứng về âm nhạc" (nhất là nhạc nhẹ) trong cộng đồng nay có sự đổi khác rõ nét. Công chúng không những ham nghe hát mà còn thích tự hát.

Karaoke với sự hỗ trợ của âm thanh hiện đại, chữ chạy trên màn hình thể hiện lời bài hát được ứng dụng rộng để đáp ứng một loại nhu cầu giải trí của cộng đồng.

Ở Hà Nội có chừng 700 quán karaoke được cấp phép, chưa kể một số phòng karaoke đăng ký cùng với các dịch vụ của các khách sạn quốc tế. Ở TP Hồ Chí Minh có 900 quán karaoke hoạt động trải rộng ở 24 quận, huyện. Ngoài ra, những sinh hoạt karaoke ở gia đình cũng là con số không nhỏ. Nếu tính ở các tỉnh, thành phố, thị xã, thị trấn trong cả nước thì con số hành nghề karaoke là hàng vạn. Công bằng mà nói, sinh hoạt này đã đáp ứng một nhu cầu giải trí của nhiều người, nhất là lớp thanh niên yêu ca hát. Thực tế đã có không ít quán karaoke lành mạnh là điểm hẹn của những người say mê hát thật sự. Tuy nhiên, số đông quán karaoke nay mở ra chỉ để tổ chức "dịch vụ ôm". Khách đến đây đâu chỉ để hát mà là tìm nơi mua dâm. Hàng loạt đường dây mại dâm, thuốc "lắc" bị bóc dỡ gần đây là sự cảnh báo về hoạt động dịch vụ này.

Quy định về mở dịch vụ karaoke không phải là quá khó, chỉ cần bảo đảm có phòng 20 m2, cách âm cửa kính (trong) để bên ngoài có thể quan sát được bảo đảm an ninh trật tư, các băng đĩa là những bài hát được phép phổ biến (có tem nhãn), tiếp viên phải có hồ sơ đăng ký lao động, để quản lý nhân thân được xác nhận thường trú tại phường sở tại. Chỉ những điều kiện như vậy mà không ít quán karaoke không thể thực hiện nghiêm chỉnh. Chủ quán thường tăng số phòng không đúng với nội dung để trốn thuế. Số phòng không đủ tiêu chuẩn theo quy định là thường thấy. Không ít quán nay gắn liền với nhà nghỉ hoặc phòng hát nằm kề với nơi ngủ của tiếp viên, tạo điều kiện cho những hành vi kinh doanh thân xác.

Việc quản lý tiếp viên (thường được dân chơi gọi là cave) ở các quán karaoke rất lỏng lẻo. "Cave" số đông là gái tỉnh lẻ và còn rất trẻ. Một số quán karaoke nay được đầu tư trang thiết bị âm thanh hiện đại với những đĩa nhạc điện tử chát chúa để phục vụ đối tượng "bay" vốn là "cậu ấm, cô chiêu" thời kim tiền, thuê phòng cả ngày để "xài" thuốc "lắc" ôm nhau nhảy thâu đêm suốt sáng.

Ngày 19-6 mới đây, Công an phường 10 bất ngờ ập vào kiểm tra quán karaoke Sơn Ca (286 Cách mạng Tháng Tám, quận 3, TP Hồ Chí Minh) phát hiện 13 thanh niên (bốn nam, chín nữ) đang "phê" thuốc lắc nằm quấn vào nhau trong ba phòng.

Điều đáng phê phán là khá nhiều quán karaoke đang gây ảnh hưởng môi trường và an ninh trật tự vì được mở ở khu đông đúc dân cư, phố cổ. Khu vực tập trung karaoke có mật độ khá dày ở Hà Nội là Ðường Bưởi, Ðường Láng, phố Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Trúc Bạch... Ở ngõ cụt Cảm Hội, có cả dãy "karaoke cỏ" giá bình dân thường xuyên hoạt động tới nửa đêm, tụ tập lượng khách rất đông là học sinh, sinh viên.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Thanh tra Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội đã đình chỉ chín cơ sở hoạt động karaoke không có giấy phép hành nghề và 48 phòng hát karaoke không có trong nội dung giấy phép hành nghề. Ðiển hình gần đây là: karaoke Ngân Hà (112 phố Vọng), phạt vi phạm hành chính ba triệu đồng, tịch thu 234 đĩa VCD karaoke không dán tem nhãn kiểm soát, đình chỉ bốn tiếp viên không có hợp đồng lao động.

Tối 24-6, Thanh tra Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội và lực lượng an ninh văn hóa thành phố (PA25) với sự phối hợp của Công an phường Phạm Ðình Hổ, đột xuất kiểm tra quán karaoke Bình Minh (24 Lò Ðúc) và lập biên bản vi phạm hành chính: số phòng thực hiện không đúng quy định, giấy phép, sử dụng đĩa VCD chưa được phép lưu hành, sử dụng bốn tiếp viên nữ (gái gọi) không có hợp đồng lao động, tịch thu 396 đĩa VCD, DVD...

Biện pháp ngăn chặn tiêu cực phát sinh từ dịch vụ karaoke là có phương án quản lý nhân viên. Nên bỏ hoặc giảm bớt lực lượng gọi là tiếp viên có khi đông tới cả trăm người ở những quán karaoke lớn. Kiên quyết xóa bỏ "dịch vụ ôm".

Ngăn chặn một số quán bar, nhà hàng
biến thành tụ điểm sa đọa

Gần đây một số nhà hàng, quán bar trong cả nước có giấy phép kinh doanh theo luật doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Ðầu tư ở địa phương cấp đua nhau "trình diễn nghệ thuật" biến tướng thành bar âm nhạc và vũ trường trá hình, tổ chức cho khách nhảy dưới nhiều hình thức. Ngành văn hóa khi kiểm tra xử lý gặp nhiều khó khăn. Thực tế đó đòi hỏi cần biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Nếu có cũng chỉ đến mức xử phạt hành chính hoặc bằng tiền, không thể tước quyền sử dụng giấy phép dù vi phạm nghiêm trọng bởi ngành đâu có cấp phép hoạt động khiêu vũ tại những điểm này. Nguyên nhân: Trước đây, hoạt động kinh doanh bán bar âm nhạc phải có giấy chấp nhận (thủ tục tiền kiểm) của Sở Văn hóa - Thông tin địa phương, sau đó mới được cấp đăng ký kinh doanh. Nhưng từ khi có Nghị định 109/2004/NÐ-CP của Chính phủ quy định bãi bỏ giấy phép con thì việc đăng ký kinh doanh bar âm nhạc không còn phải xin phép của Sở Văn hóa - Thông tin. Chính sơ hở này tạo nên "khoảng trống bất ổn" về quản lý ở lĩnh vực kinh doanh vốn "nhạy cảm" trên. Nhiều chủ kinh doanh vì lợi nhuận đã "xé rào" bất chấp các quy định của pháp luật, đạo lý hoặc lợi dụng những kẽ hở pháp luật để "làm liều".

Hơn một tháng nay, một loạt đường dây mại dâm, môi giới mại dâm, thuốc "lắc" bị triệt hạ ở không ít quán bar âm nhạc, nhà hàng, nhất là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đã báo động về sự cấp thiết lập lại trật tự kinh doanh ở những tụ điểm "nóng" này.

Chỉ thị 17/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25-5-2005 Về việc chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường nhấn mạnh: "Rà soát lại các quy định trong Luật doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành liên quan, đề xuất điều chỉnh các nội dung không phù hợp; khẩn trương trình Chính phủ trong quý II năm 2005 Nghị định của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa - thông tin".

Ðể ngăn chặn sự bùng phát của tệ nạn xã hội phát sinh từ nhà hàng, quán bar cùng với việc cấp thiết phải điều chỉnh một số nội dung về chế tài pháp lý phù hợp thực tiễn các địa phương, cần tiếp tục tổ chức tốt việc kiểm tra, thanh tra kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa vi phạm quy định pháp luật.

HƯNG HƯƠNG