Vietnam Airlines có nguy cơ mất 100 tỷ đồng

Nguyên nhân vụ kiện cáo

Bắt đầu từ năm 1992, khi VNA ký hợp đồng với Công ty Falcomar (Italy) để công ty này làm đại lý của VNA tại Italy. Tiếp đó, Falcomar thuê luật sư Liberati để thực hiện cho họ một số công việc. Tuy nhiên, Liberati sau đó bị Falcomar sa thải và vị luật sư này kiện lên Tòa án Roma đòi Falcomar và VNA phải bồi thường.

Tháng 11-1994, Tòa án Roma gửi giấy triệu tập VNA tham dự phiên tòa diễn ra vào tháng 11-1995, nhưng VNA đã không có mặt tại phiên xử. Do vậy trong những lần xét xử tiếp theo, Tòa án Roma không cần có “trát” gọi VNA.

Theo thông tin ban đầu, có hai lý do khiến VNA không tham dự phiên tòa. Thứ nhất, vào thời điểm đó, ngành hàng không Việt Nam đang có sự chuyển đổi về mặt cơ chế nên các văn bản giao dịch (không phải hợp đồng kinh tế) không được lưu đầy đủ. Thứ hai, vụ kiện này lúc đầu không liên quan đến VNA vì nguyên đơn kiện Công ty Flacomar, sau đó công ty này giải thể và Tòa án Roma tuyên án bên liên đới là VNA phải chịu bồi thường. Việc ký hợp đồng đại lý với Falcomar được thực hiện từ tháng 11 -1992 với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam cũ được thành lập theo Quyết định 225 của Hội đồng Bộ trưởng. Sau đó, Tổng công ty này bị giải thể và Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (VNA) được thành lập năm 1993.

Năm 1995, Chính phủ có quyết định thành lập Tổng Công ty Hàng không Việt Nam trên cơ sở liên kết 20 DN hoạt động kinh doanh hàng không do VNA làm nòng cốt. Do hợp đồng liên doanh giữa hai hãng hàng không Việt Nam và Italy không được ký kết (chỉ dừng ở thỏa thuận, ký tắt) nên sau này VNA “mới” không lưu lại hồ sơ, còn hợp đồng đại lý với Falcomar được thanh lý năm 1995. Việc kiện cáo không căn cứ vào hợp đồng này mà lại nhằm vào những giao dịch của VNA với hàng không Italy vốn đã không được ký kết. Do đó khi nhận được “trát” tòa, VNA thấy rằng vụ kiện không liên quan đến hợp đồng đại lý và cũng không có thông tin gì nên không hầu tòa.

Kết thúc phiên tòa, tòa án phán quyết VNA phải bồi thường cho Liberati 4,851 tỷ lia (khoảng 4,3 triệu euro). Đến tháng 2-2004, do không thực hiện việc bồi thường cho luật sư Liberati, VNA đã bị Ủy ban Đòi nợ và tịch biên Pháp phong tỏa số tiền hơn 1,3 triệu euro tại tài khoản thu từ bán vé máy bay ở đại lý, đồng thời thông báo quyết định của tòa phúc thẩm Paris xác nhận số tiền VNA phải trả cho Liberati (bao gồm cả tiền phát sinh theo lãi suất ngân hàng) là 5,2 triệu euro (khoảng 100 tỷ đồng).

VNA sẽ kiện lại Liberati?

Ông Nguyễn Xuân Hiển, Tổng giám đốc VNA, không cho biết chi tiết nhưng khẳng định rằng VNA không có bất cứ một quan hệ nào, về mặt cá nhân cũng như trên văn bản pháp lý, đối với luật sư Liberati. Chính vì vậy, ông Hiển cho hay ngoài hai hướng giải quyết là không thực hiện phán quyết của Tòa án Roma và sai mức độ nào thì chịu mức độ ấy, VNA cũng đã dự tính đến hướng giải quyết thứ ba là kiện lại Liberati về việc kiện VNA vô cớ. Để chuẩn bị cho quá trình theo kiện, VNA đã thuê hai hãng luật sư, một của Pháp và một của Italy.

Các luật sư của Pháp và Italy khi được Vietnam Airlines đặt vấn đề vẫn cho rằng có thể vẫn thực hiện việc khởi kiện và chỉ cần Tòa án Roma thụ lý vụ án thì coi như việc này "đã thành công một nửa" vì lệnh cưỡng chế bồi thường cho ông Liberati sẽ phải dừng lại. Trên cơ sở đó, với sự giúp đỡ của các luật sư, Vietnam Airlines sẽ thương lượng để giảm số tiền phải bồi thường.

Nhưng việc này nếu thành công cũng phải mất hàng năm trời và rất tốn kém, có thể tính bằng triệu euro, chủ yếu là tiền thuê luật sư. Trên thực tế, trong mấy năm qua, với việc thuê các luật sư tại Pháp (để kháng án lệnh cưỡng chế tại Paris) và thuê luật sư tại Italy (để tìm hồ sơ vụ kiện và một số việc liên quan) đã làm cho Vietnam Airlines tốn kém hàng trăm nghìn euro. Một khó khăn nữa trong việc khởi kiện lại là hiện nay, ngay cả giám đốc của Công ty Falcomar cũng không biết hiện đang ở đâu.

Theo một số nguồn tin, các luật sư Pháp được Vietnam Airlines thuê đều tỏ ý bất bình với phán quyết của Tòa án Roma bởi lẽ trong vụ việc này, chỉ có hợp đồng ràng buộc trách nhiệm của Công ty Falcomar với ông Liberati mà không hề có quy định nào ràng buộc trách nhiệm của Vietnam Airlines đối với luật sư này. Trên thực tế, ông Liberati chỉ kiện Công ty Falcomar mà không kiện Vietnam Airlines. Một chi tiết đáng lưu ý khác là khi ông Liberati kiện Falcomar thì công ty này chưa phá sản (chỉ bị phá sản khi tòa đang thụ lý).Đây cũng là một lý do khiến trước đây Vietnam Airlines không chủ trương tham dự phiên tòa khi có giấy mời của Tòa án Roma. Tuy nhiên, chính vì thế mà quan tòa đã chỉ nghe một phía, không có ai phản bác và ra phán quyết bất lợi cho phía Việt Nam.

Mặt khác, nội dung phán quyết này, theo luật Italy, chỉ được công bố trên công báo của nước này, không được thông báo cho Vietnam Airlines. Bản thân ông Liberati chỉ nộp đơn yêu cầu cưỡng chế thi hành án ngay trước khi thời hiệu bản án chấm dứt, đẩy Vietnam Airlines vào thế bất ngờ, khó có khả năng kháng án vì đã quá muộn.

Dù thế nào thì VNA đang phải tốn công, tốn sức giải quyết vụ việc. Sự việc trở nên rối rắm vì sự tắc trách. Mặc dù đã có thư triệu tập của Tòa án nhưng VNA lại không cử người tham dự cũng như chẳng buồn theo dõi kết quả vụ kiện. Thậm chí, đến khi luật sư Liberati gửi thư yêu cầu trả tiền, cũng là thời điểm hết hạn kháng cáo, nhưng VNA vẫn “bình chân như vại”. Mãi bốn tháng sau khi tài khoản bị phong tỏa, ở thời điểm không còn cách giải quyết nào khác, VNA mới vội vã báo cáo Thủ tướng Chính phủ!

(Tổng hợp)