Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018):

Xây dựng một thế giới nhân bản hơn

Diễn ra từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 9 tại Hà Nội, sự kiện đối ngoại lớn nhất trong năm của Việt Nam - WEF ASEAN 2018 có chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch sáng lập WEF Klauss Schwab và các trưởng đoàn tham dự Hội nghị tại Phiên khai mạc toàn thể. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch sáng lập WEF Klauss Schwab và các trưởng đoàn tham dự Hội nghị tại Phiên khai mạc toàn thể. Ảnh: TTXVN

Không những phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, lựa chọn này còn gắn kết và bổ sung cho chủ đề chung của ASEAN 2018 là hướng tới Cộng đồng ASEAN “tự cường và sáng tạo”, đáp ứng sự quan tâm, mong muốn và lợi ích chung của các nước ASEAN và khu vực. Làm sao để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo? Câu hỏi ấy được phân tích trực diện và gián tiếp trong nhiều phiên hoạt động của Diễn đàn.

1 Trong cuốn sách Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, GS Klaus Schwab có dẫn Báo cáo khoảng cách về giới năm 2015 của Diễn đàn kinh tế thế giới, bản in lần thứ 10 có tiết lộ hai xu thế đáng lo ngại. Thứ nhất, với nhịp độ phát triển hiện nay, phải 118 năm nữa chúng ta mới đạt được bình đẳng giới về kinh tế trên thế giới. Thứ hai, quá trình tiến tới sự bình đẳng này diễn ra khá chậm chạp, thậm chí có thể bị đình trệ.

Những điều mà GS Klaus Schwab nêu lên hiển nhiên sẽ dẫn đến câu hỏi: Vậy vị trí của nữ giới trong thời đại của công nghệ thông minh sẽ như thế nào? Sự tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư với khoảng cách về giới sẽ như thế nào? Cơ hội nào cho phụ nữ trong thị trường lao động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư?...

Chia sẻ trước báo giới, GS Klaus Schwab nhấn mạnh, chúng ta cần phải bảo đảm trong dài hạn, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở cả các quốc gia khác, con người luôn ở trung tâm cuộc cách mạng. “WEF đã thành lập một bộ phận đặc biệt, đặt tại San Francisco để bảo đảm WEF làm việc mức độ toàn cầu, hướng tới con người, để con người không trở thành nô lệ của robot mà biến robot phục vụ con người. Chúng ta cần tạo ra một thế giới nhân bản hơn”.

2 Vào ngày 11-9, Oxfarm công bố một báo cáo cho thấy, các quốc gia trong khu vực đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục, phần lớn từ các doanh nghiệp tư nhân. Chỉ trong vòng không quá 5 thập kỷ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng từ 37,6 tỷ USD vào năm 1970 lên 2,6 nghìn tỷ USD vào năm 2016. Trong hai thập kỷ gần đây, hơn 100 triệu người đã có việc làm và hàng triệu người đã thoát nghèo. Ðầu tư tăng, cơ sở hạ tầng phát triển, thương mại mở rộng và sự thịnh vượng của khu vực tăng vọt.

Xây dựng một thế giới nhân bản hơn ảnh 1

Nhưng, trong sự tăng trưởng ấy, đáng tiếc, sự phân hóa giàu nghèo vẫn tiếp tục tăng. Trong khi châu Á - Thái Bình Dương có nhiều tỷ phú hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới, vẫn còn hơn 70 triệu người tại Ðông - Nam Á và Ðông Á bị thiếu ăn. Theo Ủy ban Kinh tế -Xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP), bất bình đẳng thu nhập tại châu Á đã tăng 20% trong vòng 20 năm qua. Các bằng chứng cho thấy: Bốn người đàn ông giàu có nhất In-đô-nê-xi-a có lượng của cải nhiều hơn 100 triệu người cộng lại; số tiền mà người đàn ông giàu có nhất Việt Nam kiếm được trong một ngày nhiều hơn số tiền mà người nghèo nhất kiếm được trong 10 năm; và tại Thái-lan, 56% của cải của quốc gia thuộc về 1% người giàu có nhất.

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu lên tiếng cảnh báo, phụ nữ và trẻ em là hai đối tượng đang bị bỏ lại phía sau. Mặc dù có tiềm năng đóng góp lớn về mặt kinh tế, mức lương của phụ nữ lại vẫn thấp hơn 30% so với nam giới khi làm cùng một công việc, trong khi họ còn phải đảm nhận các công việc nội trợ và chăm sóc khác nhiều hơn gấp 2,5 lần so với nam giới. Một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á ước tính rằng, nếu sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động tăng từ 57,7% lên 66,2%, thì chỉ trong một thế hệ, nền kinh tế của châu Á có thể tăng trưởng 30%.

Câu hỏi mà nhiều nhà nghiên cứu đặt ra là làm sao thu hẹp đáng kể khoảng cách của sự bất bình đẳng trong khi cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng hơn bao giờ hết? Một thế giới trở nên nhân bản hơn đòi hỏi sự thay đổi triết lý kinh doanh từ các DN và sự nỗ lực truyền thông từ phía các chính phủ.

3 Từ xu thế ấy cho thấy, kinh doanh có trách nhiệm và luôn hướng tới cộng đồng là cách phát triển bền vững của DN và người dân. Và kinh doanh có trách nhiệm trong sự phát triển như vũ bão của kinh tế và khoa học công nghệ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. “Một số người lo ngại, những công nghệ mới được đưa ra trên phạm vi toàn cầu sẽ làm giảm số lượng việc làm hoặc có thể gia tăng bất bình đẳng. Ðây là những câu hỏi quan trọng đặt ra tại khu vực ASEAN, nơi có dân số trẻ và đang có mức tăng trưởng nhanh chóng, với 11 nghìn lao động mới mỗi ngày. Con số này sẽ tăng hơn nữa trong 15 năm tới”, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WEF Justin Wood chia sẻ.

Bản thân người dân nói chung và người tiêu dùng nói riêng cũng đã có những đánh giá rất khác xưa về các DN trên thị trường. “Ngày càng có nhiều người tiêu dùng trên khắp thế giới nói rằng họ muốn mua sản phẩm từ các công ty đạt tiêu chuẩn về đạo đức và xây dựng được các giải pháp thị trường để giải quyết các thách thức về xã hội và môi trường. 64% người dân Ðông - Nam Á nói rằng họ sẽ trả giá cao hơn cho các công ty quan tâm đến các yếu tố ngoài lợi nhuận; con số này cao hơn phần lớn các quốc gia phát triển. Ðầu tư có tác động xã hội đang tăng với 3,6 tỷ USD đã được chi tại Ðông - Nam Á. Các nhà đầu tư và các chính phủ ngày càng dành nhiều ưu đãi và đặt yêu cầu cao đối với các mô hình kinh doanh có đạo đức và trách nhiệm”, Báo cáo của Oxfarm công bố nêu ra một xu thế.

Có lẽ đã đến lúc thúc đẩy các mô hình kinh doanh công bằng, đặc biệt là mô hình DN xã hội, bằng cách thiết lập các động lực và ưu đãi về pháp lý và tài chính mềm dẻo để bản thân các DN cũng nhận rõ được trách nhiệm của mình với sự phát triển kinh tế - xã hội. Chẳng hạn như, DN phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền của những người lao động, của cộng đồng và việc chi trả lương phải bảo đảm cho người lao động đủ sống.

Ðó cũng chính là cơ hội để các DN tạo ra sự khác biệt bằng cách áp dụng cách thực hành giúp DN thân thiện với con người và môi trường hơn. Phần thưởng thật sự cho mỗi DN có trách nhiệm chính là “cả hai cùng thắng” - cả doanh nghiệp và xã hội cùng hưởng lợi bằng cách lồng ghép các yếu tố xã hội và môi trường vào hoạt động kinh doanh. Ðó chính là vấn đề mà các chuyên gia tập trung bàn thảo tại WEF ASEAN 2018.

Xây dựng một thế giới nhân bản hơn ảnh 2

Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WEF Justin Wood:

Cần sự kết nối giới trẻ ASEAN

WEF thực hiện khảo sát về tác động của cách mạng 4.0 đối với giới trẻ ASEAN và việc làm là bởi công nghệ đột phá đang làm thay đổi bản chất công việc, các mô hình kinh doanh cũng như cấu trúc của nền kinh tế; không ai biết rõ tác động của những công nghệ này ra sao. Tuy nhiên, các công việc cũ sẽ biến mất, công việc mới sẽ xuất hiện. Trong bối cảnh đó, cần có sự kết nối với giới trẻ ASEAN để đánh giá lực lượng này hiểu như thế nào về cách mạng công nghiệp 4.0 từ quan điểm triển vọng việc làm cũng như những cơ hội về thu nhập trong tương lai.

Xây dựng một thế giới nhân bản hơn ảnh 3

Phó Chủ tịch ADB Stephen P. Groff:

Chú trọng đào tạo đa kỹ năng cho người lao động

Ðể hỗ trợ phát triển kỹ năng cho người lao động, chính sách của chính phủ nên tập trung nâng cao sự kết hợp cả kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng cốt lõi như sáng tạo, tư duy phê phán, giao tiếp và làm việc theo nhóm. Việc huấn luyện, đào tạo đa kỹ năng, tái đào tạo và học tập suốt đời là rất quan trọng để tạo ra những người lao động có năng suất và khả năng thích nghi cao. Sự hỗ trợ và bảo vệ người lao động phải là một ưu tiên. Công nhân Việt Nam có thể sẽ chuyển việc thường xuyên hơn và họ cần sự hỗ trợ để duy trì một mức sống hợp lý, bao gồm cả bảo vệ xã hội đầy đủ.

Hội nghị WEF ASEAN 2018 tại Việt Nam quy tụ nhiều nguyên thủ của các quốc gia ASEAN, lãnh đạo cấp cao của các nước đối tác và khoảng 1.000 đại diện các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp ASEAN và quốc tế, cùng với khoảng 800 doanh nghiệp trong nước tham dự. Sự kiện này khẳng định vai trò, uy tín và vị thế của Việt Nam trong ASEAN, khu vực và thế giới ngày càng được nâng cao, tiếp nối sự thành công của Năm APEC 2017, Hội nghị Thượng đỉnh Mê Công mở rộng (GMS 6) tháng 3-2018; thể hiện sức hấp dẫn và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế về triển vọng phát triển của Việt Nam; đồng thời khẳng định thế và lực mới của Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới; thể hiện sự chủ động và “tầm vóc” của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, tham gia kiến tạo và định hình kinh tế khu vực và toàn cầu.