Tưởng nhớ Ðồng chí Trung tướng Ðồng Sỹ Nguyên

Vang mãi huyền thoại Trường Sơn

Như một định mệnh, khi chỉ còn ít ngày nữa là tròn 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 – 19-5-2019), và đúng dịp tháng Tư kỷ niệm 19 năm Ngày khởi công dự án đường Hồ Chí Minh hiện đại, vị tướng huyền thoại của Bộ đội Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh - Trung tướng Ðồng Sỹ Nguyên đã trút hơi thở cuối cùng, Ðể lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng bào, đồng chí, đồng đội…

Ngày 20-6-1985, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Giao thông vận tải Ðồng Sỹ Nguyên đến kiểm tra công trình xây dựng cầu Chương Dương và trực tiếp quét sơn lan can cuối cùng trước lễ thô
Ngày 20-6-1985, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Giao thông vận tải Ðồng Sỹ Nguyên đến kiểm tra công trình xây dựng cầu Chương Dương và trực tiếp quét sơn lan can cuối cùng trước lễ thô
Vang mãi huyền thoại Trường Sơn ảnh 1

Sinh thời, khi nhắc đến Trung tướng Ðồng Sỹ Nguyên, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Toàn bộ cuộc đời của đồng chí gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Ðảng, của dân tộc và của Quân đội… một trong những vị tướng tiêu biểu của Quân đội ta. Ðối với tôi, tướng Ðồng Sỹ Nguyên là một trong những người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết gần gũi suốt cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc mà tôi rất tin và quý mến!”.

Niềm tin yêu ấy không chỉ của riêng vị Tổng Tư lệnh, Thủ trưởng chỉ huy trực tiếp trong nhiều chiến dịch, mà cho đến những ngày tháng cuối cuộc đời nhiều đồng chí, đồng đội vẫn nhớ như in từng kỷ niệm với Trung tướng Ðồng Sỹ Nguyên.

Với tôi, trên bước đường làm báo, cách đây chưa lâu, cũng đã có vinh dự được gặp vị Tư lệnh huyền thoại ấy tại tư gia giản dị của ông ở số 54 Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội). Khi ấy, trong cuộc trả lời phỏng vấn PV Báo Nhân Dân cuối tuần về truyền thống cách mạng, ông còn chia sẻ những trăn trở với thời cuộc hôm nay, ông cũng không quên gửi gắm niềm tin tưởng vào thế hệ trẻ, một thế hệ có nhiều điều kiện phát triển trong hòa bình, nhất định sẽ đưa đất nước Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.

Ngay khi nghe tin Trung tướng Ðồng Sỹ Nguyên từ trần, tôi đã tìm và nghe lại những file ghi âm các cuộc trò chuyện, trả lời phỏng vấn của ông. Lần theo những câu chuyện đầy xúc động về một thời bi tráng nhưng kiêu hùng về huyền thoại Trường Sơn máu lửa, về đường mòn Hồ Chí Minh muôn nẻo trập trùng, "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm", tôi tìm gặp những đồng đội, những người từng làm việc với người chỉ huy quả cảm, quyết đoán, đã trải bao gian khổ hy sinh vẫn trăn trở việc dân, việc nước cho đến hơi thở cuối cùng.

“Anh em nhớ đoàn kết, phấn đấu hoàn thiện hệ thống đường Hồ Chí Minh cho sớm vào nhé!”, đó là lời dặn dò, sự gửi gắm, cũng là nỗi trăn trở của Trung tướng Ðồng Sỹ Nguyên với đồng chí, đồng đội khi đến thăm ông tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cách đây chưa lâu, nhân sinh nhật lần thứ 96 (ngày 1-3-2019). Gần trọn cuộc đời, thời chiến cũng như thời bình, như một định mệnh gắn ông với lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Năm 1967, Ðại tá Ðồng Sỹ Nguyên nhn quyết định của Bộ Quốc phòng điều vào làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy 559, đến tháng 7-1973 chuyển thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Năm 1974, ông được phong quân hàm vượt cấp lên Trung tướng. Ông có gần 10 năm công tác ở giai đoạn khó khăn gian khổ ác liệt nhất, nhiệm vụ nặng nề nhất trên chiến trường Trường Sơn. Với ý chí, quyết tâm, bản lĩnh, tài thao lược và nhân cách sáng ngời, ông đã cùng vi cán bộ, chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Ðảng, Nhà nước, Quân đội giao phó, vận chuyển chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền nam và còn giúp đỡ cách mạng hai nước bạn Lào, Cam-pu-chia.

Từ khi chỉ là núi đồi và rừng rậm, dưới sự chỉ huy sâu sát, mưu lược của Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Ðồng Sỹ Nguyên, đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh đã nhanh chóng trở thành tuyến vận tải quân sự chiến lược chy qua địa bàn 11 tỉnh của Việt Nam từ Nghệ An đến Bình Phước, bảy tỉnh của Nam Lào và bốn tỉnh đông bắc Cam-pu-chia, với 5 trục dọc, 21 trục ngang; tổng số khoảng 17.000 km đường ô-tô, trong đó gần 3.000 km đường K (ngụy trang kín).

Ðế quốc Mỹ đã tập trung sức mạnh của không quân đánh phá tuyến đường Trường Sơn vô cùng ác lit, các loại vũ khí, thiết bị kỹ thuật hiện đại nhất và liên tục cải tiến, chế tạo mới đã được quân xâm lược sử dụng ở đây. Hơn bốn triệu tấn bom đạn đánh phá xuống Trường Sơn, chiếm hơn một nửa số bom đạn Mỹ đã sử dụng trên chiến trường Ðông Dương. Chúng dùng thủ đoạn tạo ra hàng loạt trọng điểm trên khắp Trường Sơn để cắt đứt sự vận chuyển chi viện cho các chiến trường, nhưng cuối cùng hệ thống vận tải, thông tin, đường ống dẫn dầu chằng chịt từ miền bắc vào tới Bình Phước đã gây sửng sốt, bất ngờ cho quân địch. Trên các tuyến đường này, lực lượng giao thông Trung ương, địa phương, công binh, bộ binh, thanh niên xung phong… ngày đêm trần mình ra đào đất, đục xuyên núi đá, nhanh chóng đưa toàn tuyến vào sử dụng, mở ra thế trận mới. Công sức của các lc lượng mở con đường này là vô tận, là dời non lấp biển, xứng đáng vi danh hiu "xương sống của cuộc kháng chiến chống Mỹ”.

Trò chuyện với PV Nhân Dân cuối tuần, Anh hùng LLVTND, Thiếu tướng Hoàng Kiền - Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam, nhớ lại: Tôi nhập ngũ, hành quân vượt Trường Sơn vào đến đường 9 - Nam Lào cuối năm 1970 thì dừng chân, được biên chế vào Ban Tham mưu Công binh - Binh trạm 32. Cuối năm 1970 đầu năm 1971, Tư lệnh Ðồng Sỹ Nguyên vào thăm và làm việc với Binh trạm. Tôi vinh dự được đi đón và nghe Thủ trưởng nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ cơ quan Binh trạm bộ. Ông chỉ đạo phát huy danh hiệu “Binh trạm vạn tấn”, tức là mỗi tháng vận chuyển vượt qua đường 9 vào nam được một vạn tấn hàng là thắng lợi, cần đẩy mạnh vận chuyển vào chiến trường nhiều hơn nữa. Ông chỉ đạo chuẩn bị đối phó với cuộc tiến công của chính quyền Sài Gòn vào tuyến đường Trường Sơn dọc theo đường 9, chỉ đạo Binh trm nghiên cứu chuẩn bị tuyến đường tránh phía tây. Sau này chúng tôi mới biết cụ thể về cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch và chiến dịch phản công đường 9 Nam Lào của ta. Chúng ta đã chuẩn bị trước lực lượng, xây dựng thế trận đón đánh địch và chuẩn bị cầu đường cho vận chuyển không bị gián đoạn. Chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào giành chiến thắng vang di, có vai trò rất lớn của Bộ đội Trường Sơn, của Tư lệnh Ðồng Sỹ Nguyên.

Hệ thống tuyến chi viện cho chiến trường miền nam không chỉ có đường cơ giới, giao liên, mà một kỳ tích đã được xác lập là hệ thống đường ống dẫn xăng dầu trên Trường Sơn dài gần 5.000 km toàn tuyến, thi công liên tục từ tháng 6-1968 đến tháng 3-1975.

Suốt 10 năm làm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Trung tướng Ðồng Sỹ Nguyên đã tạo nên mạng lưới đường chằng chịt khiến đế quốc Mỹ không thể chặn chi viện từ bắc vào nam, viết nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh cả trong kháng chiến và hôm nay.

Sau này, Trung tướng Ðồng Sỹ Nguyên, người gắn bó đặc biệt với Bộ đội Trường Sơn, nắm giữ nhiều trọng trách khác nhau, dù đã xấp xỉ tuổi 80, nhưng với bề dày kinh nghiệm, nắm địa bàn Trường Sơn như trong lòng bàn tay, ông được giao nhiệm vụ là đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, lo công việc xây dựng đường Hồ Chí Minh nối liền nam-bắc.

Cùng với huyền thoại đường Trường Sơn, dự án đường Hồ Chí Minh hiện đại phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng mang đậm dấu ấn, công lao của Trung tướng Ðồng Sỹ Nguyên. Ðồng chí Phạm Hồng Sơn, nguyên Tổng Giám đốc BQL dự án đường Hồ Chí Minh, hiện là Tổng Giám đốc BQL Dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải), cho biết: Tướng Nguyên là đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, được Thủ tướng ủy quyền, làm cố vấn đặc biệt cho Chính phủ trong quá trình triển khai thi công dự án đường Hồ Chí Minh. Tên đường Hồ Chí Minh cũng là do ông đề xuất đặt tên. “Phải nói bác Nguyên là con người giải quyết công việc sâu sát, cụ thể, có lý có tình. Tôi nhớ khi mới thi công dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn từ Thừa Thiên - Huế sang Quảng Nam, có trường hợp người dân chưa đồng tình trong giải phóng mặt bằng, bác Nguyên đã đề nghị gặp trực tiếp gia đình đó, rồi trực tiếp bác ấy vào tận nhà thuyết phục, nói với gia đình đây là dự án rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, và hứa có vướng mắc gì sẽ cùng với Chính phủ trực tiếp giải quyết. Cũng có không ít khó khăn trên thực tế, ông lại viết thư, hoặc gặp trực tiếp xin ý kiến Chính phủ. Khi ấy ông cũng đã cao tuổi, nhưng tác phong còn nhanh nhẹn. Tôi nhớ, mãi khi ông 85 tuổi rồi mà vẫn đi thực tế, công tác” - đồng chí Phạm Hồng Sơn nhớ lại.

Theo mạch câu chuyện, ngược trở về những năm đầu thế kỷ 21, bước đầu thi công dự án đường Hồ Chí Minh, chúng tôi tìm gặp Anh hùng LLVTND - Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng, nguyên Phó Tư lệnh chính trị, Bí thư Ðảng ủy Binh đoàn 12 (từ năm 1996 đến 2005). Ông bày tỏ niềm xúc động khi biết Trung tướng Ðồng Sỹ Nguyên từ trần: “Mình thường xuyên gặp và làm việc với bác Nguyên. Kể cả sau này khi bác được Trung ương giao nhiệm vụ cố vấn đặc biệt cho quá trình xây dựng đường Hồ Chí Minh. Trong quá trình đó, bác cũng rất quan tâm chỉ đạo việc tôn tạo, giữ gìn các di tích lịch sử về Bộ đội Trường Sơn, bởi trên từng chặng đường ấy đều có xương máu của biết bao đồng đội. Ngay cả thời kỳ bác Nguyên làm Bộ trưởng Giao thông vận tải, hay Bộ trưởng Xây dựng - bọn mình luôn lắng nghe và nỗ lực thực hiện tốt các ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn đến nơi đến chốn của bác”.

Ðến những năm gần đây, khi vị tướng huyền thoại của chúng ta đã ngoài 90 tuổi, song ông vẫn minh mẫn, thường xuyên theo dõi thời sự, nắm bắt tình hình đất nước, quốc tế và không quên gửi thư, đóng góp ý kiến vào các công việc chung.

Những câu chuyện về tình đồng chí, đồng đội, về ý chí, nghị lực phi thường của vị Tổng Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Ðồng Sỹ Nguyên gắn liền với tuyến đường huyền thoại Hồ Chí Minh sẽ vẫn còn được nối dài, tôn bồi qua nhiều thế hệ.

Với 96 năm cuộc đời, ông đã dành trọn vẹn trái tim, trí tuệ suốt 80 năm cống hiến cho Ðảng, cho đất nước và nhân dân; đến 11 giờ 42 phút ngày 4-4-2019, trái tim vị tướng tài ba ấy đã ngừng đập, để lại niềm tiếc thương và cả tự hào cho đồng chí, đồng đội, và cho thế hệ hôm nay về một con người, một nhân cách, một tài năng.

Dưới bầu trời Thủ đô mưa bay lất phất, ngày 10-4-2019, từ sáng sớm, đông đảo đồng bào, đồng chí, đồng đội đã đến dự Lễ tang cấp Nhà nước được cử hành trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia, bày tỏ niềm thương tiếc, tiễn biệt Trung tướng Ðồng Sỹ Nguyên, vị tướng tài ba, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với Ðảng, trọn tình đồng đội, vẹn nghĩa nước non. Ông thanh thản an nghỉ, bên cạnh người vợ hiền và giữa vòng tay đồng đội.

Ðồng chí Ðồng Sỹ Nguyên (tên khai sinh Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Ðồng), sinh ngày 1-3-1923; quê quán: xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình; thường trú tại TP Hà Nội. Ðồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1938, được kết nạp vào Ðảng tháng 12-1939. Nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ). Ðồng chí là Ủy viên Trung ương Ðảng các khóa IV, V, VI; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; Ðại biểu Quốc hội các khóa I, VI, VII, VIII. Do có nhiều công lao và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Ðảng, của dân tộc, đồng chí được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Ðảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.