Tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách nên là bao nhiêu?

Tại phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các thành viên của ủy ban đã đi đến thống nhất là cần tăng tỷ lệ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách. Tuy nhiên, nâng lên mức nào vẫn là vấn đề đang tranh luận.

Công việc của đại biểu QH phải là thúc đẩy chính sách và quyết định chính sách. Ảnh: DUY LINH
Công việc của đại biểu QH phải là thúc đẩy chính sách và quyết định chính sách. Ảnh: DUY LINH

Một số thành viên của UBTVQH có ý kiến cần nâng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách từ mức 35% hiện nay lên mức 37-40%. Một số thành viên khác lại đề nghị tỷ lệ này cần được nâng lên cao hơn nữa. Tuy nhiên, tại sao lại nâng lên 37% hay 40% mà không phải là 100% như nghị viện của hầu hết các nước trên thế giới? Đây quả thật là một câu hỏi khó, nhưng trả lời nó lại rất quan trọng để không chỉ xác định đúng đắn tỷ lệ ĐBQH chuyên trách nói riêng, mà còn hoạch định thành công chiến lược đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội nói chung.

Trước hết, khác với mô thức cải cách kinh tế, mô thức cải cách chính trị của Đảng và Nhà nước ta là tiến hành từng bước vững chắc. Lý do là vì cải cách kinh tế cần phải được tiến hành trước để tạo ra cơ sở vật chất-kỹ thuật và cơ sở xã hội cần thiết, thì cải cách chính trị mới có thể thành công. Những cải cách chính trị nóng vội, manh động phần nhiều chỉ có thể dẫn đến đổ vỡ và bất ổn xã hội. (Kinh nghiệm của Mùa xuân Ả-rập cho chúng ta thấy rất rõ điều này). Quốc hội là một trong những thiết chế chính trị trung tâm, vì vậy những cải cách liên quan đến Quốc hội đều phải có bước đi phù hợp và phải được cân nhắc kỹ càng.

Hai là, cải cách chính trị là một quá trình chuyển đổi. Chuyển đổi quan trọng nhất là chuyển đổi chức năng. Sự chuyển đổi này trên thực tế đang diễn ra từng bước theo mô thức chung và dưới sự lãnh đạo của Đảng. Rõ ràng, không gian chính trị của Quốc hội đang ngày càng được mở ra rộng hơn. Tuy nhiên, năng lực của Quốc hội, cũng như tỷ lệ ĐBQH chuyên trách vẫn cần phải được nâng cao tương ứng với quá trình mở rộng không gian chính trị nói trên. Mọi sự vượt quá mức tương ứng chí ít đều có thể dẫn đến sự lãng phí nguồn lực, chưa nói đến sự xung đột chức năng.

Như tất cả chúng ta đều biết, trong quá trình đổi mới, quyền lực của Quốc hội đã được nâng lên rất nhiều. Tuy nhiên, sự lãnh đạo của Đảng vẫn là nhân tố quyết định trong quy trình ban hành chính sách, pháp luật ở nước ta (ít nhất là đối với những chính sách và những đạo luật cơ bản và quan trọng). Mà như vậy, thì chức năng cơ bản của Quốc hội vẫn là chức năng thể chế hóa chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng.

Thể chế hóa là mang lại tính chính danh và hiệu lực pháp lý cho chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng. Chức năng này có một số điểm gần với chức năng lập pháp, nhưng vẫn không phải là tương đồng với chức năng lập pháp. Để vận hành chức năng thể chế hóa, thì phải bảo đảm cơ cấu của các ĐBQH. Nếu để vận hành chức năng lập pháp, chúng ta phải có 100% số đại biểu chuyên nghiệp (chứ không chỉ chuyên trách), thì để vận hành chức năng thể chế hóa, chúng ta lại cần phải có đầy đủ đại biểu của các thành phần xã hội, các cấp, các ngành. Nâng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách là cần thiết, nhưng nâng lên quá cao sẽ khó bảo đảm được cơ cấu thành phần đại biểu để Quốc hội trở thành biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân.

Khi thực hiện chức năng chính của mình, Quốc hội phải có năng lực thể chế hóa, đường lối chủ trương của Đảng thành các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây lại là một công việc thuần túy mang tính chuyên môn, kỹ thuật và là công việc của các chuyên gia, không phải là công việc của các đại biểu (như các chính khách, công việc của đại biểu phải là thúc đẩy chính sách và quyết định chính sách). Nếu chúng ta giao công việc mang nặng tính soạn thảo văn bản nói trên cho các đại biểu chuyên trách thì vô hình trung, chúng ta đã biến các ĐBQH này thành các công chức.

Trở lại với câu hỏi tỷ lệ các ĐBQH chuyên trách sắp tới nên là bao nhiêu, rõ ràng chúng ta chỉ có thể có câu trả lời chính xác khi xác định được việc chuyển đổi chức năng đang diễn ra như thế nào.