Trong hành trình của “nền báo chí mới”

Một “nền báo chí mới”, một “nền báo chí phẳng” là khái niệm đã trở nên khá quen thuộc trong mấy năm gần đây. Vậy “nền báo chí cũ” sẽ tồn tại ra sao, hay đã lùi hẳn về quá khứ? Những tác động tốt và không tốt của nó trong bước hành tiến của giới báo chí hôm nay?

Tác nghiệp trong thời đại mới đòi hỏi các cơ quan báo chí phải rất chủ động, nhanh nhạy và bản lĩnh để không bị động trước cơn lũ thông tin. Trong ảnh: Gian trưng bày của Báo Nhân Dân tại Hội Báo toàn
Tác nghiệp trong thời đại mới đòi hỏi các cơ quan báo chí phải rất chủ động, nhanh nhạy và bản lĩnh để không bị động trước cơn lũ thông tin. Trong ảnh: Gian trưng bày của Báo Nhân Dân tại Hội Báo toàn

Với sự phát triển mạnh mẽ của in-tơ-nét, thị trường báo chí đang chứng kiến một sự thật, đó là cuộc “di dân” từ báo in sang các loại hình báo điện tử. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải có một cuộc cách mạng trong nghề báo, từ báo in, báo hình, báo nói, đến báo điện tử. Báo chí phải có nội dung, phương pháp làm báo khác đi thì mới đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của công chúng.

Trở lại khái niệm “nền báo chí mới”, có hai đặc trưng: một là, các loại hình báo chí phát triển rất nhanh chóng, mạng xã hội tác động vừa êm dịu vừa mạnh mẽ đến tình cảm, tâm lý, dư luận xã hội; hai là, trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, toàn cầu hóa, cùng những tác động của nền kinh tế thị trường, có rất nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi báo chí phải rất chủ động, nhanh nhạy, để không bị động trước cơn lũ thông tin cuộn xiết. Nước càng chảy mạnh, càng lắm thác lũ thì càng phải cẩn trọng để không sa sẩy, cuốn vào vòng xoáy ấy.

Đội ngũ những người làm báo hôm nay thật may mắn nhưng cũng lắm nhọc nhằn khi đang là nhân vật chính của “nền báo chí mới”. Khi nền báo chí thay đổi thì từ cách quản lý, đến cách làm báo đều phải thay đổi rốt ráo. Nghị quyết T.Ư 10, khóa XI, đã xác định cần quy hoạch, nhằm tạo điều kiện cho báo chí phát triển bền vững, đúng định hướng của Đảng và đúng pháp luật. Nói một cách khái quát nhất là: Phát triển đi đôi với quản lý. Trong toàn bộ hoạt động báo chí phải đặt tính Đảng, tính trung thực lên hàng đầu.

Thực tiễn luôn luôn vận động, cho nên việc thực hiện quy hoạch báo chí là công việc hết sức bình thường. Bất cứ một ngành nghề nào cũng vậy muốn phát triển đúng hướng, lành mạnh thì phải có quy hoạch. Báo chí muốn giành lại công chúng, không để những thông tin nhiễu loạn, sai sự thật bào mòn niềm tin của bạn đọc thì phải lập lại trật tự, bao gồm trật tự về mặt tổ chức, đội ngũ và trật tự về thông tin. Bởi mục đích cao nhất của báo chí là phục vụ Tổ quốc, nhân dân, không để lợi ích nhóm chi phối. Chúng ta thật sự lấy làm tiếc khi thấy không ít tờ báo đi quá xa tôn chỉ, mục đích. Có những tờ báo của hội, đoàn thể nhưng nhiều số báo không hề nói gì đến công việc của mình mà chỉ săn tìm những “tiêu cực” trong các lĩnh vực đất đai, tài chính, môi trường, tổ chức cán bộ để “rung” và để “dọa”. Một số ý kiến cho rằng, không có nguồn tài chính bảo đảm nên phải nghĩ đủ mưu kế để tìm nguồn, trong đó rất tiếc, có những “mưu” sai lệch với bản chất báo chí xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Vẫn biết làm thế này thế kia là sai nhưng không làm thế thì… ngày mai lấy gì trả lương? Thật là một câu hỏi vô tiền khoáng hậu(!) Báo thì như vậy, còn cơ quan chủ quản cũng chẳng giúp gì được hơn. Thôi thì cho ý kiến chung chung: năng động, sáng tạo nhưng phải đúng pháp luật. Nhiều vị đứng đầu cơ quan chủ quản cho rằng, thời nay tìm ông tổng biên tập giỏi chuyên môn không khó bằng một ông biết kiếm ra tiền (!).

Khó khăn như thế sao người ta vẫn cứ thích ra báo? Báo chí vẫn cứ trăm hoa đua nở. Là người làm báo chuyên nghiệp mà lắm khi cũng chưa nghe đến tờ báo nọ bao giờ, có thể chỉ là tờ báo thuộc một hội nghề nghiệp của một đơn vị kinh tế tương đương cấp tổng cục. Thế nhưng, cũng “đánh đấm” hăng hái lắm. Không ít doanh nghiệp bị khơi vào những chuyện cũ đã kết luận từ cả chục năm trước. Báo này vừa trở gót lại thấy báo khác “hỏi thăm”.

Vậy nên khi có chủ trương quy hoạch báo chí, trong đó một số tờ báo trở thành tạp chí điện tử, một số tờ sáp nhập, một số tờ đóng cửa thì nhiều cơ quan chủ quản thở phào nhẹ nhõm, thoát cảnh “cho mượn” con dấu (!). Bởi suy cho cùng “tiếng nói” ngành, đoàn thể đã có nhiều kênh để nói. Chất lượng thông tin luôn là điều sống còn. Trong chiến tranh có một câu nói nổi tiếng: suy cho cùng nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến vẫn là sự thật. Nếu thông tin sai lạc, chậm trễ, thông tin với động cơ ngàu đục thà rằng đừng thông tin. Sự thật là vẻ đẹp trước hết và sau hết, quyết định sự tồn tại của một tờ báo.

Trong hành trình của “nền báo chí mới” ảnh 1

Tại Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên, các phóng viên đã phải cạnh tranh quyết liệt để có được tác phẩm báo chí chất lượng cao cho tòa soạn của mình. Ảnh: ĐĂNG ANH

Tuy nhiên, bước đi quy hoạch báo chí dường như vẫn còn ngập ngừng, vướng víu đâu đó. Việc quản lý báo chí, mạng xã hội vẫn còn nhiều lúng túng, bất cập. Không thể không nói tới mặt tích cực của mạng xã hội. Khi mỗi người có trong tay chiếc điện thoại thông minh là có thể trở thành nhà báo. Khái niệm “nhà báo công dân” ra đời từ đây chăng? Nhiều thông tin nóng bỏng, trong đó một số người xấu, việc xấu bị lộ sáng và đưa lên mạng tức thì, tranh thủ được sự đồng tình của dư luận, giúp cơ quan quản lý xem xét, xử lý.

Tiếc rằng, một vài sự việc đơn lẻ bỗng dưng được dăm ba tờ báo, nhất là sự phụ họa của mạng xã hội cuộn lên thành làn sóng, với góc nhìn thiên lệch khiến cho sự việc đó bị phản ánh một cách méo mó. Một ý tưởng mới cần phải được bình tĩnh xem xét lắng nghe ý kiến nhiều chiều bỗng nhiên bị “ném đá” rầm rầm, không sứt đầu mẻ trán mới là lạ.

Trong một xa lộ báo chí thênh thang, hiện đại, nhiều “phương tiện” tham gia như hiện nay, nhà báo tiếp tục được khẳng định vị trí đầu nguồn tin tức, đầu nguồn cuộc sống. Anh phải làm chủ tốc độ, đi đúng luật nhưng biết vượt thoát đúng lúc, với mục tiêu: nội dung là số một! Chưa bao giờ điều kiện làm báo thuận lợi như hiện nay. Không thể nào hình dung nổi chỉ cách đây hơn 20 năm, phòng biên tập báo chí bề bộn những là máy chữ, máy điện thoại, máy FAX, hồ dán, bút bi, bút chì và những tập phong bì cỡ lớn căng phồng bên trong đựng các bài báo được cắt để lưu trữ, vài ba hòn đá dùng đè giấy có tuổi thọ hàng chục năm đã nhẵn bóng… Thật sự đã xảy ra một giấc mơ! Phương tiện kỹ thuật hiện đại giúp nhà báo xử lý thông tin nhanh hơn, chính xác hơn, truyền thông tin nhanh hơn, đo chất lượng và giá trị thông tin cũng nhanh và rõ hơn. Nếu không nhanh chóng thay đổi phương thức tác nghiệp sẽ không thể theo kịp sự vận động, biến đổi trong thực tiễn. Nhưng khó khăn cũng rất lớn. Không chỉ có tòa soạn báo mà cá nhân người làm báo cũng luôn đứng trước những đối thủ nặng ký. Trong Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên tại Hà Nội hồi tháng 2-2019, chúng ta thấy các phóng viên quốc tế đã phải “cạnh tranh từng mi-li-mét” như thế nào để ghi được một tấm hình, một tiếng nói trở thành độc quyền của báo mình.

Người làm báo hôm nay luôn phải ráng sức vượt qua một thách thức là thực hiện đúng quyền năng cơ bản của nhà báo được thể hiện ở tám chữ: khai thác, cung cấp, sử dụng thông tin. Mục đích quan trọng nhất mà anh hướng tới chính là nội dung thông tin chính xác, trung thực, hấp dẫn. Vũ khí để anh vượt qua mọi vật cản chính là đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân. Tờ báo sẽ giữ được bạn đọc khi họ có niềm tin, khi họ tìm thấy câu trả lời trong mỗi tác phẩm báo chí. Chớ có bi quan cho rằng báo chí sẽ lụi tàn, nhất là báo in. Điều đó trông chờ ở đội ngũ phóng viên, mà thời nay có thể coi họ là những nhà cung cấp nội dung. Họ sẽ được bạn đọc yêu mến bởi tri thức rộng, bởi những khảo cứu chắc chắn, những phân tích sắc sảo, còn văn chương báo chí thì chuẩn mực, thanh nhã, không bao giờ “lỗi mốt”. Bạn đọc cũng rất tinh tường khi thấy tờ báo này, nhà báo kia “vang bóng một thời” nay năng lượng đã vơi, chữ nghĩa không còn nhung tuyết. Và cũng không khó để nhận ra tấm lòng người viết, còn rạo rực mê say hay đã cỗi cằn, xu phụ.

Thế nên, nếu có ai đó nhân danh “nhà báo thời 4.0” mà biến cái nghề cao quý này thành phương tiện làm giàu bất chính thì không bao giờ là con đường lương thiện. Đạo đức và trách nhiệm là ở cách nhìn, đánh giá cuộc sống đa chiều và đầy biến động, phức tạp hôm nay. Hãy cố gắng đến mức cao nhất để nhìn tận mắt, nghe tận tai và cảm nhận bằng mọi giác quan. Đạo đức và trách nhiệm thể hiện ở từng mẩu tin ngắn đến bài bình luận tầm cỡ, thiên phóng sự trùng điệp, từng câu văn, từng con số, từng bức ảnh. Mỗi chữ, mỗi câu, mỗi bài đều kết tinh sự lao động bền bỉ, niềm say sưa và khát vọng chân chính của người cầm bút.

Trong hành trình của “nền báo chí mới” ảnh 2

Sự thật là vẻ đẹp trước hết và sau hết, quyết định sự tồn tại của một tờ báo. Ảnh: MINH HÀ