Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV

Trông đợi một Quốc hội hành động

Khai mạc sau Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIV dự kiến kéo dài trong 20 ngày làm việc với một nghị trình dày đặc và khối lượng công việc lớn. Ngay từ những ngày làm việc đầu tiên, tinh thần của một Quốc hội hành động được thể hiện thông qua việc nâng cao chất lượng lập pháp và giám sát. Nhiều vấn đề lớn được mổ xẻ đến cùng để tìm giải pháp khả thi.

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TUẤN KHOA
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TUẤN KHOA

Từ ý kiến cử tri đến ý kiến đại biểu

Theo báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ sau kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV đến nay, đã tổng hợp được 3.463 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Trong đó, có 1.004 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn ĐBQH và 2.459 ý kiến, kiến nghị của nhân dân được phản ánh qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên Mặt trận ở Trung ương.

Ngay trong phần thảo luận, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2018, diễn đàn đã nóng vì những ý kiến của các đại biểu. Cảm nhận rõ nhất là khoảng cách giữa đời sống và nghị trường đã được rút ngắn tối đa, bởi những tâm tư của người dân về chuyện giá tăng, chuyện an sinh xã hội rồi giọt nước mắt của người nông dân nhỏ xuống khóc cho hoa màu, củ cải, dưa hấu... đã được những người đại diện cho dân đặt ra một cách trực diện.

Từ ý kiến của cử tri, của người dân đến với các đại biểu (Hội đồng nhân dân và Quốc hội) có nhiều cách và chẳng khó khăn gì nếu thật sự được lắng nghe, thấu hiểu. Song, điều quan trọng hơn cả, là những mong mỏi ấy phải được cụ thể hóa bằng giải pháp thiết thực thông qua ý kiến, đề xuất của các đại biểu. Từ kỳ họp trước, qua các kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho đến kỳ họp thứ năm này, cử tri và nhân dân cả nước đang được chứng kiến không chỉ một Chính phủ hành động mà còn là một Quốc hội hành động. Trong các phiên thảo luận tại hội trường cũng như tại tổ, giới báo chí dễ dàng ghi được những ý kiến thiết thực, những đề xuất kiến nghị cụ thể.

Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là những tín hiệu đáng mừng ban đầu.

Trông đợi một Quốc hội hành động ảnh 1

Nhiều vấn đề an sinh xã hội và tâm nguyện của người dân đã được đại biểu QH chuyển tải đến nghị trường. Ảnh: ANH TUẤN

Họp là bàn, là triển khai và giám sát

Bên cạnh những ghi nhận, đồng tình với những kết quả, mục tiêu đạt được về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH), trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chỉ rõ trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ vẫn còn những hạn chế. Theo đó, Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể hơn về việc thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường quản lý tài sản công liên quan đến quá trình cổ phần hóa DNNN và bán tài sản nhà nước; công tác quản lý chất lượng và vận hành các công trình xây dựng; việc kiểm soát tình trạng bong bóng bất động sản ở các địa phương; việc ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư, hỗ trợ Nhân dân và phát triển KT-XH sau khi Quốc hội quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; việc bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa; kết quả triển khai tận dụng các lợi thế, giải pháp vượt qua khó khăn trong thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế,…

Những tín hiệu của một Quốc hội hành động còn thể hiện qua sự tiếp nối các kỳ họp, tiếp nối các nhiệm kỳ; bên cạnh chức năng lập pháp, giám sát là đồng hành với Chính phủ, phản ánh ý chí nguyện vọng của nhân dân. Đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, nhiều nhiệm vụ quan trọng đang được thực tiễn đòi hỏi cần triển khai khẩn trương, có hệ thống và hiệu quả. Được coi như đơn đặt hàng, những nhiệm vụ Quốc hội giao Chính phủ là triển khai tích cực Kế hoạch phát triển KT-XH, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, tập trung triển khai các công trình quan trọng quốc gia; báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Giải quyết triệt để những tồn tại về BOT giao thông theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát, tổ chức kịp thời các phiên giải trình về những vấn đề “nóng” trong xã hội. Thực hiện tốt, bảo đảm thực chất việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ.

Tại các phiên thảo luận, một số ý kiến cũng thẳng thắn chỉ rõ hạn chế của nhiều bộ, ngành phản ứng chậm trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật. Thí dụ, việc mua bán bất động sản tại ba khu vực dự kiến phát triển đặc khu kinh tế cần được ứng xử bằng công cụ pháp luật thì lại chưa có. Chi phí thực hiện thủ tục hành chính cao, các loại giấy phép chồng chéo còn nhiều, song đến nay mới có Bộ Công thương phê duyệt, cắt giảm các điều kiện kinh doanh của ngành. Có một số bộ, ngành đưa ra phương án cắt giảm để xin ý kiến, còn hầu hết các bộ, ngành chưa đưa ra số lượng các điều kiện kinh doanh cần cắt giảm. Trước đòi hỏi xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, đã đến lúc, Chính phủ phải ra “tối hậu thư” với các bộ, ngành, “đến ngày giờ nhất định mà không bỏ được giấy phép con thì cần xác định trách nhiệm người đứng đầu”.

Một số chuyên gia nhận định rằng, song hành với một Chính phủ hành động phải là một Quốc hội hành động. Hành động ngay từ nghị trường, bàn bạc hay thảo luận về một vấn đề KT-XH cần cụ thể hóa giải pháp, phương án triển khai và giám sát. Từ đó, công tác xây dựng hệ thống luật pháp cần dự báo, đón đầu những vấn đề của thực tiễn, bảo đảm luật đi được vào cuộc sống.

Mỗi ĐBQH cũng như mỗi thành viên Chính phủ, trên cơ sở nhiệm vụ, trọng trách mà cử tri và nhân dân đã tín nhiệm giao phó, trước những đòi hỏi mới cần chủ động sáng tạo, đổi mới cách làm vì lợi ích chung của toàn xã hội. Một trong những Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa XII) của Đảng đã đặc biệt chú trọng đến đổi mới công tác cán bộ, trong đó, một trong những tiêu chí đánh giá cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là dựa vào thành tựu, kết quả công việc. Vì thế, khi đã nhận nhiệm vụ thì không thể nói “trách nhiệm này thuộc về nhiệm kỳ trước” được. Mỗi nhiệm kỳ đều phải phát huy tính kế thừa, trong đó có kế thừa trách nhiệm xử lý những bất cập, tồn tại. Có như thế mới là một cán bộ, một đại biểu hành động, tạo tiền đề xây dựng một Chính phủ, một Quốc hội hành động.