65 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2019)

Thu nay, Hà Nội…

Hà Nội là trung tâm lớn về chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Nhưng điều Hà Nội luôn tự hào và phấn đấu vươn lên là trở thành đầu tàu về văn hóa. Lấy văn hóa làm nền tảng, sức mạnh mềm cho phát triển bền vững.

Phố bích họa Phùng Hưng đã trở thành không gian quen thuộc cho những sự kiện giao lưu văn hóa lớn của Thủ đô. Ảnh: MINH HÀ
Phố bích họa Phùng Hưng đã trở thành không gian quen thuộc cho những sự kiện giao lưu văn hóa lớn của Thủ đô. Ảnh: MINH HÀ

Trong sắc thu vàng Hà Nội.

Người đi. Người đi. Người đi. Thong thả, khoan thai quanh Hồ Gươm liễu biếc. Thư thái ung dung bên thung lũng hoa Hồ Tây -“vườn địa đàng” giữa lòng Hà Nội - ngắm lớp lớp sóng xanh và điệp điệp cúc vàng, lan tím. Hối hả từ các ngả đường đổ về nội thành những đoàn xe ô-tô. Những cây cầu Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, Đông Trù mỗi ngày thêm sức nặng áp lực đô thị hóa và nhịp sống ào ạt thời mở cửa.

Giữa thu cũng là dịp mừng ngày Thủ đô được giải phóng. Mới đó đã 65 năm Ngày năm Cửa ô đón mừng những đoàn quân từ khắp nẻo trận mạc trở về. Cờ đỏ sao vàng bay rạo rực. Những sắc áo xanh bạc mầu chiến trận. Những chiếc mũ lưới rập rờn lá ngụy trang. Những gương mặt kiên nghị chứa chan niềm hạnh phúc. Nỗi ước hẹn ngày lên đường kháng chiến của những người lính Cụ Hồ đã thành hiện thực: Ta mang ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến/ Chín năm rừng lòng vẫn Thủ đô (Hoài Anh). Đặc biệt nhất, những nhân vật chính của Thủ đô giải phóng là hơn 200 nghìn người dân rực rỡ cờ hoa chào đón các anh về. Chiều 10-10-1954, lá cờ Tổ quốc chính thức được kéo lên đỉnh Cột cờ Hà Nội; còi Nhà hát Lớn vang lên gióng giả báo hiệu một trang mới, Thủ đô ta từ nay vĩnh viễn sạch bóng quân thù. Phía cầu Long Biên, những người lính thực dân cuối cùng lầm lũi quay gót. Những gót giày của đội quân xâm lược nặng nề tháo lui, nhưng gương mặt họ thì ánh lên niềm vui, bởi họ chờ đợi ngày này từ rất lâu rồi. Từ hôm nay họ thoát khỏi một cuộc chiến điên rồ và vô nghĩa.

Với những người có tuổi luôn có cảm giác thời gian trôi thật nhanh. Mới hôm nào kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Mới hôm nào Hà Nội đón nhận danh hiệu Thành phố vì hòa bình của UNESCO. Mới hôm nào hợp lưu văn hóa Thăng Long - văn hóa xứ Đoài, đặng bổ sung cho nhau, làm đầy cho nhau. Trong cuồn cuộn thời gian, lòng lắng lại, ta bỗng thấy một Hà Nội vừa lắng sâu truyền thống văn hiến nghìn năm vừa hồng hào sức trẻ. Văn hiến được khắc ghi bởi nhiều dấu mốc. Nhưng sáng rỡ nhất là khi Vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Đại La (sau là Thăng Long - Hà Nội), nơi “rồng chầu hổ phục” làm nơi đóng đô của Nhà Lý, mở ra tiền đồ tươi sáng cho Đại Việt. Không phải ngẫu nhiên trong những năm qua nhiều di sản của Hà Nội được Quốc tế công nhận là di sản văn hóa thế giới như: khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, “Lễ hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng”, Nghệ thuật “hát ca trù”; 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Mới rồi chúng tôi may mắn được tham gia đánh giá, bình chọn những tác phẩm báo chí tiêu biểu nhất viết về văn hóa Hà Nội, về xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Đọc hào hứng, say mê hàng trăm tác phẩm báo viết, xem những thước phim về Hà Nội hôm qua và hôm nay là cơ hội để hiểu thêm, yêu thêm mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Viết về văn hóa nhưng không tách rời kinh tế - xã hội. Ấn tượng nhất về kinh tế là trong mười năm trở lại đây, kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng bình quân 7,61%. Diện mạo từ đô thị tới nông thôn ngày càng đổi mới, văn minh, hiện đại. Hạ tầng kỹ thuật và xã hội phát triển theo hướng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là trước những đòi hỏi cấp bách của quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Cùng với việc tập trung giải quyết các vấn đề “nóng” như ùn tắc giao thông, cấp thoát nước, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường, thành phố đã tạo ra một số điểm nhấn, như: Chương trình một triệu cây xanh (về đích trước hai năm); lắp đặt hệ thống chiếu sáng đô thị; xây dựng các tuyến đường xanh, sạch, đẹp ở ngoại thành…

Viết về hôm nay mà vẫn lấp lánh dáng vóc, nghĩ suy, lời ăn tiếng nói của người Tràng An vốn ưa sự khoan hòa, giản dị nhưng tinh túy, đêm đêm bền lòng ngồi đợi từng cánh hoa quỳnh hé nở. Hà Nội là trung tâm lớn về chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Nhưng điều Hà Nội luôn tự hào, luôn mong muốn là làm sao để trở thành đầu tàu về văn hóa. Lấy văn hóa làm nền tảng, sức mạnh mềm cho phát triển bền vững. Mỗi chủ trương, chính sách, mỗi việc làm của người dân đều hướng tới kế thừa truyền thống, “chưng cất” tinh hoa, hội nhập và tiếp xúc văn hóa để văn hóa Thủ đô có sức hút và sức tỏa.

Nếu nói về đô thị hóa thì hiếm có nơi nào quá trình ấy diễn ra nhanh và trên diện rộng như Hà Nội. Quá trình ấy kéo theo sự du nhập văn hóa, tạo ra các cú sốc cục bộ về văn hóa, đòi hỏi phải có sức đề kháng, tiếp thu, sàng lọc và loại bỏ. Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI đã chỉ rõ định hướng lớn trong giai đoạn hiện nay: “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Thì ra từ những chủ trương ngắn gọn ấy đã có rất nhiều những chương trình, hoạt động cụ thể. Đó là những mục tiêu thiết thực thực hiện kỷ cương, trật tự, cải cách hành chính. Đó là việc tập trung nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa. Đó là việc tập trung xây dựng môi trường, cảnh quan văn hóa, làm mới những không gian cũ. Không riêng người dân Thủ đô mà bầu bạn trong nước đã rất hào hứng khi hòa vào dòng người đi bộ quanh Hồ Gươm, thăm Phố sách Hà Nội, Phố bích họa Phùng Hưng; thăm các địa chỉ văn hóa: Hoàng thành Thăng Long, Nhà hát Lớn, Trung tâm văn hóa phố Cổ… Đấy là các điểm nhấn, còn nhìn toàn cảnh, ta thấy nhà văn hóa đã phủ khắp các xóm thôn, tổ dân phố. Theo một thống kê mới nhất toàn thành phố hiện có 2.330/2.528 thôn, làng và 1.698/5.442 tổ dân phố có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng dân cư. Văn hóa lan tỏa, neo bền, thấm sâu là như thế. Xây dựng môi trường văn hóa là gì nếu không phải là tạo dựng và trân trọng, nhân lên những nét đẹp trong đời sống, những chuẩn mực trong ứng xử; là giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa tinh thần, tiếp tục sáng tạo những giá trị mới.

Sáng tạo nhỏ trong định hướng sáng tạo lớn. Hà Nội đang xây dựng hồ sơ “Hà Nội - thành phố sáng tạo” để có cơ hội tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Mục tiêu xây dựng Thành phố sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa, nguồn lực văn hóa để sáng tạo và phát triển đô thị một cách bền vững. Trong một tương lai không xa thành phố nghìn năm tuổi này sẽ trở thành một trong những điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.

Đấy là nói về điểm đến trong hành trình đi tới. Còn lúc này đây nhiều giá trị văn hóa Hà Nội đang đứng trước những thử thách nghiệt ngã trước những thay đổi lớn của đời sống hôm nay. Lối sống xô bồ, ích kỷ, vô cảm đang ào vào từng ngõ phố, từng căn nhà. Chung cư 11 tầng, 17 tầng, 25 tầng và sẽ còn lên đến đâu? Đến nỗi nhóm tác giả báo Hànộimới đã lên tiếng trong loạt bài: “Chung cư lên tầng, văn hóa lên đâu?”. Văn hóa lên hay là xuống cấp? Thực trạng lộn xộn, ô nhiễm không khí ở các chung cư không đáng sợ bằng ô nhiễm văn hóa. Ngột ngạt từ hành lang cho tới thang máy. Lo hỏa hoạn, lo mất an ninh trật tự, lo tiếng ồn, phụ nữ lo bị quấy rối. Thang máy nhiều khi biến thành nơi dỗ trẻ. Hàng xóm sát vách cả năm không biết tên nhau, “chào” nhau qua khẩu trang, gửi tiền mừng cưới qua “Ô-sin”.

Đấy là ở chung cư. Ra ngoài đường là chạm mặt “văn hóa giao thông”. Không ùn tắc, không lấn đường, vượt ẩu, hành hung khi xe va chạm mới là chuyện lạ. “Hà Nội không vội được đâu” không chỉ là chuyện ngoài đường mà len vào công sở. Những khuôn mặt lạnh giá, những câu hỏi trống không, những lời hẹn lấy kết quả làm các thủ tục hành chính bị chậm năm lần bảy lượt không một lời xin lỗi. Vậy mà ngước mắt lên các biển hiệu trên đường nhiều khi tưởng đi nhầm vào “phố Tây”. Quảng cáo sính ngoại công khai và trơ trẽn thật là nỗi buồn, nỗi đau cho tiếng Việt. Chấn hưng văn hóa sao cứ để tồn tại mãi cái thứ rơm rác quảng cáo như vậy?

Những mảng tối trong bức tranh văn hóa Hà Nội lẽ ra không nên nhắc tới nhiều trong buổi Thủ đô ta rực rỡ cờ hoa mừng 65 năm ngày chiến thắng. Nhưng để Thăng Long mãi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, để có một bầu khí quyển trong lành thì phải thấy rõ sự ô nhiễm để tẩy rửa. Không thể có một bộ quy tắc ứng xử nào đầy đủ để đi vào mọi ngóc ngách đời sống. Chỉ có tấm lòng yêu Hà Nội khôn nguôi của mỗi người dân như nhà văn hóa Hữu Ngọc từng viết: “Yêu mỗi viên gạch xưa, mỗi nét kiến trúc cổ, yêu Hồ Gươm, Hồ Tây như yêu đôi mắt người thương của lòng mình vậy” mới đan quyện nên tình yêu lớn.

Chỉ có lòng tự trọng, bảo nhau giữ nếp nhà, nếp phố, làm giàu nhân cách của người Tràng An xưa và nay, hướng tới cái đẹp và cái thiện, hướng nguồn năng lượng từ lớp trẻ vào một tầm nhìn mới thì mới có thể đi nhanh và đi xa, xây dựng Thủ đô xứng đáng là đầu tàu văn hóa, là trái tim cả nước.

Thu Hà Nội đang giục những bước chân đi tới!

Thu nay, Hà Nội… ảnh 1