Siết chặt quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm

Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), cũng như tạo ra hành lang pháp lý để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tuy nhiên, vẫn có nhiều vụ vi phạm về ATTP bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý trong thời gian qua, với quy mô và mức độ đáng báo động. nạn thực phẩm bẩn vẫn ngang nhiên tồn tại trên thị trường, len lỏi vào bếp ăn công nhân, trường học… Vậy, đâu là kẽ hở của công tác quản lý vệ sinh ATTP hiện nay và giải pháp nào để thực phẩm bẩn không gây hại cho sức khỏe cộng đồng?

Một cháu nhỏ ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) được lấy máu xét nghiệm ký sinh trùng sán lợn miễn phí. Ảnh: Trần Cường
Một cháu nhỏ ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) được lấy máu xét nghiệm ký sinh trùng sán lợn miễn phí. Ảnh: Trần Cường

Từ chuyện hàng trăm học sinh Bắc Ninh mắc sán lợn

Vụ việc hàng trăm trẻ em độ tuổi mầm non bị phát hiện dương tính với sán lợn tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) khiến cho hàng nghìn gia đình ở địa phương này hoảng loạn, phải đưa con nhỏ về Hà Nội làm xét nghiệm sán lợn và các loại ký sinh trùng khác, vẫn đang diễn biến phức tạp, dù cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc.

Tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức thanh, kiểm tra toàn diện các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm, nhất là cung cấp cho các nhà trường, tiến hành truy xuất thực phẩm đầu vào các bếp ăn trường học. Cùng đó, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cũng vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các sở Giáo dục và Ðào tạo phối hợp với sở Y tế và các cơ quan tại địa phương tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh trường học, ATTP. Phía Bộ Y tế, ngày 19-3, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã có văn bản khẩn, yêu cầu Viện Sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng T.Ư, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư báo cáo việc người dân Bắc Ninh ồ ạt đưa trẻ về Hà Nội làm xét nghiệm sán.

Vụ việc trên thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng bữa ăn học đường nói riêng và vệ sinh ATTP nói chung. Việc kiểm tra nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm liên quan hiện vẫn được các cơ quan chức năng xác minh làm rõ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, vụ việc đã gây làn sóng phẫn nộ trong dư luận, lo lắng trong nhân dân này lẽ ra được giải quyết kịp thời, nếu như thông tin ban đầu tới người dân được cung cấp một cách minh bạch, thỏa đáng. Nói về vụ việc, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng: Việc người dân lo lắng trước thông tin thực phẩm không bảo đảm ở trường Thanh Khương (huyện Thuận Thành), sau đó tự nguyện đưa con đi xét nghiệm là lo lắng chính đáng. Song, vụ việc lẽ ra thông tin phải rất minh bạch, kịp thời, khách quan và không bao biện. Sự việc đúng như thế thì phải đương đầu và xử lý, còn nếu không đúng thì phải giải thích kịp thời, chính xác và khoa học.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng đánh giá tỉnh Bắc Ninh đã xử lý nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế khi nhận được thông tin về thực phẩm không bảo đảm ở Trường mầm non Thanh Khương và đã đình chỉ công tác các tổ chức, cá nhân liên quan. Trước câu hỏi, việc vi phạm ATTP ở trường Thanh Khương có liên quan gì đến việc các cháu đồng loạt đi xét nghiệm sán, trong đó một số cháu có kết quả dương tính, hay không? ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng chưa có cơ sở để khẳng định. Qua báo cáo, các mẫu thịt lợn không được lưu lại nhưng nếu thịt có sán, ấu trùng sán nhưng đã được nấu chín thì nguy cơ lây bệnh là không còn. Phải khẳng định rõ ràng không chỉ thực phẩm ăn ở trường mà còn nhiều nguồn có thể lây nhiễm sán nếu ăn uống không bảo đảm vệ sinh. Sau vụ việc này, không chỉ trường học, ngay cả người lớn, không chỉ ở Bắc Ninh mà nhiều tỉnh, thành phố đã ghi nhận có tình trạng như vậy cần tuyên truyền người dân ăn uống bảo đảm vệ sinh và chủ động trong phòng ngừa bệnh tật.

Tăng cường sự giám sát từ nhiều cấp, ngành

Vụ việc kể trên đang đặt ra yêu cầu các cấp, ngành chức năng có biện pháp nhằm siết chặt quản lý vệ sinh ATTP hiện nay mạnh mẽ hơn nữa. Trước đó, theo báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP, chỉ trong năm 2018 Bộ Y tế và các lực lượng chức năng trên cả nước đã xử phạt vi phạm hành chính gần 89 tỷ đồng (tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2017) vi phạm về vệ sinh ATTP. Các cơ quan chức năng đã chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố 11 vụ, 15 bị can về tội “Vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm” và một số tội danh khác có liên quan; xử phạt vi phạm hành chính 5.627 vụ, 4.924 cá nhân, 749 tổ chức; buộc tiêu hủy nhiều hàng hóa thực phẩm không bảo đảm an toàn cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng chỉ ra một số tồn tại như việc thực thi pháp luật tại địa phương còn chưa đạt yêu cầu, nhiều địa phương dù tổ chức thanh kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, vẫn còn đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan…

Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng vệ sinh ATTP, về phía quản lý nhà nước, cần khắc phục tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm. Cần hướng dẫn cặn kẽ, đầy đủ, kịp thời giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển đúng định hướng, tuân thủ nghiêm quy trình và các quy định về ATTP. Cũng như tăng cường, nâng cao hiệu quả thanh, kiểm tra, giám sát ATTP, nhất là ở cấp xã/phường, huyện. Những đối tượng vi phạm cần xử lý nghiêm khắc, có như vậy mới sàng lọc, giúp những cơ sở thực sự có chất lượng tồn tại và phát triển, những cơ sở thiếu ý thức, điều kiện cần thiết buộc phải dừng hoạt động.

Về phía người tiêu dùng, thiết nghĩ cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm; chặt chẽ và thận trọng trong lựa chọn sản phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc. Kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin, lên án, tẩy chay những cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm ATTP, tạo sức ép lên nhà sản xuất, kinh doanh cũng như nhà quản lý nhằm bảo đảm ATTP cho cộng đồng. Ðiều quan trọng hơn, cần tạo các ưu đãi để động viên người sản xuất, chế biến tốt, hiệu quả và có chế tài xử phạt nghiêm minh nhằm răn đe các hành vi cố ý, cố tình vi phạm các quy định về vệ sinh ATTP của lực lượng này.

Với ATTP trong trường học, nhằm ngăn ngừa các vụ việc vi phạm, thiết nghĩ cần phải giao trách nhiệm và ràng buộc chặt chẽ về chất lượng bữa ăn học đường cho hiệu trưởng nhà trường. Vai trò quản lý, giám sát của lãnh đạo phòng giáo dục cũng như chính quyền địa phương cũng cần phát huy hơn nữa, bên cạnh việc nghiêm trị thích đáng đối với đơn vị cung ứng thực phẩm bẩn vào trường học.