Những lời Bác dặn còn nguyên giá trị

Nhằm ôn lại và khắc ghi công lao to lớn, sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng bộ, Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, cũng là dịp để luận giải, làm phong phú thêm giá trị, tính nhân văn, tầm nhìn, tính thời đại trong những lời căn dặn của Người, ngày 8-10, Tỉnh ủy Bắc Ninh phối hợp Báo Nhân dân tổ chức Hội thảo Khoa học: “Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm Bắc Ninh - Giá trị lý luận và thực tiễn”.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: NGÔ VƯƠNG ANH
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: NGÔ VƯƠNG ANH

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho vùng quê Kinh Bắc, có tới tổng cộng 18 lần Bác về thăm và làm việc tại Bắc Ninh. Ngay trong những năm miền bắc bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế sau năm 1954, là người đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Xác định công tác thủy lợi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp, trong hai năm 1958 - 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bốn lần về thăm công trình đại thủy nông Bắc - Hưng -Hải. Tháng 10-1958, trong lần thứ hai đến công trường, Người nhấn mạnh: “Việc xây dựng công trường đại thủy lợi Bắc - Hưng - Hải là một chiến dịch. Trong chiến dịch này, ta phải có tinh thần quyết chiến, quyết thắng”. Ngoài ra, phải có tổ chức tốt, phải ra sức thi đua, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chống tác phong quan liêu, chống lãng phí”(1).

Ngày 14-9-1959, khi về dự Hội nghị thủy lợi toàn miền bắc tại xã Hiên Vân, huyện Tiên Du (Bắc Ninh), Người phân tích về nhiệm vụ của công tác thủy lợi: “Làm thủy lợi phải là phong trào của toàn dân. Xã này với xã khác, huyện này với huyện khác, tỉnh này với tỉnh khác, đều có liên quan với nhau, phải cùng làm, phải thảo luận với nhau, phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, không nên chỉ nhìn thấy lợi ích của nơi mình mà để thiệt cho nơi khác”(2).

Trong bài tham luận khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, đã khẳng định giá trị tư tưởng trong những lời dạy của Bác mỗi lần về thăm tỉnh nhà. Ghi nhớ những lời căn dặn của Bác, các thế hệ cán bộ và nhân dân Bắc Ninh đã luôn nỗ lực để đưa tỉnh nhà đạt được những thành tựu về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội… Nổi bật, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao: bình quân giai đoạn 2016 - 2018 tăng 12,6%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (tính đến hết tháng 6-2018, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 74,8%; dịch vụ chiếm 22,5%). Toàn tỉnh có 16 khu công nghiệp tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 6.397,68 ha, thu hút nhiều tập đoàn lớn, như: Samsung, Canon, Nokia, Foter Hồng Hải... cùng các doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và đầu tư phát triển công nghiệp, công nghệ cao vào các khu công nghiệp tập trung. Công nghiệp phát triển với tốc độ cao là động lực tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước.

Sau 20 năm tái lập, từ một tỉnh thuần nông, quy mô nền kinh tế nhỏ lẻ, cơ sở vật chất nghèo nàn, kết cấu hạ tầng lạc hậu, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn…, đến nay, Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Mục tiêu năm 2018, tỉnh đứng trong tốp đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp với 1.082 nghìn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 30,4 tỷ USD, GRDP bình quân/người đạt 6.027 USD... có tính khả thi cao.

Nhờ có sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, đánh giá nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020, Bắc Ninh đã có 12 chỉ tiêu đạt và vượt, tiếp tục nỗ lực hoàn thành 12 chỉ tiêu còn lại. Trong đó, đặc biệt có nhiệm vụ phát triển tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022, theo hướng “Hiện đại, văn hóa, sinh thái, tri thức và đô thị thông minh”.

Không chỉ quan tâm phát triển kinh tế, xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn chăm lo công tác xây dựng Đảng. Ngày 17-10-1963, về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ nhất, Người nhấn mạnh vấn đề đoàn kết nhất trí trong Đảng, nhất là khi hai tỉnh mới sáp nhập. Người dặn dò các cán bộ phải tuyệt đối tránh địa phương chủ nghĩa, phải nhất trí về tư tưởng, về hành động, về tình cảm. Mỗi đảng viên phải khắc phục bệnh cá nhân chủ nghĩa, bệnh công thần, óc địa vị, kèn cựa, không ai phục ai, không giúp đỡ nhau, không cộng tác chặt chẽ với nhau; phải đề cao cảnh giác cách mạng và chấp hành thật đúng các chính sách của Đảng”(3).

Ngày mồng một Tết Đinh Mùi (tức ngày 9-2-1967), Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, chúc Tết Đảng bộ và nhân dân xã Tam Sơn (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh). Người lại căn dặn: “Chúng ta phải loại trừ tệ nạn thiếu dân chủ, loại trừ cái thói quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí.”(4).

Muốn thế, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu là hết sức quan trọng. Để có cơ chế hành động nhằm đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy các cấp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy các cấp. Các quy định nêu cụ thể việc Bí thư cấp ủy gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; quy định lãnh đạo các cấp thực hiện đối thoại trực tiếp với nhân dân...; đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm xây dựng kế hoạch và cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị... Nhờ thế, đến nay, đội ngũ cán bộ đương chức và dự nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh và cấp huyện cơ bản đã có trình độ chuyên môn từ đại học và trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, phần lớn có trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân...

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá cao những ý kiến tham luận công phu, trách nhiệm, đóng góp cho thành công chung của hội thảo. Các tham luận đã nêu bật giá trị cả lý luận và thực tiễn những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, không chỉ đối với tỉnh Bắc Ninh mà còn có giá trị với cả đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

------------------------

(1) Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2016, tập 7, tr 128.

(2) Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2016, tập 7, tr 275.

(3) Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, tập 8, tr 345.

(4) Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, tập 10, tr 27.