Nhận diện những thách thức trong thực thi EVFTA và EVIPA

Việc Nghị viện châu Âu chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do Liên hiệp châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Ðầu tư EU - Việt Nam (EVIPA) vào ngày 12-2 vừa qua, thật sự là tin vui đối với Việt Nam, một nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Song, muốn nắm bắt cơ hội với EU, đối tác xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với giá trị thương mại hằng năm lên đến hơn 40 tỷ USD, chúng ta cần phải nhận diện, “điểm danh” một cách đầy đủ các thách thức, từ đó chuẩn bị nguồn lực, xây dựng các kịch bản, có lộ trình và biện pháp để bình tĩnh, tự tin vượt qua những khó khăn, thách thức đó.

Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA và EVIPA giữa Liên hiệp châu Âu và Việt Nam tại phiên họp toàn thể ngày 12-2. Ảnh tư liệu
Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA và EVIPA giữa Liên hiệp châu Âu và Việt Nam tại phiên họp toàn thể ngày 12-2. Ảnh tư liệu

Những văn bản có tính pháp lý quốc tế

Ðiều cần lưu ý đầu tiên, cả hai văn bản EVFTA và EVIPA đều có điều khoản quy định rằng, nếu xảy ra tranh chấp giữa các chủ thể kinh tế như giữa Việt Nam và các công ty nước ngoài, thì các vụ việc đó phải được xử lý tại tòa án trọng tài đặc biệt, chứ không phải theo luật pháp nước sở tại. Như vậy là, ký kết EVFTA và EVIPA, Việt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc của luật pháp quốc tế, không có kiểu hành xử theo kiểu “ao làng”, bắt các nước khác phải sửa luật của họ, không có kiểu “gọt chân cho vừa giày”. Ðiều đó đòi hỏi, Việt Nam sẽ phải tiến hành sửa đổi, ban hành một số cải cách pháp lý trong nước cho phù hợp với thông lệ quốc tế, thí dụ như vấn đề quyền của người lao động, mua sắm công hay những quy định liên quan đến doanh nghiệp nhà nước (DNNN)... Thật ra, những quy định khắt khe này Việt Nam đều biết và cũng chính là những kỳ vọng thay đổi mà Việt Nam muốn hướng tới trong quá trình đổi mới. Do đó, thực thi cam kết sẽ giúp Việt Nam có thêm động lực, điều kiện để sửa đổi, điều chỉnh trong quá trình lập pháp và hành pháp cho phù hợp thông lệ quốc tế.

Quy định chặt chẽ về hàng hóa

Trong vòng bảy năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết sẽ xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Ðối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại bao gồm một số mặt hàng nông nghiệp như gạo, ngô, tỏi, nấm, đường..., EU cũng cam kết sẽ mở cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Mặc dù EVFTA sẽ xóa bỏ tới 99,2% số dòng thuế nhập khẩu vào EU cho hàng hóa Việt Nam, nhưng để được hưởng mức ưu đãi này, tất cả hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU phải thỏa mãn được các tiêu chuẩn, vượt qua hàng loạt rào cản bao gồm quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường…

Trước hết, nói về “quy tắc xuất xứ”: Hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ tại một bên (Việt Nam hoặc EU) nếu đáp ứng được một trong các yêu cầu sau: Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu; Không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu, nhưng đáp ứng được các yêu cầu như hàm lượng giá trị nội địa không dưới 40%… Ðây là vấn đề mấu chốt, nhưng nan giải không dễ gì giải quyết trong thời gian ngắn bởi vì nguồn nguyên liệu cho hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thời điểm hiện tại chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN, đặc biệt là các mặt hàng dệt may. Trong số các rào cản đối với các mặt hàng dệt may thì nguyên tắc “từ sợi trở đi” là rào cản lớn nhất. Nguyên tắc này trên thực tế đã đóng hẳn cánh cửa nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, buộc các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải nhập nguyên liệu từ EU. Tuy nhiên, EVFTA cũng cho phép các DN Việt Nam được nhập khẩu nguyên liệu từ Hàn Quốc vì nước này đã có hiệp định thương mại với EU và thừa nhận gián tiếp về nguồn gốc sử dụng nguyên liệu từ nước này. Ðiều thiệt thòi là nếu không bảo đảm được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc, chứ không phải là mức thuế suất 0% trong EVFTA.

Về sở hữu trí tuệ, theo EVFTA, hai bên khẳng định tôn trọng và tuân thủ các điều khoản trong “Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ” (TRIPS) mà cả EU và Việt Nam đều là thành viên. Sở hữu trí tuệ là những quy tắc rất rộng liên quan đến quyền tác giả và các quyền liên quan; ngoài ra còn hàng loạt quy định về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, quyền sáng chế, bảo hộ thông tin bí mật, giống cây trồng và các vấn đề khác. Cho đến nay, thực tế cho thấy phần lớn các DN Việt Nam còn chưa quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, trong khi EU coi đây là yêu cầu có tính tiên quyết đối với bất kỳ hàng hóa của quốc gia nào tham gia vào thị trường này. Do vậy, để có thể khai thác được lợi ích từ Hiệp định EVFTA, Việt Nam cần đặc biệt chú ý tới những quy tắc về sở hữu trí tuệ trong EVFTA.

Về sử dụng lao động, dù có nhiều nỗ lực nhưng tại các DN Việt Nam vẫn tồn tại nhiều vướng mắc khi áp dụng các tiêu chuẩn lao động. Những vướng mắc phổ biến mà các DN Việt Nam vi phạm thường liên quan đến số giờ làm thêm theo quy định, quy định về nghỉ tuần, nghỉ lễ; môi trường làm việc, vệ sinh an toàn lao động, quyền tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Mặc dù, Việt Nam đã thông qua sáu công ước về người lao động, trong đó có công ước 98 nhằm bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động, nhưng điều đó là chưa đủ để thuyết phục các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hay EU và vấn đề này có thể là một rào cản lớn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Về bảo vệ môi trường, Việt Nam hiện chưa có các quy định, cũng như thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ môi trường trên cơ sở các ràng buộc và điều chỉnh thương mại. Bên cạnh đó, nguồn lực dành cho hoạt động bảo vệ môi trường còn khiêm tốn, chưa kể năng lực và ý thức của cả cán bộ quản lý và người dân chưa cao. Trong nhiều trường hợp, các nhà quản lý vẫn còn nghiêng về phương án phát triển hơn là bảo vệ môi trường, coi trọng tăng trưởng mà xem nhẹ hậu quả của việc bảo vệ môi trường. Ðiển hình là nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như chè, rau, hoa quả... mặc dù đã được EVFTA ưu đãi với các quy định linh hoạt liên quan “Các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật”(SPS), nhưng vẫn vấp phải những hạn chế do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thiếu tính đồng nhất trong các lô hàng, công tác thu hoạch, bảo quản chưa tốt dẫn đến chất lượng chưa bảo đảm. Ngoài ra, vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp ở những vùng biển tranh chấp, sử dụng các công cụ và phương tiện không được phép… cũng là những điều tuyệt đối không được phép trong quan hệ với EU. Mặc dù đây là những rào cản từ hàng rào phi thuế quan nhưng lại có ý nghĩa rất lớn khi mà Việt Nam còn xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp, hải sản tươi sống… đến một thị trường “khó tính” như EU.

Nhận diện những thách thức trong thực thi EVFTA và EVIPA ảnh 1

Ðã có nhiều cuộc tọa đàm được tổ chức nhằm góp phần tìm tiếng nói chung giữa Việt Nam và EU trong quá trình xây dựng hai hiệp định thương mại quan trọng EVFTA và EVIPA. Ảnh: Tùng Ðinh

Nguyên tắc có đi có lại

Giống như bất cứ hiệp định nào, để nhận được những ưu đãi trong thương mại và đầu tư của EU, thì Việt Nam đương nhiên cũng phải cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa và dịch vụ cho EU. Ðiều đặc biệt là cam kết của Việt Nam cho EU cao hơn cam kết của Việt Nam trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ít nhất là ngang bằng với mức mở cửa cao nhất mà Việt Nam thực hiện với các đối tác khác trong các đàm phán FTA hiện tại. Việc mở cửa thị trường với hàng hóa và dịch vụ cho EU cũng tạo ra sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế, DN, dịch vụ và hàng hóa của Việt Nam, mặc dù có sự tương đối “yên tâm” do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung, chứ không phải cạnh tranh, “đối đầu”.

Việc đưa EVFTA và EVIPA vào thực thi cuối cùng chỉ còn là vấn đề thời gian vì hầu như chắc chắn không còn rào cản lớn nào nữa. Thách thức lớn nhất có lẽ chính là việc Việt Nam sẽ tổ chức thực hiện hiệp định này như thế nào, sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành có thật sự hài hòa không và các DN có đủ nguồn lực để theo đuổi cuộc chơi không. Hy vọng là chính phủ sẽ xác định đúng những ưu tiên, đưa ra những giải pháp và lộ trình phù hợp đem lại lợi ích cho tất cả các bên.

(★) Trường ÐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ÐH Quốc gia Hà Nội).