Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh C.Mác (5-5-1818 - 5-5-2018)

Người mở đường cho sự ra đời một xã hội mới

Năm 2018 này, cả nhân loại tiến bộ đều hướng tới kỷ niệm tròn 200 năm ngày sinh của C.Mác, một trong những lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và những người bị áp bức, bóc lột trên toàn thế giới. Học thuyết của C.Mác làm hình thành nên thế giới quan khoa học mới về các vấn đề lịch sử, chính trị, xã hội và tiến trình phát triển của loài người. Học thuyết của C.Mác cũng soi đường cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chống áp bức bóc lột, xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất - nguồn gốc sinh ra áp bức bóc lột, bất công.

Không khí sôi nổi bên lề Hội thảo khoa học “Cống hiến vĩ đại của C.Mác - Giá trị tư tưởng và sức sống trong thời đại ngày nay” (diễn ra tại Hà Nội sáng 27-4). Ảnh: NGUYỄN HẢI
Không khí sôi nổi bên lề Hội thảo khoa học “Cống hiến vĩ đại của C.Mác - Giá trị tư tưởng và sức sống trong thời đại ngày nay” (diễn ra tại Hà Nội sáng 27-4). Ảnh: NGUYỄN HẢI

Hệ thống lý luận có giá trị và sức ảnh hưởng to lớn

Từ sự ra đời của tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (2-1848), Chủ nghĩa Mác chính thức được khai sinh. Tác phẩm được viết cách đây 170 năm đã dự đoán tư bản sẽ được toàn cầu hóa và sự bất bình đẳng sẽ càng ngày càng lớn. Cho đến nay, vẫn có nhiều người nghiên cứu bản Tuyên ngôn này.

Học thuyết Mác được khái quát thành hệ thống lý luận từ những thành quả nghiên cứu khoa học, gắn với nghiên cứu, khảo sát thực tiễn phong trào cách mạng của giai cấp công nhân châu Âu và Bắc Mỹ, nơi chủ nghĩa tư bản đã phát triển sang giai đoạn cao. Học thuyết Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới. Với phương pháp duy vật biện chứng, học thuyết Mác đã chỉ ra quy luật vận động, phát triển của xã hội loài người là sự thay thế của các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp tới cao. C.Mác chỉ ra rằng, sự thay thế đó là một quá trình lâu dài và được quyết định bởi sự vận động của những mâu thuẫn bên trong mỗi hình thái kinh tế - xã hội, trước hết là mâu thuẫn giữa sự phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; mâu thuẫn giữa các giai cấp đối kháng về lợi ích. Sự thay thế của các hình thái kinh tế - xã hội là tất yếu, là một “quá trình lịch sử tự nhiên”.

Bằng những luận chứng khoa học, C.Mác đã phát hiện và chứng minh lực lượng xã hội có sứ mệnh xóa bỏ bất công, xây dựng một xã hội mới tiến bộ trong tương lai chính là giai cấp công nhân. C.Mác đã cùng với Ph.Ăng-ghen sáng lập chủ nghĩa cộng sản khoa học, học thuyết mở đường giải phóng giai cấp công nhân. Luận giải một cách khoa học về sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân, về vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã vạch ra đường lối chiến lược, sách lược đấu tranh cách mạng, phương thức giành chính quyền và về phương hướng cơ bản để giai cấp công nhân xây dựng xã hội cộng sản văn minh. Lý tưởng của C.Mác mang tính thực tế sâu sắc. C.Mác tin tưởng sâu sắc rằng thế giới có thể trở nên tốt đẹp hơn. Vấn đề đặt ra, theo Mác, là cách tổ chức nền sản xuất để cho người làm sản xuất được chia sẻ lợi ích và không xung đột với người nắm quyền sản xuất.

Không chỉ xây dựng một học thuyết khoa học, cách mạng và mang tính nhân văn sâu sắc cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, thông qua hoạt động trực tiếp trong phong trào công nhân, C.Mác đã đưa lý luận của mình vào thực tiễn, thúc đẩy cách mạng và sự phát triển của xã hội. Kế thừa những tư tưởng của Mác, trong thực tiễn cách mạng, V.I.Lê-nin là người phát triển chủ nghĩa Mác thành Chủ nghĩa Mác - Lê-nin. V.I.Lê-nin đã lãnh đạo xây dựng thành công một đảng cộng sản chân chính của giai cấp công nhân Nga, lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Mười năm 1917 thắng lợi, mở ra một thời đại mới trong lịch sử nước Nga và lịch sử thế giới.

Tư tưởng đậm tính nhân văn

Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, người ta thấy một tư tưởng đầy tinh thần nhân đạo. Theo C.Mác: “Sự tự phát triển của mỗi cá nhân là điều kiện tạo sự phát triển của cộng đồng”. Một xã hội tốt, theo ông, là một xã hội có khả năng tạo những điều kiện cho mỗi cá nhân có thể phát triển khả năng riêng của mình. Và C.Mác cũng là người đấu tranh mạnh mẽ nhất, khi viết về lý tưởng cộng sản, cho quyền bình đẳng xã hội - bình đẳng cho phụ nữ và chống kỳ thị chủng tộc với người da màu cũng như sự chung sống hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Trong thế kỷ 20, hầu hết những phong trào chống thực dân đều được bắt nguồn từ tư tưởng của Mác và những “cảnh báo sớm” của Mác về môi trường sống có thể bị phá hoại vì nhu cầu của tiến bộ kinh tế đã được hiện thực minh chứng.

Tiến sĩ Te-ri Igle-tơn (Terry Eagleton), giáo sư tại các trường đại học Lancaster (Anh), National (Ai-len) và Notre Dame (Mỹ), trong tiểu luận In Praise of Marx (Ca ngợi Mác) đăng trên tuần báo của giới đại học Mỹ The Chronicle of Higher Education (số 15-4-2011) đã viết: “Sự thật là C.Mác đã viết ra một lý thuyết (trong tác phẩm đồ sộ “Tư bản”) phân giải phương cách hữu hiệu cho một hệ thống kinh tế tư bản được sử dụng để đạt công lý và sung túc cho người dân… Và những phong trào chính trị giúp các dân tộc nhược tiểu lật đổ đế quốc đã bắt nguồn từ tư tưởng của ông nhiều hơn từ bất cứ tư tưởng của ai khác trong thế kỷ 20”. “… Điều mâu thuẫn là một tác giả ít tiền như Mác lại viết rất nhiều về tiền bạc của hệ thống tư bản. Vậy mà ông đã có thể phân tích những mâu thuẫn, vạch trần những động lực, nghiên cứu lịch sử và tiên đoán ngày tàn của chế độ tư bản” . Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản tự do mới đã khiến người ta phải đọc lại Mác, bác bỏ nhiều luận điểm xuyên tạc Chủ nghĩa Mác, khẳng định giá trị những di sản tư tưởng và lý luận của ông.

Phương pháp làm việc biện chứng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhận xét: “Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng” (Hồ Chí Minh truyện, bản dịch Trung văn của Trương Niệm Thức, Bát Nguyệt xuất bản xã, Thượng Hải, tháng 6-1949). C.Mác và các nhà kinh điển mác-xít khác không bao giờ coi học thuyết Mác là một giáo điều, là những điều “nhất thành bất biến”. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin không phải là chân lý vĩnh cửu mà nó vận động và phát triển. Chủ nghĩa này muốn mang giá trị và sức sống đòi hỏi phải có sự sáng tạo và biết vận dụng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.

Tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê-nin trên hành trình đi tìm con đường cách mạng giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra câu trả lời về đường lối cho cách mạng Việt Nam. Hơn 88 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam trong suốt chặng đường dài đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân rồi đưa đất nước phát triển vững chắc trong cuộc chấn hưng mới. Thực tiễn cách mạng Việt Nam chính là biểu hiện sinh động, đầy sức thuyết phục về sức sống của chủ nghĩa Mác - Lê-nin khi được vận dụng sáng tạo đã giành thắng lợi ở một nước thuộc địa - phong kiến - điều mà C.Mác chưa bàn đến.

Quá trình đổi mới hơn 30 năm qua là cơ sở thực tiễn quý báu để Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn thiện hơn nhận thức trong việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, rút ra những bài học quý giá cho quá trình này để tiếp tục nhận thức đúng hơn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Những nhận thức về những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội, phù hợp với thực tiễn Việt Nam hoàn toàn tương đồng với hình ảnh một xã hội tốt đẹp trong hình dung của C.Mác.