Kỷ niệm những ngày làm văn nghệ...

Đại thắng Mùa xuân năm 1975 đã đem lại một cảm xúc thần tiên, cảm xúc suốt đời không thể diễn tả hết khi đất nước có được hòa bình sau 30 năm chờ đợi; khi non sông yêu dấu từ Lũng Cú đến Cà Mau, từ Trường Sơn đến Trường Sa được thu về một mối...

Định hướng làm văn nghệ trên Nhân Dân cuối tuần đơn giản là phải "hay" và "mới".
Định hướng làm văn nghệ trên Nhân Dân cuối tuần đơn giản là phải "hay" và "mới".


Nhưng hạnh phúc trong hòa bình chưa được bao lâu thì dân tộc lại phải lâm trận. Những người lính chống Mỹ 10 năm, 20 năm chưa kịp về nhà; những đứa trẻ vừa lớn vào 18 tuổi lại phải cầm súng bảo vệ Tổ quốc ở biên giới tây nam và biên giới phía bắc. Máu lại đổ dài...

Cùng với hai cuộc chiến tranh ấy, từ sau năm 1975 đến nay, dân tộc ta chịu hai cơn bức bối lớn: Một là, sự cấm vận của Chính phủ Mỹ từ 1975 đến 1994 kéo theo những khốn khó về ngoại giao, kinh tế...; cộng với sự trì trệ, bảo thủ trong tư duy, trong cách làm ăn của chính chúng ta. Cả “bánh mì” và “hoa hồng” - mục tiêu của cách mạng, nhu cầu chính đáng của con người đều không đạt được.

Cơn bức bối thứ hai là sự phát triển kinh tế thị trường thiếu kiểm soát chặt chẽ đã đẻ ra những nhóm lợi ích riêng xâm hại nghiêm trọng lợi ích của quốc gia, của nhân dân, đi ngược lại lý tưởng của Đảng, làm đảo lộn nhiều giá trị căn bản.

May thay, sự kiên cường và sáng suốt của Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thấy rõ nguy cơ “tồn vong” do sự suy thoái nội bộ gây ra, đã chặn đứng và từng bước đẩy lùi những kẻ thù nguy hiểm bên trong. Năm 2018 là năm hóa giải được cơn bức bối thứ hai này.

Kỷ niệm những ngày làm văn nghệ... ảnh 1

Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại (thứ hai từ trái sang) trong một chuyến giao lưu với các văn nghệ sĩ và người làm báo tỉnh Hưng Yên.

Trở về thời kỳ bức bối thứ nhất. Đổi mới trở thành một yêu cầu bức thiết của phát triển. Thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Báo Nhân Dân không chỉ cổ súy cho công cuộc Đổi mới chung mà tự mình cũng phải đổi mới, phải là người đi đầu trong sự đổi mới trên mặt trận báo chí.

Với tất cả tinh thần khiêm tốn, những người làm Báo Nhân Dân có thể tự hào rằng, Báo Nhân Dân đã đi đầu trong đổi mới thông tin, trong việc ra mắt các ấn phẩm mới. Ban Biên tập Báo Nhân Dân chọn một mũi đột phá: Ra tuần báo Nhân Dân chủ nhật 16 trang. Và đây cũng là tờ tuần báo đầu tiên của báo chí cách mạng nước nhà, chính thức xuất bản số 1 vào ngày 12-2-1989, đúng mồng 7 tháng Giêng năm Kỷ Tỵ. Từ năm 1995, ấn phẩm mang tên mới là Nhân Dân cuối tuần.

Là một ấn phẩm của báo Đảng, Nhân Dân chủ nhật là tuần báo chính trị - xã hội, nhưng được định hướng là một tờ báo có tính chất ma-ga-din. Tờ báo vừa là tiếng nói của Đảng, vừa là diễn đàn của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của đội ngũ trí thức và giới trẻ. Tờ báo có thông tin tổng hợp nhưng chú trọng nhiều đến tính văn hóa; bên cạnh yêu cầu nâng cao dân trí, còn đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh cho bạn đọc vào ngày chủ nhật...

Báo Nhân Dân chủ nhật do Ban Biên tập trực tiếp lãnh đạo. Phó ban đầu tiên có anh Hàm Châu, đang là Tổng Biên tập Tạp chí Tổ quốc chuyển sang, vừa trực xuất bản, vừa phụ trách trang thông tin khoa học. Phó ban phụ trách văn nghệ là anh Lê Thấu. Anh Đỗ Quảng phụ trách trang An ninh - xã hội, hầu như số nào anh cũng có một phóng sự gây xôn xao dư luận. Và nhuận bút được ưu tiên, rất cao, trên dưới 200 nghìn đồng/ bài, thời giá lúc đó mua được hơn một chỉ vàng. Vì thế, có người gọi vui Nhân Dân chủ nhật là báo màu, vì in màu, lại có “màu”. Anh Hoàng Huy phụ trách quốc tế. Anh Xuân Tiễn phụ trách thể thao. Anh Thế Long, người được mệnh danh là “ông đồ” thì phụ trách trang diễn đàn và phụ trách chung mảng khoa học xã hội. Tôi là phóng viên trẻ nhất Ban lúc đó, được giao phụ trách mảng văn nghệ, làm việc dưới trướng anh Lê Thấu. Phóng viên của Nhân Dân chủ nhật được yêu cầu là đặt bài và biên tập là chính, nhường đất cho cộng tác viên, mình viết càng ít, càng tốt.

Trong định hướng chung của tờ báo, định hướng làm văn nghệ đơn giản là phải hay và mới. Biên tập viên không chỉ chọn được bài hay, mà còn có nhiệm vụ tập hợp đội ngũ trí thức lớn viết cho báo Đảng; phát hiện những tài năng trẻ, những hiện tượng mới. Tinh thần là không ngại gai góc, miễn đạt được mục đích bồi dưỡng lòng yêu nước, nhân văn, nâng cao dân trí, hướng tới sự phát triển, sự đổi mới dứt khoát và mạnh mẽ.

Sự cải tiến của Nhân Dân cuối tuần là rất mạnh mẽ. Lòng yêu nghề, sự phấn chấn và trách nhiệm nghề nghiệp của đội ngũ người làm ấn phẩm rất cao. Tờ báo đã thu hút, mời được nhiều cộng tác viên là những nhà trí thức lớn như Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Đình Thi, Vũ Tuyên Hoàng, Đinh Ngọc Lân, Đào Vọng Đức, Nguyễn Lân Dũng... thường có những bài rất sâu, có nhiều ý kiến đáng thảo luận...

Ngay trên số 2 đã đăng bài Văn hóa là gì? của G.Nê-ru, cổ vũ cho văn hóa, cho tự do, cho tình yêu cái đẹp: Sự khôn ngoan là gì/ Chính nỗ lực của con người/ Vượt lên sợ hãi/ Vượt lên hận thù/ Sống tự do/ Thở hít khí trời và biết chờ đợi/ Dành trọn tình yêu cho những gì tươi đẹp.

Cũng trong số này có truyện ngắn Cấp cứu vô hiệu, tôi nhờ chị Phạm Tú Châu, cô giáo Hán học của tôi dịch của nhà văn Trung Quốc Trương Thạch Sơn. Đại để, truyện kể về một anh đi mua rau, tình cờ đỡ một em bé đi xe đạp bị ngã, vừa lúc ô-tô trờ tới. Thế là anh ta được “thổi” lên thành anh hùng, thành người thấm nhuần trước tác và những lời dạy vĩ đại mà có hành động anh hùng. Anh ta thành tượng đồng cùng với tượng ông Thọ bằng đồng có từ hàng nghìn năm trước. Anh ta say mê và giả dối kể mãi câu chuyện người ta bịa ra cho anh. Cuối cùng, anh chợt nhận ra: “Biển xanh đã mấy lần biến thành ruộng dâu. Thế giới thay đổi rồi... Đó là thế giới khiến anh hùng bằng đồng không có nơi thi thố kỹ xảo... Tế bào não bị gỉ ăn mòn gần hết của tôi chỉ nhớ được ấn tượng cuối cùng: Tôi không còn tồn tại nữa... Cấp cứu vô hiệu”.

Truyện này được khen hay, càng cổ vũ chúng tôi đi tìm các truyện hay và có vấn đề để suy ngẫm. Không chỉ đăng truyện mà còn trích đăng tiểu thuyết. Về thơ, dưới sự chỉ đạo của Trưởng ban và Phó ban Lê Thấu (anh Lê Thấu cũng trực tiếp tổ chức bài) mỗi số đều có một bài thơ tình cổ điển nước ngoài theo đúng mục tiêu bồi dưỡng tâm hồn con người, nâng cao dân trí, thực hiện giải trí. Nhiều số báo đăng chùm thơ của các tác giả nổi tiếng và thể hiện thái độ “tập hợp”, “không định kiến” bằng việc đăng các tác giả như Việt Phương, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Lê Đạt, Quang Dũng, những tác giả đến thời ấy vẫn có nhiều người nghi ngại. Thơ chống Mỹ được khẳng định bằng việc giới thiệu Phạm Ngọc Cảnh, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm..., và nhiều nhà thơ tài năng khác. Các tác giả trẻ như Nguyễn Nhật Ánh, Dư Thị Hoàn, Nguyễn Trọng Tín... cũng được giới thiệu trân trọng. Rồi những cây bút mới như cháu Hà Quang Minh (12 tuổi); Phan Thanh Phong (lớp 12) cũng được phát hiện và khuyến khích. Phan Thanh Phong một phần vì thế mà yêu Nhân Dân chủ nhật, thi vào Báo Nhân Dân, nay là Trưởng ban Nhân Dân hằng tháng, một ấn phẩm có nhiều thành công.

Về phê bình, lý luận, chúng tôi cũng đặt những cộng tác viên đầu ngành như điện ảnh là Bùi Đình Hạc, Hải Ninh, Trần Đắc, Đặng Nhật Minh...; múa có Trần Canh, Thái Phiên; mỹ thuật có Thái Bá Vân, Nguyễn Quân, Nguyễn Đỗ Bảo... đôi khi các họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương và các họa sĩ kháng chiến cũng viết bài phê bình cho báo.

Chúng tôi là cán bộ biên tập, đi đặt bài và là bạn đọc đầu tiên của những cây bút có thẩm quyền ấy, được học hỏi ở họ rất nhiều. Tôi nhớ bài viết “Bước đầu một chặng đường của văn học” của Nguyễn Đình Thi viết 30 năm trước đến nay vẫn đúng: “Chúng ta phải vượt qua những cách suy nghĩ hẹp hòi... Và chúng ta cũng phải nhìn rõ và uốn nắn những cách nhìn, nghĩ và hành động quá trớn có vẻ tiền phong, có thái độ cực đoan, nhưng thật ra lại hạ thấp văn học thành tầm thường, chiều nịnh những tâm trạng mệt mỏi, làm cho lòng tin vào cách mạng, vào con người bị xói mòn”.

Nhân Dân chủ nhật ra đời đã góp phần phá được căn bệnh nặng nhất của báo chí lúc đó là thông tin một chiều, cung cấp được nhiều thông tin thời sự phong phú và bổ ích. Thời đại mới luôn có đòi hỏi mới, vì vậy đổi mới tờ báo là nhiệm vụ thường xuyên. Tôi xin đặt niềm tin đối với đội ngũ cán bộ, phóng viên Ban Nhân Dân cuối tuần hiện nay và những lớp người kế tiếp.