Kết nối con người, kết nối chính sách

Khác với nhiều diễn đàn trước đây về cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) cả về quy mô và cách thức tổ chức, chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 được tổ chức thành chuỗi hoạt động thiết thực, kéo dài từ ngày 18 đến 24-8 tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố. Nguồn nhân lực chính là điểm cộng tạo nên lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, nhưng muốn kết nối con người thì phải tạo nên những chính sách mang tính kết nối.

Kết nối con người, kết nối chính sách

Lắng nghe để hành động

Nòng cốt của chuỗi chương trình lần này là 100 chuyên gia, nhà khoa học trẻ người Việt tiêu biểu ở nước ngoài được mời về nước hiến kế cho Chính phủ trong nhiều nội dung nhằm tận dụng lợi thế của CMCN 4.0 để đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, kinh tế và xã hội.

"Ðất nước chỉ hưng thịnh khi khơi dậy được lòng yêu nước, quy tụ được người tài đức dốc lòng vì nước" là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp mặt các trí thức trẻ tại trụ sở Chính phủ ngày 19-8. Tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu lớn nhất lúc này là phải phát triển kinh tế nhanh, bền vững để thu hẹp khoảng cách với các nước. CMCN 4.0, nền tảng là dữ liệu lớn, robot và trí tuệ nhân tạo, sẽ giúp nâng cao hiệu quả cũng như hiệu suất của nền kinh tế.

Cơ hội bứt lên trên bản đồ phát triển của thế giới có phần quan trọng là tùy ở việc chúng ta có thể kết hợp được sức mạnh, trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước hay không? Một giải pháp cụ thể để tạo được sự kết nối là hình thành Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam hôm nay. Mạng lưới mang tính toàn cầu này sẽ tạo nên cuộc cách mạng trong đổi mới sáng tạo giúp cho Việt Nam ghi tên mình trong bản đồ cách mạng công nghệ của thế giới.

Xác định mục tiêu, cần xây dựng thành công Chính phủ điện tử, người đứng đầu Chính phủ trong cuộc gặp gỡ với 100 nhân sĩ tiêu biểu đã yêu cầu các Bộ trưởng lắng nghe ý kiến các đại biểu, tiếp thu trong xây dựng chính sách và phải tạo mọi điều kiện để trí thức người Việt ở nước ngoài tham gia trực tiếp vào các dự án, chương trình thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong nước. Không một bộ nào đứng ngoài mạng lưới kết nối.

Không khí cởi mở, thân tình, sẵn sàng lắng nghe của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành đã tạo nên chất xúc tác để nhiều đại biểu nói lên những điều tâm huyết, cũng như đưa ra những ý kiến, đề xuất giải pháp cụ thể. Chẳng hạn như, TS Trịnh Toàn (Hoa Kỳ) khuyến nghị, phát triển công nghiệp phải dựa vào dữ liệu nên Chính phủ cần sớm có hệ thống dữ liệu mở, chia sẻ dữ liệu. Quan tâm vấn đề chính sách, TS Phạm Quang Cường, giảng viên Ðại học Công nghệ Nanyang (Xin-ga-po) cũng bày tỏ mong muốn được hợp tác, tham gia các dự án, nhà máy công nghiệp tại Việt Nam để phát triển các robot "Made in Việt Nam"…

Kết nối con người, kết nối chính sách ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức công bố kết nối Mạng lưới sáng tạo Việt Nam năm 2018. Ảnh: DƯƠNG GIANG

Cần những giải pháp cụ thể

Lấy chủ đề "Sức mạnh Thăng Long - Trí tuệ Việt Nam", chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 tập trung vào nhiều hoạt động rất ý nghĩa và thiết thực như: gặp gỡ các lãnh đạo cao cấp của Nhà nước và Chính phủ; gặp gỡ các bộ, ngành, địa phương; gặp gỡ cộng đồng khởi nghiệp, trí thức làm khoa học công nghệ tại Việt Nam; trao đổi và làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, tiên phong trong phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; làm việc tại các khu công nghệ cao tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh,...

Tính chất "kết nối" thể hiện rõ trong từng cuộc gặp gỡ. Tại buổi gặp gỡ với Bộ Thông tin và Truyền thông, quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn cho rằng, chúng ta không phải nói nhiều nữa, mà hãy làm thực chất với dự án cụ thể.

Hay như trong cuộc đối thoại với lãnh đạo Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung bày tỏ mong muốn Mạng lưới sẽ là kênh hữu hiệu giúp kết nối các nhà khoa học trong và ngoài nước, tìm phương án giải quyết những thách thức, đóng góp cho công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Các đại biểu đã trao đổi với lãnh đạo thành phố những vấn đề cốt lõi, nền tảng để xây dựng thành phố thông minh cũng như các công nghệ hiện đại, xu thế ứng dụng khoa học trên các lĩnh vực thiết yếu của đời sống đô thị như: Giao thông, y tế, giáo dục, môi trường,... đồng thời bày tỏ việc sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ thành phố thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận và ứng dụng công nghệ hiện đại.

Vấn đề đặt ra lúc này, quan trọng là chúng ta phải có một kế hoạch dài hơi, bài bản, kết nối con người - nguồn nhân lực chất lượng cao - phải đồng thời với kết nối chính sách. Làm sao để có đột phá trong chính sách, cơ chế nào để các bộ, ngành phối hợp nhịp nhàng, tạo hiệu quả rõ nét cả trong thu hút và khai thác tài năng cho đất nước - là trăn trở của nhiều đại biểu và cả các cán bộ, lãnh đạo quản lý.

Các trí thức, nhà khoa học trẻ về nước lần này còn có những buổi làm việc với lãnh đạo các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh; nghiên cứu mô hình cơ quan hành chính, tìm hiểu nhu cầu nhân lực công nghệ chất lượng cao và kết nối với giới nghiên cứu, chuyên gia công nghệ trong nước.

Kinh nghiệm cho thấy, ở một số địa phương, sau màn chào mời nhân tài "trống giong cờ mở" thì lại vẫn là cơ chế, cách làm, sự ràng buộc cũ khiến nhân tài không phát huy được khả năng, lại phải ra đi. Khi đó, thiệt hại không chỉ là các khoản đầu tư, lãng phí nguồn lực xã hội, mà lớn hơn là mất đi bầu nhiệt huyết của những người trở về. Ðã đến lúc, công cuộc "trọng dụng nhân tài" phải được đặt cao hơn bao giờ hết, tạo điều kiện về mặt chính sách để phát huy tối đa nguồn lực con người, mới mong chúng ta có thể bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong cuộc CMCN 4.0 nhiều cơ hội song cũng lắm thách thức này.

CMCN 4.0 đang mở ra cơ hội kết nối dễ dàng với các trí thức trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, và cả người nước ngoài muốn làm việc, đóng góp cho Việt Nam. Cái khó nằm ở chỗ, cơ chế chính sách, sự gắn kết giữa các bộ, ngành sẽ phải được đổi mới ra sao để sau kết nối là hợp tác hiệu quả?