"Ðịnh vị" quốc gia trong dòng chảy thời đại

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 có sự tham gia của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao, cùng hơn 700 đại biểu từ các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương... khẳng định sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ của ngành ngoại giao: Tiếp tục "định vị" quốc gia trong dòng chảy chung của thời đại.

"Ðịnh vị" quốc gia trong dòng chảy thời đại
"Ðịnh vị" quốc gia trong dòng chảy thời đại ảnh 1

Ảnh: DUY LINH

Củng cố môi trường hòa bình để phát triển

Với chủ đề "Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XII", Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 được tổ chức vào thời điểm quan trọng, khi cả nước đang tiến hành kiểm điểm giữa nhiệm kỳ việc triển khai đường lối đối ngoại, hướng tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng; trên cơ sở đó, đề xuất phương hướng, biện pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm, đóng góp tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới và chuẩn bị các văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục chuyển biến phức tạp và khó lường, nhiều diễn biến mang tính bước ngoặt: Kinh tế thế giới phục hồi và bước vào giai đoạn tăng trưởng tốc độ cao hơn; đồng thời, sự phát triển khoa học - công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những tác động sâu rộng đến kinh tế thế giới. Nhưng, song hành với những yếu tố thuận lợi vẫn có các nhân tố gây rủi ro, khi toàn cầu hóa đứng trước thách thức chưa từng có từ chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, hay chiến tranh thương mại nhăm nhe bùng nổ. Về chính trị - an ninh, thách thức nổi lên từ chính sách và cạnh tranh chiến lược, chủ nghĩa dân túy, bảo hộ gia tăng...

Trong bối cảnh quốc tế mới, Việt Nam vẫn có những thuận lợi cơ bản. Báo cáo về công tác đối ngoại từ sau Ðại hội XI của Ðảng và Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (năm 2016) nêu rõ: Hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế lớn, trong khi cách mạng công nghiệp 4.0 và triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới đang tạo ra nhiều cơ hội.

Trong hơn hai năm qua, bám sát đường lối đối ngoại của Ðại hội XII, ngành ngoại giao Việt Nam đã kiên trì về nguyên tắc, kiên định về mục tiêu, chủ động và linh hoạt triển khai các nhiệm vụ trọng yếu về đối ngoại, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Tiến trình hội nhập quốc tế được triển khai toàn diện, chủ động và tích cực cả về chủ trương và hành động, góp phần tranh thủ được nguồn lực từ bên ngoài cho phát triển và tạo động lực thúc đẩy cải cách, đổi mới trong nước. Quan hệ với các đối tác, nhất là với các nước láng giềng, khu vực và các nước lớn từng bước đi vào ổn định. Công tác đối ngoại đa phương được chú trọng và triển khai hiệu quả, Việt Nam tham gia và đóng góp tích cực củng cố, thúc đẩy hình thành các liên kết quốc tế và khu vực, qua đó gia tăng gắn kết lợi ích và nâng cao uy tín, hình ảnh đất nước.

Ðánh giá về những kết quả quan trọng của ngoại giao Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Công tác đối ngoại đóng góp rất quan trọng vào việc duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế; góp phần nâng cao vị thế quốc gia, đưa quan hệ của Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, ổn định...".

Ngoại giao chủ động, sáng tạo và hiệu quả

Những thành tựu ngoại giao nêu trên là minh chứng cho tính đúng đắn, hợp thời đại trong đường lối đối ngoại của Ðại hội XII, là kết quả của sự lãnh đạo chặt chẽ, thường xuyên của Ðảng và sự điều hành chủ động, linh hoạt của Nhà nước, cùng đóng góp quan trọng của đội ngũ làm công tác đối ngoại. Tình hình thế giới đang chuyển động nhanh, thế và lực mới của đất nước sau 30 năm đổi mới đang mang lại những thuận lợi để hướng tới xây dựng một nền ngoại giao chuyên nghiệp và hiện đại. Bối cảnh ấy đòi hỏi ngành ngoại giao tiếp tục nỗ lực, thích ứng, chủ động và sáng tạo, chú trọng tính hiệu quả trong việc triển khai các chủ trương, đường lối đối ngoại.

Tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, ngành ngoại giao đặt mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ tính chủ động, sáng tạo và hiệu quả của công tác đối ngoại. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Trong bối cảnh những diễn biến chính trị thế giới thời gian qua, có nhiều vấn đề vượt ngoài dự báo thông thường, bởi thế, nếu công tác đối ngoại không đổi mới, nhất là đổi mới tư duy, thì không theo kịp sự phát triển. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, yếu tố chủ động cần được đẩy mạnh hơn nữa trước những diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường của tình hình thế giới, nhất là sự thay đổi chính sách của các cường quốc, các nước trong khu vực. Phương châm "sáng tạo" rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay; và cuối cùng là yếu tố "hiệu quả" trong thực hiện các chính sách đối ngoại.

Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, các đại biểu cùng chia sẻ ý kiến cho rằng: Công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược là hết sức quan trọng và cần được nâng cao chất lượng hơn nữa. Phải nỗ lực đánh giá sát và dự báo trúng tình hình thế giới và khu vực trong 3 đến 5 năm tới và tầm nhìn 10 đến 15 năm, góp phần nhận diện đúng và kịp thời các cơ hội, thách thức với đất nước, từ đó đề xuất những giải pháp mang tính chiến lược về đối ngoại, phù hợp tầm vóc, thế và lực của đất nước. Một nhiệm vụ cấp bách nữa là tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại theo hướng hiện đại, ngang tầm khu vực và dần tiếp cận trình độ quốc tế.

Những thành tựu quan trọng trên tất cả các trụ cột, lĩnh vực của công tác đối ngoại đã góp phần tạo động lực, đồng thuận và niềm tin vào thế đi lên của đất nước. Ðó cũng là hành trang để ngành ngoại giao bước vào giai đoạn phát triển mới, tiếp tục góp phần đưa đất nước phát triển, hội nhập một cách vững chắc cùng dòng chảy chung của thời đại.